14/04/2025 | 00:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6: Nâng cao vị thế của Nga trong thúc đẩy hợp tác phát triển

Lê Xuân Thuận
Bộ Ngoại giao
Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6: Nâng cao vị thế của Nga trong thúc đẩy hợp tác phát triển Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6, ngày 27-3-2025_Ảnh: AP
Từ ngày 26 đến 27-3-2025, tại thành phố cảng Murmansk (Nga) diễn ra Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6 với chủ đề “Sống ở phương Bắc”. Đây là một trong những diễn đàn hàng đầu thế giới thảo luận về các vấn đề cấp bách và triển vọng phát triển tại Bắc Cực. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, Nga sẽ ngày càng ưu tiên vị trí của Bắc Cực trong tổng thể chính sách đối ngoại để tận dụng tối đa cơ hội. Do vậy, diễn đàn là dịp để Nga củng cố vị thế quốc gia đi đầu trong thúc đẩy hợp tác phát triển khu vực đầy tiềm năng này.

Nội dung chính của diễn đàn

Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6 là diễn đàn đầu tiên sau 6 năm được tổ chức kể từ lần gần nhất vào năm 2019, là lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Murmansk nằm ở vị trí trung tâm trong khu vực Bắc Cực của Nga. 

Với sự tham gia của hơn 1.300 đại biểu đến từ 21 quốc gia, diễn đàn có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia, tổ chức và tập đoàn quốc tế. Bên cạnh phiên toàn thể, diễn đàn có các phiên thảo luận chuyên đề, như: 

1- Chuyên đề kinh doanh, tập trung trao đổi về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Cực; 

2- Chuyên đề phát triển tuyến đường biển phương Bắc (NSR), thúc đẩy mạng lưới vận tải đa hình thức qua Bắc Cực; 

3- Chuyên đề văn hóa, thể thao và xây dựng chính sách tại Bắc Cực.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Nga ký kết 9 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực, như khai thác đất hiếm, nghiên cứu khoa học, kết cấu hạ tầng. 

Nga cũng đưa ra một số cam kết thúc đẩy phát triển khu vực Bắc Cực, nổi bật như: 

1- Thành lập Quỹ đầu tư trực tiếp tại Bắc Cực; 

2- Xây dựng hệ thống giám sát đất đóng băng vĩnh cửu đầu tiên của Nga đặt tại thành phố Murmansk; 

3- Cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động tại khu vực Bắc Cực, từ ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính tới đất đai, trợ cấp giá cho các chuyến bay tới Bắc Cực; 

4- Ban hành kế hoạch hành động tổng thể 10 năm để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa Chiến lược phát triển vùng Bắc Cực và bảo đảm an ninh quốc gia tới năm 2035.

Kết quả đạt được

Với sự tham dự đông đảo của các đại biểu quốc tế và được đưa tin rộng rãi, Diễn đàn quốc tế Bắc Cực lần thứ 6 đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ qua 3 điểm chính sau:

Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư tại khu vực Bắc Cực, nhất là hợp tác đầu tư mở rộng Tuyến đường biển phương Bắc, gia tăng liên kết Vành đai vận tải xuyên Bắc Cực (TTR) tại phía Bắc của Nga. Trong bối cảnh tiếp tục đối mặt các lệnh trừng phạt kinh tế, cô lập từ nhiều nước phương Tây, Nga ngày càng coi trọng việc đẩy mạnh hoạt động giao thương với châu Á. 

NSR được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến đường vận tải chủ đạo giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển từ Nga tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số tập đoàn vận tải quốc tế lớn, như DP World của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), NewNew Shipping Line của Trung Quốc, đã thiết lập quan hệ hợp tác với Nga để phát triển vận tải container ở Bắc Cực và mở thêm tuyến đường từ Nga qua Bắc Cực tới Trung Quốc. 

Tại diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục kêu gọi các tập đoàn quốc tế gia tăng đầu tư và hợp tác trong mở rộng các cảng hàng hóa và xây dựng đội tàu để vận chuyển hàng hóa qua NSR. 

Tổng thống V. Putin cho biết, Nga sẽ dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này, bao gồm việc Nga cung cấp dịch vụ phá băng tại Bắc Cực có giá cả cạnh tranh với tàu phá băng thế hệ mới để mở rộng hơn nữa các tuyến vận tải. 

Một số đối tác đến từ Belarus, Trung Quốc, UAE bày tỏ mong muốn hợp tác với thành phố Murmansk để nâng cao năng lực cảng lên gấp 3 lần trong thời gian tới.

Vùng Bắc Cực của nước Nga hiện có gần 2,5 triệu người đang sinh sống, chiếm khoảng 1,4% dân số, nhưng đang đóng góp đến 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% kim ngạch xuất khẩu của Nga. Hiện nay, Nga tích cực phát triển tuyến đường biển phía Bắc, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn nhân lực, cũng như tạo điều kiện sống thuận lợi hơn cho người dân khu vực Bắc Cực.

Thứ hai, tái khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn như một cơ chế quốc tế hàng đầu về đối thoại thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững tại Bắc Cực. 

Bên cạnh việc mở thêm không gian trao đổi hợp tác kinh tế, diễn đàn ưu tiên thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển bền vững tại Bắc Cực. 

Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, “Nga cam kết cùng phối hợp với các quốc gia và tổ chức liên chính phủ trong nghiên cứu tại Bắc Cực”. 

Mặc dù diễn ra trong bối cảnh Nga đang đối mặt với sự cô lập của nhiều nước phương Tây, song diễn đàn năm 2025 vẫn nhận được sự tham gia rộng rãi của các đại biểu quốc tế. 

Đồng thời, ngày càng có nhiều đại biểu tới từ các quốc gia hàng đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Bắc Cực, như Trung Quốc, Ấn Độ, Na Uy, UAE, nâng cao uy tín của diễn đàn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cùng giải quyết vấn đề cấp bách và khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của Bắc Cực.

Thứ ba, nâng cao hình ảnh quốc gia thân thiện trong hợp tác quốc tế và vị thế của Nga như một trong những cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Bắc Cực. 

Tại diễn đàn, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga là cường quốc Bắc Cực lớn nhất và Nga ưu tiên hợp tác quốc tế, cam kết đối thoại và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia ở Bắc Cực về các vấn đề khu vực. 

Nga theo đuổi chính sách hợp tác bình đẳng tại Bắc Cực trên các lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, bảo vệ đa dạng sinh học, vấn đề khí hậu, ứng phó với các tình huống khẩn cấp tới phát triển kinh tế và công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, diễn đàn cũng gặp một số hạn chế, như: 

1- Số lượng đại biểu và các hãng thông tin phương Tây tới tham dự và đưa tin về sự kiện còn hạn chế; 

2- Số lượng thỏa thuận và số lượng vốn đầu tư quốc tế chưa đáp ứng được kỳ vọng của Nga trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nga đang bị hạn chế; 

3- Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận cam kết quốc tế về đầu tư phát triển tại vùng Bắc Cực của Nga gặp thách thức từ lo ngại về việc vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế.

Triển vọng chính sách của Nga tại Bắc Cực

Với vị trí địa - chiến lược quan trọng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Bắc Cực được đánh giá sẽ tiếp tục trở thành “địa bàn” trong cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần công khai mong muốn mua lại vùng đất Greenland ở Bắc Cực. 

Phát biểu tại chuyến thăm căn cứ quân sự của Mỹ tại Greenland vào ngày 28-3-2025, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cho biết, nếu Mỹ không nhanh chóng “đi đầu” tại Bắc Cực, Nga và Trung Quốc sẽ thực hiện điều đó. 

Đặc biệt, việc nhiều nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi khu vực Viễn Bắc có thể trở thành “bàn đạp” cho các cuộc xung đột trong tương lai, gây quan ngại lớn về an ninh đối với Nga. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng ngày càng mở rộng hiện diện tại khu vực, nhất là về hoạt động kinh tế, thương mại. Thư ký Ủy ban chỉ đạo Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực - lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 6 Anton Kobyakov đánh giá Trung Quốc sẽ cùng với Nga và Mỹ trở thành 3 quốc gia chủ đạo tham gia phát triển tại Bắc Cực trong tương lai, nhất là về lĩnh vực năng lượng.

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm cao nhất lợi ích tại vùng Bắc Cực và Viễn Bắc, Nga ngày càng coi trọng, ưu tiên vị trí của khu vực này trong tổng thể chính sách đối ngoại, tập trung triển khai theo hướng:

Một là, tiếp tục chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế, cùng khai thác tại Bắc Cực; duy trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc tế Bắc Cực nhằm vừa tạo diễn đàn thảo luận hợp tác quốc tế, vừa truyền tải kịp thời về chính sách phát triển của Nga, tăng cường cơ hội hợp tác kinh doanh, thu hút đầu tư quốc tế phát triển các vùng kinh tế, công nghiệp ở Viễn Bắc.

Hai là, đẩy mạnh ảnh hưởng, nâng cao sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực, nhất là về mặt quân sự. Tại diễn đàn, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga sẽ bổ sung lực lượng quân đội tại Bắc Cực, đồng thời triển khai các chính sách nâng cao năng lực chiến đấu, khôi phục hoạt động và hiện đại hóa các cơ sở quân sự tại Bắc Cực, nâng cao năng lực răn đe trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. 

Tổng thống V. Putin cũng nhấn mạnh thông điệp Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào tham gia phát triển tại Bắc Cực, song không cho phép bất cứ quốc gia nào xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Nga tại đây.

Ba là, thúc đẩy phát triển NSR nhằm khai thác tối đa tiềm năng to lớn trong vận tải hàng hóa thế giới, chú trọng nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa qua NSR từ 38 triệu tấn năm 2024 lên 70 - 100 triệu tấn năm 2030, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế tại Bắc Cực./.

11 April 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau