Thành tựu to lớn của WHO
Lý Mạc Phù
Cách đây 5 năm, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát, hoành hành và tàn phá thế giới, khiến cả thế giới bị động ứng phó. Những bài học đắt giá từ đại dịch bệnh này đã đưa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến ý tưởng gây dựng một hiệp ước quốc tế riêng nhằm phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh trên thế giới.
Sau 3 năm thương thảo, 194 thành viên của WHO đã nhất trí được với nhau về dự thảo hiệp ước. Tại kỳ họp thường niên năm nay diễn ra trong tháng 5-2025 ở thành phố Geneve của Thụy Sĩ, WHO sẽ thông qua hiệp ước này.
Hiệp ước sẽ có hiệu lực chính thức khi có được sự phê chuẩn của ít nhất 60 thành viên WHO. Quá trình phê chuẩn này ở các quốc gia thành viên chắc chắn sẽ kéo dài vài năm.
Sự ra đời của hiệp ước này là thành tựu mới có ý nghĩa và tầm quan trọng rất to lớn và là dấu mốc lịch sử đối với WHO. Đại dịch COVID-19 năm xưa đã bộc lộ những yếu kém và bất cập tồn tại trong phạm vi quốc gia và ngay trong WHO về phòng ngừa dịch bệnh, ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh sau khi nó bùng phát. Sau đại dịch không thể cứ lại tiếp tục như trước đại dịch.
Hiệp ước này là kết quả của việc các thành viên và WHO sửa chữa sai sót, chủ quan và khắc phục yếu kém, bất cập trong y tế phòng ngừa, trong phòng chống và ứng phó dịch bệnh, đặc biệt trong sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, phối hợp hành động và trợ giúp lẫn nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhìn lại quá khứ thì bước tiến này của WHO có vẻ như thể “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng nhìn về tương lai thì sự ra đời của hiệp ước này không hẳn là muộn.
Trong hiệp ước này, WHO coi trọng hàng đầu việc phát hiện sớm dịch bệnh và hành động ngay để dịch bệnh không bùng phát, bảo đảm công bằng trong việc tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều có thể kịp thời tiếp cận và sử dụng tất cả những gì cần thiết cho công cuộc ứng phó hiệu quả dịch bệnh. Hiệp ước này ràng buộc các thành viên WHO vào trách nhiệm trao đổi thông tin liên quan đến dịch bệnh, phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh.
Hiệp ước khích lệ và hậu thuẫn các thành viên WHO chuyển giao công nghệ, hợp tác về nghiên cứu và chế tạo thuốc men, vaccine và thiết bị y tế phục vụ việc phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh, cấp cứu và điều trị người bị lây nhiễm bởi dịch bệnh.
Việc thực hiện hiệp ước này sẽ giúp nhân loại luôn chủ động và có đủ tiềm lực, năng lực trên thực tế ngăn chặn và đẩy lùi mọi dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai./.