Hàn Quốc mở rộng quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương
Đình Hùng
Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc với nhóm các quốc đảo ở Thái Bình Dương tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, từ ngày 29 đến 30-5-2023_Ảnh: AFP
Tăng cường quan hệ với các quốc đảo
Chủ đề hội nghị mà Hàn Quốc đưa ra là “Hướng tới sự thịnh vượng chung: Tăng cường hợp tác với Thái Bình Dương xanh”, tập trung thảo luận về cách thức giải quyết các vấn đề cấp bách nhất mà các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt, như biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và phát triển khu vực. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh, hội nghị lần này đánh dấu sự khởi đầu mới trong hợp tác giữa Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương. Hàn Quốc cam kết sẽ tăng hai lần quy mô vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các quốc đảo Thái Bình Dương vào năm 2027 và ủng hộ nỗ lực của các quốc đảo nhằm bảo tồn các vùng biển, cũng như nỗ lực duy trì và phát triển nghề cá, xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, thích ứng với biến đổi khí hậu - những mối quan tâm chính của các quốc đảo.
Thủ tướng Mark Brown của quần đảo Cook - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của PIF, đồng chủ trì hội nghị với Hàn Quốc, cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc rằng những thách thức mà khu vực Thái Bình Dương phải đối mặt là rộng lớn và phức tạp, do đó, các cuộc thảo luận của hội nghị cần bao gồm các lĩnh vực, như ứng phó với rủi ro thiên tai và khả năng phục hồi, quản trị đại dương, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác với nước chủ nhà Hàn Quốc trong các vấn đề trên.
Hội nghị đã ra tuyên bố chung về “mối quan hệ đối tác hướng tới tự do, hòa bình và thịnh vượng cho một khu vực Thái Bình Dương bền vững”, trong đó nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương có mối liên hệ với hòa bình và ổn định toàn cầu, trên cơ sở đó đề ra nhiều biện pháp, chương trình hợp tác nhằm xây dựng một khu vực Thái Bình Dương thịnh vượng và bền vững. Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Tuyên bố chung lưu ý các nhà lãnh đạo PIF đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở khu vực Thái Bình Dương, vì vậy, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và PIF sẽ cùng nhau thực hiện Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu được ký kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015, để giảm thiểu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, xác định đây vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống, an ninh và hạnh phúc của người dân khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp và tăng cường nỗ lực của các nước phát triển trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cũng như xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về vấn đề bảo tồn tài nguyên biển, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ làm việc cùng nhau để bảo tồn và quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển và môi trường ở khu vực Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách thiết lập một hệ thống quản lý tài nguyên và môi trường biển bền vững trong khu vực thông qua xây dựng năng lực trong các lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo biển và giám sát môi trường biển. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc kết thúc đàm phán gần đây về một công cụ ràng buộc quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, kêu gọi Liên hợp quốc đẩy nhanh việc thông qua và phê chuẩn hiệp định quan trọng này.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tham dư hội nghị còn cam kết cùng hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, cũng như ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế, như ứng cử vào các cơ quan, tổ chức quốc tế; tổ chức các sự kiện quốc tế, như ủng hộ Australia đăng cai tổ chức Hội nghị các bên về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 31 (COP 31) vào năm 2026, Hàn Quốc đăng cai tổ chức World Expo năm 2030 tại thành phố Busan...
Về cơ chế thúc đẩy hợp tác, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì cơ chế họp hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương 2 năm/lần, tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào thời gian và địa điểm thích hợp.
Triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hàn Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh gần đây khu vực này trở thành một trong những nơi được nhiều cường quốc quan tâm. Tháng 5-2022, Trung Quốc đã có động thái thúc đẩy quan hệ với khu vực Thái Bình Dương khi cử Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới thăm một số nước trong khu vực, thuyết phục các nước ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh. Trước động thái của Trung Quốc, Mỹ cùng Australia, New Zealand, Anh và Nhật Bản đã khởi động cơ chế hợp tác không chính thức với tên gọi Đối tác Thái Bình Dương xanh (PBP) vào tháng 6-2022 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc đảo Thái Bình Dương. Tháng 9-2022, Mỹ lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực, như công bố khoản tài trợ hơn 800 triệu USD cho các nước quốc đảo, bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách tại khu vực, triển khai thêm phái bộ ngoại giao tới 3 quốc đảo... Gần đây nhất, chỉ hơn 1 tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc với nhóm các nước quốc đảo ở Thái Bình Dương tại Thủ đô Seoul, Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến công du tới Papua New Guine để tham dự Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương, diễn ra vào ngày 22-5-2023. Tại diễn đàn, Tổng thống N. Modi công bố một bản kế hoạch gồm 12 bước nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Các sự kiện trên cho thấy, các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương gần đây đang trở thành nơi thu hút sự chú ý của các nước lớn. Thông thường, các khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng hoặc những nơi đang xảy ra chiến tranh, xung đột mới là tâm điểm mà các nước lớn quan tâm. Vậy, lý do khiến khu vực quốc đảo Thái Bình Dương gần đây thu hút sự chú ý của một số nước lớn, cường quốc kinh tế, trong đó có Hàn Quốc, là gì? Có thể thấy, với hàng chục nghìn đảo nhỏ nằm rải rác, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương là địa điểm lý tưởng để các nước thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch, nghề cá, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và quan trọng hơn là qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực, thể hiện vai trò nước lớn trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra quyết liệt trên thế giới hiện nay. Rõ ràng, Hàn Quốc cũng không muốn “chậm chân” trong cuộc cạnh tranh này, khi sự thịnh vượng về kinh tế của Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào các thị trường nước ngoài.
Với Hàn Quốc, việc tổ chức hội nghị lần này còn là biểu hiện cụ thể của việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố vào cuối năm 2022. Theo đó, nước này sẽ theo đuổi những biện pháp cốt lõi để hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng theo 3 nguyên tắc hợp tác là bao trùm, tin cậy và có đi có lại, trên cơ sở đó bảo đảm các giá trị và lợi ích quốc gia mà Hàn Quốc quan tâm tìm kiếm.
Các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương đang cần rất nhiều vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài để khai phá tiềm năng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, sự cạnh tranh một cách lành mạnh, tập trung vào những lĩnh vực mà các nước này thực sự quan tâm, qua đó có thể thúc đẩy nền kinh tế của các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama - một trong những nhà lãnh đạo của khu vực - từng nhấn mạnh, các quốc đảo Thái Bình Dương cần những đối tác thật sự chứ không phải những siêu cường chỉ tập trung vào quyền lực. Rõ ràng, các nước này quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đầu tư vào kết cấu hạ tầng và phát triển bền vững, chứ không phải trở thành nơi cạnh tranh nước lớn. Với cách tiếp cận đó, có thể thấy Hàn Quốc dường như đang đi đúng hướng khi mở rộng quan hệ hợp tác và ưu tiên hỗ trợ những vấn đề mà các nước quốc đảo Thái Bình Dương đang quan tâm./.