Việt Nam - New Zealand: 50 năm đồng hành cùng phát triển
Đức Minh
Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy
Ngày 19-6-1975, Việt Nam và New Zealand chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 50 năm qua, quan hệ chính trị giữa 2 nước ngày càng được củng cố và mở rộng, đặc biệt kể từ khi New Zealand mở Đại sứ quán tại Hà Nội (tháng 11-1995) và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn Việt Nam lập Đại sứ quán tại New Zealand vào tháng 5-2003.
Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm lẫn nhau. Đáng chú ý như, các chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (năm 2005) với việc 2 nước ký kết “Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand”; Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (năm 2009), với dấu mốc 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - New Zealand lên tầm “Đối tác toàn diện”. Bên cạnh đó, các chuyến thăm cấp cao của quan chức Chính phủ New Zealand tới Việt Nam trong những năm gần đây thể hiện sự coi trọng của New Zealand trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ song phương tiếp tục được củng cố và làm sâu sắc thêm qua chuyến thăm hữu nghị chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân (tháng 3-2015), đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2015), thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên cao quan hệ đối tác toàn diện với New Zealand.
Tháng 7-2020, trong không khí kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2020), 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển và đi vào thực chất. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 3-2024 đánh dấu bước tiến quan trọng, với việc hai bên đề ra các nội dung được bao quát trong 3 cặp từ khóa “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, “tăng tốc và bứt phá”, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo 2 nước đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, củng cố vững chắc sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân 2 nước. Các cơ chế hợp tác, như Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JTEC), Tham vấn Quốc phòng và Tư vấn hằng năm về hợp tác phát triển Việt Nam - New Zealand, được 2 nước duy trì hiệu quả.
Trong khuôn khổ đa phương, 2 nước phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc, các cơ chế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...
Hai nước thúc đẩy hợp tác theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà 2 nước cùng tham gia, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác
Song song với quan hệ chính trị - ngoại giao, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hướng tới tương lai giữa 2 nước trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, giao thông - vận tải,... ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của New Zealand với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2023 và năm 2024 đều đạt 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Việt Nam (xếp thứ 41 về xuất khẩu và xếp thứ 37 về nhập khẩu).
Việt Nam xuất khẩu sang thị trường New Zealand chủ yếu là các mặt hàng giày dép, đồ nội thất, gốm sứ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, cà phê, hạt điều; nhập khẩu từ New Zealand các sản phẩm nông nghiệp, bột gỗ, hóa chất, sắt, thép...
Các hoạt động xuất, nhập khẩu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 nước, nhất là đối với Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), hiện nay, New Zealand đứng thứ 39/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, với 55 dự án FDI có tổng số vốn đăng ký đạt 208 triệu USD, tập trung chủ yếu tại các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục - đào tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...
Việt Nam có 12 dự án FDI tại New Zealand với tổng số vốn đăng ký đạt 43,9 triệu USD, đứng thứ 30/80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn, bán lẻ, phân phối, xuất nhập khẩu, nông nghiệp.
Bên cạnh các dự án FDI, New Zealand còn là nước cung cấp ODA lớn cho Việt Nam, có mức viện trợ ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 3,2 triệu NZD (giai đoạn 2003 - 2004) lên 26,7 NZD (giai đoạn 2021 - 2024), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong hợp tác giáo dục - đào tạo, hằng năm, New Zealand cấp một số lượng đáng kể học bổng để đào tạo đại học và sau đại học cho sinh viên và cán bộ khoa học - kỹ thuật của Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 1.700 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand (đứng thứ 9 trong số các quốc gia có học sinh, sinh viên học tập tại New Zealand).
Tháng 3-2024, 2 nước ký kết Thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2026. New Zealand tiếp tục cấp học bổng cho Việt Nam với 30 suất học bổng/năm cho các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, duy trì chương trình đào tạo tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ quốc phòng vào tháng 2-2002, 2 nước đẩy mạnh hợp tác thông qua các hoạt động song phương, như trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh..., cũng như hợp tác chặt chẽ trong tiến trình quốc phòng - an ninh khu vực.
Có thể kể đến như, Bộ Công an Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của New Zealand (năm 2003); Việt Nam - New Zealand ký kết Thỏa thuận hợp tác cảnh sát và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 2010)...
Về giao thông - vận tải, trên cơ sở Hiệp định vận tải hàng không được ký kết vào năm 2004 và sửa đổi vào tháng 8-2013, thị trường hàng không giữa 2 nước luôn có mức tăng trưởng tốt. Năm 2023, Việt Nam đón 33.000 lượt khách du lịch New Zealand. Trong 7 tháng đầu năm 2024, con số này đạt hơn 27.000 lượt khách, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023.
Nền tảng tốt đẹp cho tương lai
Thực tiễn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand (2020 - 2025) đã minh chứng New Zealand là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng đối với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng được New Zealand đánh giá cao với vị thế là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong nội khối ASEAN.
Trên đà quan hệ phát triển tốt đẹp, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Christoper Luxon (tháng 2-2025), 2 nước thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khuôn khổ quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân 2 nước, với “5 điểm hơn”: 1- Tin cậy chính trị ở tầm mức cao hơn, chiến lược hơn; 2- Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; 3- Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư chặt chẽ, hiệu quả hơn; 4- Đưa hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành trụ cột mới; 5- Giao lưu nhân dân gắn kết chặt chẽ hơn.
Với tinh thần đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác cùng các trọng tâm như:
Một là, tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, đồng thời tăng cường hơn nữa việc trao đổi và hợp tác ở cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ 2 nước, thúc đẩy giao lưu Quốc hội, chính đảng, chính quyền địa phương và nhân dân 2 nước. Tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn hợp tác đa phương; thúc đẩy đối thoại hòa bình, xây dựng lòng tin giữa các nước. Xây dựng sớm Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2025 - 2028 toàn diện, thực chất, cụ thể và hiệu quả.
Hai là, gia tăng tiếp cận thị trường của nhau, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khuyến khích doanh nghiệp 2 nước mở rộng hợp tác, đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều là 3 tỷ USD vào năm 2026.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Bốn là, tăng cường hợp tác trên 2 lĩnh vực chiến lược cùng có lợi là nông nghiệp/kinh tế nông nghiệp và giáo dục - đào tạo; khuyến khích các hãng hàng không của 2 nước mở các đường bay thẳng kết nối 2 nước để gia tăng hơn nữa giao lưu nhân dân, hợp tác kinh tế, du lịch.
Năm là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào của 2 nước sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp của nước sở tại; chú trọng hơn nữa những lĩnh vực hợp tác có thế mạnh, như kỹ thuật quân sự, đầu tư hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh.Tóm lại, trên cơ sở sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác cùng phát triển của 2 quốc gia trong bối cảnh năng động của tiến trình hội nhập thế giới, cũng như với tiềm năng phát triển của 2 nước, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - New Zealand sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện, vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân 2 nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn



