21/09/2024 | 08:19 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước

Hà An
Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ở Saint Petersburg, Nga, ngày 20-9-2023_Ảnh: AFP
Từ ngày 18 đến ngày 21-9-2023, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga trong khuôn khổ tham dự vòng Tham vấn an ninh chiến lược Trung Quốc - Nga lần thứ 18. Chuyến thăm được tiếp nối sau hàng loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa Trung Quốc và Nga diễn ra trong thời gian gần đây thể hiện ý nghĩa, cũng như vai trò đặc biệt của mối quan hệ giữa 2 nước trong bối cảnh hiện nay.

Thúc đẩy hợp tác toàn diện

Trong cuộc gặp, các nhà lãnh đạo 2 nước thảo luận về tình hình thế giới, khu vực mà cả hai bên cùng quan tâm; triển vọng thúc đẩy quan hệ song phương bao gồm đối thoại chính trị ở cấp cao, hợp tác kinh tế và thương mại; tăng cường hợp tác trên trường quốc tế, tương tác trong các tổ chức quốc tế và hợp tác giải quyết xung đột tại Ukraina.

Lãnh đạo 2 nước đều khẳng định, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga đang trên đà phát triển tốt đẹp, ổn định, hợp tác thiết thực, phối hợp chiến lược toàn diện và hợp tác cùng có lợi. 

Ông Vương Nghị bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga dựa trên sự đồng thuận quan trọng mà 2 lãnh đạo cấp cao đã đạt được, đồng thời thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Nga lên tầm cao mới. 

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 3-2023) đã mở ra kỷ nguyên mới, là dấu hiệu quan trọng của sự tin cậy cao trong quan hệ Nga - Trung Quốc; đồng thời cho rằng chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là minh chứng, tạo động lực cho sự phát triển quan hệ song phương, góp phần tích cực cho thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa 2 nước. 

Hai bên cùng bày tỏ sẵn sàng đáp ứng các lợi ích của nhau. Nga đánh giá cao quan điểm của Trung Quốc về an ninh của các bên. Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ ủng hộ phương châm đàm phán hòa bình mang tính xây dựng trong giải quyết khủng hoảng và cho rằng cần tính đến mối quan ngại về an ninh của tất cả các bên, loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.

Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 190 tỷ USD; trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương vượt mốc 120 tỷ USD. Hai bên hy vọng con số này sẽ đạt gần 200 tỷ USD vào cuối năm 2023 và phấn đấu đạt mục tiêu 250 tỷ USD vào thời gian tới.

 Khi đề cập đến các vấn đề quốc tế và vai trò tại các tổ chức quốc tế mà hai bên đang tham gia, gồm Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nga và Trung Quốc tiếp tục khẳng định với vai trò nước lớn và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 2 nước sẽ có trách nhiệm quan trọng trong duy trì ổn định chiến lược toàn cầu, giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, tích cực tham gia vào các định dạng đa phương, cùng nhau bảo vệ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế. 

Đồng thời, hai bên đánh giá cao việc mở rộng thành viên của BRICS và sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên để xây dựng một BRICS đoàn kết, hợp tác và tìm kiếm sự phát triển chung. Ông S. Lavrov cho biết, với vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS vào năm 2024, Nga sẽ hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của BRICS.

Củng cố quan hệ song phương

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ Nga cơ bản ổn định và quan hệ song phương giữa 2 nước phát triển toàn diện, vững chắc trong suốt thời gian vừa qua. Chuyến thăm còn diễn ra ngay sau hàng loạt sự kiện đối ngoại quan trọng của Trung Quốc và Nga. 

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Malta, Nga cũng vừa đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (tháng 9-2023). 

Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đều không tham dự Phiên họp cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Mỹ. Qua những động thái này, có thể thấy một số điểm đáng chú ý sau: thứ nhất, Triều Tiên và Trung Quốc đều có chuyến thăm Nga trong cùng một thời điểm, động thái này như một lời khẳng định rằng, Nga không hề bị cô lập như mong muốn của phương Tây; thứ hai, phản ánh mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga trước sức ép của Mỹ và phương Tây; thứ ba, thể hiện nỗ lực thực hiện chính sách cân bằng, trung lập của Trung Quốc khi vừa thúc đẩy quan hệ với Nga, vừa duy trì đối thoại ở mức cần thiết với Mỹ; thứ tư, hai bên tăng cường hợp tác, củng cố quan hệ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả 2 nước. 

Đối với Trung Quốc, việc tăng cường hợp tác với Nga sẽ giảm áp lực kinh tế từ phương Tây, nhất là những biện pháp hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và phát huy vai trò trong việc định hình lại cấu trúc an ninh và ổn định ở lục địa Á - Âu; với Nga, thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ tránh bị cô lập trước các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài cho cuộc xung đột tại Ukraina.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị, Tổng thống V. Putin cho biết sẽ thăm Trung Quốc vào thời gian tới nhân dịp tham dự Diễn đàn Vành đai, Con đường tại Trung Quốc đồng thời đánh giá, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” phù hợp với lợi ích của Nga trong việc kiến tạo một không gian Á - Âu thịnh vượng và phát triển. 

Các chuyên gia nhận định, việc lãnh đạo cấp cao 2 nước thường xuyên thăm lẫn nhau đã định hướng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường sự tin cậy về chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác trên trường quốc tế, cùng bảo vệ lợi ích của cả hai bên trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động và hình thành trật tự thế giới đa cực.

Trong khi đó, dư luận phương Tây cho rằng, chuyến thăm lần này là nhằm thể hiện hình ảnh đoàn kết giữa 2 nước trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ, còn Nga đối mặt với nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. 

Đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã làm thay đổi quan hệ đối tác không giới hạn Nga - Trung Quốc, hai bên tiếp tục khẳng định hợp tác trên nhiều lĩnh vực, duy trì ổn định và có cùng một chiến lược là nhằm tìm kiếm một đồng minh trong việc định hình lại hệ thống quản trị toàn cầu đang dưới sự dẫn dắt của Mỹ và phương Tây.

Việc 2 Bộ trưởng Ngoại giao thảo luận về tình hình quốc tế, khu vực và trao đổi về các vấn đề liên quan đến hợp tác hai bên trong khuôn khổ Liên hợp quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hợp tác hiệu quả trong các cơ chế đa phương mà hai bên là thành viên tích cực. 

Việc duy trì các cơ chế phối hợp, hợp tác hiện có đã làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác song phương, cũng như tăng cường lòng tin giữa 2 nước. Trong đó, cơ chế tham vấn an ninh chiến lược là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga; phản ánh chiều sâu tin cậy về chính trị, bề rộng hợp tác chiến lược giữa 2 nước. Điều này cũng góp phần ổn định quản trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và đầy bất ổn.

Chuyến thăm lần này còn cho thấy sự song trùng về nhu cầu, cũng như toan tính chiến lược của 2 nước. Trung Quốc cần Nga trong việc phát triển các sáng kiến, đẩy mạnh các chiến lược phát triển. Nga cần Trung Quốc trong phát triển kinh tế, định dạng liên minh kinh tế Á - Âu do Nga dẫn dắt. 

Trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu nhiều lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc nỗ lực vực dậy tăng trưởng kinh tế, hợp tác chặt chẽ sẽ góp phần làm giảm thiểu khó khăn và nguy cơ từ Mỹ và phương Tây; đem lại nguồn vốn và thị trường tiêu thụ cho Nga; giải quyết bài toán năng lượng và khoáng sản cho Trung Quốc. 

Ngoài ra, cuộc gặp diễn ra trước thềm hội nghị Liên hợp quốc giúp hai bên giảm thiểu các áp lực từ những biện pháp trừng phạt của Mỹ, mở rộng hợp tác trong giải quyết các vấn đề quốc tế trên trường quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế tại các cơ chế đa phương mà cả hai đang tham gia như SCO, BRICS.

Xét tổng thể quan hệ 2 nước từ đầu năm 2023 đến nay, chuyến thăm 3 ngày của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cho thấy quan hệ hai bên vẫn phát triển ổn định, sâu sắc và toàn diện và đạt được mức phát triển cao nhất trong lịch sử, bất chấp những biến chuyển trong cục diện chính trị - an ninh thế giới, góp phần giúp 2 nước có thêm “sức mạnh” để đương đầu với những “cơn sóng dữ” trong thời gian tới./.

17 October 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau