“Liên minh tự nguyện” có góp phần chấm dứt xung đột Nga - Ukraina?
Nguyễn Quang Khai
Động cơ thành lập “Liên minh tự nguyện”
Ý tưởng thành lập “Liên minh tự nguyện” được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina. Lo ngại bị gạt ra ngoài cuộc đàm phán, châu Âu tìm cách khẳng định lại vị thế của mình để bảo đảm vai trò và lợi ích của châu Âu trong khu vực và trên toàn cầu.
Ngày 2-3-2025, tại Hội nghị thượng đỉnh mở rộng lần thứ hai của Liên minh châu Âu (EU), “Liên minh tự nguyện” được Anh và Pháp khởi xướng thành lập theo sáng kiến của Thủ tướng Anh Keir Stermer. Mục tiêu của “Liên minh tự nguyện” nhằm giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và Hiệp định hòa bình trong trường hợp đạt được thỏa thuận giữa Nga với Ukraina trong tương lai.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, về thực chất, mục đích của “Liên minh tự nguyện” là gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraina và triển khai quân đội tới lãnh thổ Ukraina nhằm chống Nga, kéo dài xung đột, đặc biệt sau khi chính quyền của Tổng thống D. Trump đàm phán với Nga để rút khỏi vũng lầy Ukraina và giải quyết cuộc xung đột. Đồng thời, một trong các mục đích của Anh và Pháp khi thành lập liên minh này là để gia tăng vai trò của EU trong đối thoại với Mỹ và Nga.
Trong “Liên minh tự nguyện”, Pháp và Anh đảm nhiệm vai trò lãnh đạo liên minh. Sáng kiến này có sự tham gia của các nước thành viên EU, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia ngoài khối này.
Đến nay đã có 30 nước tuyên bố tham gia liên minh, gồm Pháp, Anh, Estonia, Litva, Latvia, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Séc, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Canada, Australia, Bỉ, Bulgaria, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp, Slovenia, Croatia.
Theo đề xuất của Anh và Pháp, liên minh này dự kiến sẽ có khoảng 10.000 đến 30.000 binh sĩ, được triển khai trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina như một biện pháp gìn giữ hòa bình tại Ukraina sau khi có một thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn với Nga. Ngoài ra, liên minh có nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quốc phòng của châu Âu.
Ngày 10-4-2025, Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham gia “Liên minh tự nguyện” đã nhóm họp tại trụ sở của NATO ở Thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận lộ trình triển khai lực lượng tới Ukraina thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Mỹ không cử đại diện tham dự cuộc họp này.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh Mỹ kêu gọi châu Âu phải tự đảm nhận trách nhiệm an ninh, việc xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình được xem là thử thách đầu tiên đối với quyết tâm tự chủ quốc phòng của châu Âu.
Tại cuộc họp đầu tiên ngày 10-4-2025 của “Liên minh tự nguyện”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho rằng, kế hoạch của liên minh này là thực tế và khả thi, xác định mục tiêu rõ ràng cho Ukraina nhằm chuẩn bị cho thời điểm đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraina trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn, tác động tới cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người dân Ukraina. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lực lượng của liên minh có thể được triển khai tại các khu vực “chiến lược” ở Ukraina. Tuy nhiên, không phải tất cả 30 phái đoàn tham dự cuộc họp đều đồng ý tham gia việc điều động quân tới Ukraina và việc đóng góp quân sẽ không chỉ giới hạn ở lực lượng không quân, lục quân và hải quân, mà còn bao gồm cả hậu cần và tình báo. |
Cho đến nay, “Liên minh tự nguyên” được tuyên bố thành lập mới chỉ là thỏa thuận trên văn bản, việc triển khai thực tiễn được đánh giá không dễ dàng. Đây là một tập hợp các quốc gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, do vậy không có cơ chế thống nhất các hoạt động.
Hơn nữa, lực lượng gìn giữ hòa bình phải được Liên hợp quốc hoặc hai bên xung đột chấp thuận. Tuy nhiên hiện nay, Liên hợp quốc không có vai trò trong liên minh này. Trong khi đó, Nga tuyên bố “Liên minh tự nguyện” không thể gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình vì không được huy động từ các nước trung lập mà thành viên liên minh lại là từ các nước công khai đứng về phía Ukraina.
Nga coi lực lượng này là một bên tham chiến và là mục tiêu của quân đội Nga. Với tình hình như vậy, châu Âu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc đưa quân đến Ukraina.
Bên cạnh đó, nội bộ các nước tham gia liên minh không có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề, trong đó có việc chuẩn bị ngân sách, khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ cấu quân sự, phạm vi nhiệm vụ, địa điểm triển khai quân, phương tiện kỹ thuật, phương pháp giám sát lệnh ngừng bắn, nhiệm vụ cụ thể...
Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống D. Trump tuyên bố không tham gia lực lượng này. Mỹ cũng không phê duyệt thêm bất kỳ gói viện trợ quân sự mới nào cho Ukraina, thậm chí tạm dừng tất cả các khoản viện trợ (được phê duyệt dưới thời kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden) nhằm gây sức ép buộc Ukraina ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Mặt khác, các quan chức châu Âu cho biết, chính quyền của Tổng thống D. Trump sẽ rút một phần lực lượng trong tổng số khoảng 80.000 binh lính Mỹ đang đồn trú trên lục địa này, bao gồm cả một số quốc gia phía Đông giáp biên giới với Nga, nơi mà EU cho rằng có nguy cơ đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất từ Nga.
Đến nay mới chỉ có 6 trong 30 nước tham gia “Liên minh tự nguyện” tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Ukraina gồm Anh, Pháp và các nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva) và Thụy Điển. Tuy nhiên, Thụy Điển đề nghị cần làm rõ một số vấn đề, như nhiệm vụ của liên minh này là nhằm gìn giữ hòa bình, răn đe hay trấn an, trước khi thực hiện cam kết.
Trong khi đó, một số quốc gia vốn trước đây ủng hộ Ukraina thì đến nay vẫn từ chối việc điều động quân đến nước này khi cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Một số nước khác vẫn chưa tham gia việc điều quân do giữ thái độ trung lập hay vẫn còn bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Việc củng cố sức mạnh quốc phòng cũng đã được châu Âu đề cập đến. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng với chi phí lên tới 800 tỷ euro để phân bổ cho các quốc gia thành viên đầu tư vào quốc phòng.
Đến nay, các nước thành viên EU đã đạt thỏa thuận về việc dành thêm 2 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina. Đây là con số này không lớn so với yêu cầu 40 tỷ euro mà Cao ủy phụ trách ngoại giao của EU - bà Kaja Kallas, đang vận động các nước thành viên EU đóng góp để trợ giúp cho Ukraina.
Trong tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện nay ở châu Âu, các nước EU không có đủ nguồn lực để cung cấp cho một liên minh như vậy. Ngoài ra, việc phân bổ đóng góp quân, vũ khí, tài chính,... đối với từng nước cũng không đạt được đồng thuận.
Mặt khác, liên minh phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của Mỹ về tình báo, giám sát, trinh sát, kỹ thuật chiến đấu và hệ thống phòng không. Mỹ đã tuyên bố sẽ không đưa quân đến Ukraina, đồng thời khẳng định trách nhiệm bảo vệ an ninh của châu Âu phải do các nước châu Âu tự đảm nhiệm.
Kể từ khi thành lập “Liên minh tự nguyện”, các nhà lãnh đạo đã tổ chức cuộc họp nhưng chưa đưa ra được quyết định cụ thể nào. Kế hoạch đầy tham vọng của Thủ tướng Anh K. Starmer về việc gửi quân đội tới Ukraina đã không đạt được sự đồng thuận giữa các nước đồng minh. Bản thân ông K. Starmer cũng thừa nhận rằng, một lực lượng như vậy chỉ có thể khả thi khi có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ.
Nhiều nhà phân tích chính trị bày tỏ lo ngại về kế hoạch của “Liên minh tự nguyện” và cho rằng kế hoạch này không góp phần vào việc chấm dứt xung đột, mà còn dẫn tới nguy cơ “đổ thêm dầu vào lửa” khiến căng thẳng leo thang. Trong bối cảnh hiện tại, châu Âu vẫn còn một chặng đường dài để biến ý tưởng này thành hiện thực./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn



