21/09/2024 | 08:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Mỹ điều chỉnh chính sách với xung đột tại Dải Gaza

Lê Xuân Thuận
Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Mỹ điều chỉnh chính sách với xung đột tại Dải Gaza Toàn cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Dải Gaza tại New York, Mỹ_Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10-6-2024, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 2735 về đề xuất một lệnh ngừng bắn đầy đủ, toàn diện và ngay lập tức tại Dải Gaza. Đây là nghị quyết đầu tiên đánh dấu sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột tại Dải Gaza. Mặc dù nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và nhất là từ sự bảo trợ của Mỹ, song triển vọng thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2735 sẽ cần nhiều hơn nữa nỗ lực của các bên liên quan, cũng như nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Nội dung chính của Nghị quyết

Với 14 phiếu ủng hộ[1] và 1 phiếu trắng (của Nga) do những điều chính xác mà Israel đã ký trong Nghị quyết vẫn còn chưa được làm sáng tỏ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua Nghị quyết số 2735, ngày 10-6-2024, về một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức theo 3 giai đoạn nhằm chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza. 

Đây là nghị quyết thứ 4 của Hội đồng Bảo an về xung đột tại Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát (ngày 7-10-2023) và là nghị quyết mang tính toàn diện và đầy đủ nhất, đưa ra một đề xuất cụ thể về một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tham vấn tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như cả Israel và Palestine, bao gồm một số nội dung chính sau:

1- Hoan nghênh đề xuất ngừng bắn tại Dải Gaza được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 31-5-2024. Theo đó, thỏa thuận ngừng bắn được tiến hành theo 3 giai đoạn, hướng tới chấm dứt giao tranh gồm: giai đoạn thứ nhất, Israel và Hamas thực hiện ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức; tiến hành đàm phán trực tiếp về một số nội dung như Hamas trao trả con tin và Israel thả tù nhân Palestine; các lực lượng Israel rút khỏi các khu vực “đông dân cư” ở Dải Gaza; người dân Palestine được trở về nhà trên tất cả các khu vực tại Dải Gaza, bao gồm cả khu vực phía Bắc Gaza; các hoạt động viện trợ nhân đạo được bảo đảm thực hiện hiệu quả và an toàn.

Trong giai đoạn này, đại diện của Hamas và Israel có thể tham gia các cuộc đàm phán dưới sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar. Sau thời gian 6 tuần, nếu đàm phán vẫn tiếp tục thì thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ tiếp tục được thực hiện. 

Giai đoạn thứ hai, Israel và Hamas sẽ chấm dứt vĩnh viễn các hoạt động thù địch, Hamas sẽ trao trả toàn bộ các con tin khác vẫn ở Dải Gaza và Israel sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Dải Gaza. Giai đoạn thứ ba, một kế hoạch tái thiết Dải Gaza trong nhiều năm và thi thể của những con tin vẫn còn ở Dải Gaza sẽ được trao trả cho Israel.

2- Israel đã chấp thuận đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn và kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất.

3- Kêu gọi Israel và Hamas thực hiện đầy đủ các điều khoản của nghị quyết, thực hiện thỏa thuận ngừng bắn một cách vô điều kiện và không chậm trễ.

4- Phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi cơ cấu dân số, lãnh thổ tại Dải Gaza.

5- Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất Dải Gaza với Bờ Tây dưới sự quản lý của chính quyền Palestine và tầm nhìn đối với giải pháp “hai nhà nước”. Theo đó, Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình với đường biên giới an toàn và được công nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cùng các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.

Nguyên nhân Mỹ đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2735

Nghị quyết 2735 đánh dấu việc lần đầu tiên Mỹ chấp nhận về một giải pháp ngừng bắn cho xung đột tại Dải Gaza trên trường quốc tế, bởi trước đó, Mỹ đã 3 lần phủ quyết Nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi giải pháp ngừng bắn và 1 lần bỏ phiếu trắng với Nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza vào tháng 3-2024. 

Quyết định điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận với xung đột tại Dải Gaza của chính quyền Tổng thống J. Biden, chuyển từ phản đối sang chủ động đề xuất và tích cực thúc đẩy, bảo trợ cho một giải pháp ngừng bắn được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, trấn an cử tri Mỹ, nhất là cử tri Mỹ gốc Arab và gốc Hồi giáo, vốn đóng vai trò quan trọng giúp ông J. Biden giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong bối cảnh Mỹ đang bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 và làn sóng những người biểu tình phản đối chiến tranh, tẩy chay Israel, nhất là trong giới cử tri trẻ, học sinh, sinh viên ngày càng leo thang.

Kể từ khi Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ngày 6-5-2024, các cuộc biểu tình phản đối Israel của học sinh, sinh viên Mỹ ngày một lan rộng với quy mô lớn, diễn ra tại hơn 50 trường đại học với sự tham gia của cả người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo, yêu cầu chính quyền Tổng thống J. Biden thực hiện: 1- Ủng hộ một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza; 2- Gia tăng sức ép với Chính phủ Israel để chấp nhận một lệnh ngừng bắn, bao gồm cả việc dừng viện trợ quân sự và kinh tế với Israel.

Thứ hai, giảm bớt sức ép từ cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu về phát huy vai trò nước lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ leo thang xung đột, ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. 

Thời gian qua, một số quốc gia châu Âu gồm Tây Ban Nha, Na Uy, Ireland và Slovenia đã lần lượt công nhận Nhà nước Palestine, kêu gọi cần hành động để bảo vệ dân thường, chấm dứt chiến sự. Ngày 6-6-2024, Tây Ban Nha thậm chí tuyên bố sẽ tham gia, ủng hộ Nam Phi trong vụ kiện Israel vi phạm tội diệt chủng tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Thứ ba, giảm bớt sự nghi kỵ từ các đồng minh, đối tác thân cận của Mỹ tại Trung Đông, góp phần duy trì vị thế, ảnh hưởng tại khu vực. Thời gian qua, Mỹ đối mặt với áp lực từ nhiều đối tác khu vực, nhất là các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia,... khi bày tỏ quan ngại, thậm chí chỉ trích việc Mỹ ủng hộ, “thiên vị” Israel, khiến các nước phải đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn khác như Nga, Trung Quốc, giảm bớt lệ thuộc vào Mỹ, khiến vị thế của Mỹ tại khu vực bị suy giảm tương đối.

Thứ tư, tránh để xung đột quân sự giữa Israel với Hamas và các lực lượng đồng minh rơi vào tình trạng mất kiểm soát, leo thang, mở rộng thành một cuộc chiến khu vực. 

Thời gian qua, bên cạnh việc thúc đẩy một giải pháp ngừng bắn tại Dải Gaza, chính quyền Tổng thống J. Biden cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động trung gian nhằm giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Israel và quốc gia láng giềng Lebanon trong bối cảnh lực lượng Hezbollah tại Lebanon tăng cường các cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Israel, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chiến sự quy mô lớn tại chiến trường mới miền Nam Lebanon.

Triển vọng thực thi nghị quyết

Thông qua việc đề xuất và thúc đẩy nghị quyết về một giải pháp ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện tại Dải Gaza, Mỹ đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực chung nhằm gia tăng sức ép với các bên liên quan, nhất là về mặt pháp lý, thúc đẩy sớm chấm dứt chiến sự, tránh làm gia tăng thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. 

Việc một nghị quyết của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc được Mỹ ủng hộ và bảo trợ thực hiện giúp gia tăng tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về tính khả thi của nghị quyết. Thông qua sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar, Hamas đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng đàm phán về một giải pháp ngừng bắn.

Tuy nhiên, mặc dù nhận được sự kỳ vọng lớn của cộng đồng quốc tế, triển vọng thực thi đầy đủ Nghị quyết 2735 cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là từ phía chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. 

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an trước khi nghị quyết được thông qua, đại diện của Israel tại phiên họp vẫn nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng B. Netanyahu rằng, Israel sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi tất cả con tin được trả tự do, bảo đảm Gaza không còn là một mối đe dọa với Israel và khẳng định Israel không tham gia vào các cuộc đàm phán vô nghĩa nếu bị Hamas lợi dụng.

Dự báo trong thời gian tới, để thúc đẩy triển khai đầy đủ Nghị quyết 2735, chính quyền Tổng thống J. Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục: 

1- Đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con thoi”, thông qua các hoạt động của lãnh đạo cấp cao, tích cực phối hợp với các đối tác khu vực như Ai Cập, Qatar tham gia làm trung gian giải quyết xung đột; 

2- Tăng cường đối thoại trực tiếp với cả chính quyền Thủ tướng B. Netanyahu cũng như Hamas để thu hẹp bất đồng, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên; 

3- Gia tăng các hoạt động viện trợ nhân đạo, kêu gọi các bên chấp nhận một lệnh ngừng bắn trên các kênh đa phương, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh cam kết nhất quán trong bảo đảm an ninh của Israel, tránh làm đổ vỡ quan hệ với Israel.

Triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, ngay lập tức với xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas trong ngắn hạn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng quốc tế, nhất là của Liên hợp quốc và các nước lớn, góp phần thúc đẩy giảm thiểu leo thang căng thẳng, tránh nguy cơ mở rộng chiến sự trên các mặt trận mới./.


[1] Gồm Trung Quốc, Algeria, Ecuador, Pháp, Guyana, Nhật Bản, Mozambique, Malta, Sierra Leone, Slovenia, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ, Anh và Mỹ.



11 July 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau