21/09/2024 | 08:18 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Phá băng” quan hệ Australia - Trung Quốc

Khánh Chi
“Phá băng” quan hệ Australia - Trung Quốc Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6-11-2023_Ảnh: Reuters
Ngày 7-11-2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 3 ngày (từ ngày 4 đến 7-11-2023). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Australia tới Trung Quốc kể từ năm 2016 nhằm cải thiện quan hệ song phương vốn xấu đi sau một loạt vấn đề. Chuyến thăm đưa quan hệ 2 nước quay trở lại quỹ đạo tốt đẹp trước đây, mặc dù vẫn còn những thách thức tiềm ẩn đối với sự bền vững của mối quan hệ song phương này.

Bước đi tích cực

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng A. Albanese được coi là “chuyến thăm phá băng” bởi quan hệ Australia - Trung Quốc vừa trải qua giai đoạn khó khăn liên quan đến chính sách “thân Mỹ” của chính quyền Australia tiền nhiệm, khiến Trung Quốc áp đặt hạn chế thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia lên đến 13 tỷ USD. Sau khi Thủ tướng A. Albanese lên nắm quyền, Australia thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc; đáp lại, Trung Quốc cũng có những phản ứng tích cực đối với động thái này.

Thời điểm chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm sau chuyến thăm lịch sử của cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam (năm 1973) - cựu lãnh đạo Công Đảng - tới Trung Quốc, giúp mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ngày càng thuận lợi.

Về chính trị, tháng 11-2022, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng A. Albanese đã hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) được tổ chức ở Indonesia. Tiếp đó, Ngoại trưởng Australia Penny Wong cùng Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell cũng liên tiếp tiến hành các chuyến công du tới Trung Quốc.

Về kinh tế, nhiều mặt hàng chủ lực của Australia được Trung Quốc nhập khẩu trở lại, trong đó có than đá, gỗ tròn và lúa mạch, riêng lúa mạch có giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lên tới 900 triệu AUD/năm. Đồng thời, Australia mong muốn mặt hàng rượu vang đỏ - vốn có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ AUD/năm - cũng sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ mức thuế cao để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn. 

Về văn hóa - du lịch, bên cạnh việc Australia trao trả lại cho Trung Quốc các tác phẩm nghệ thuật và hóa thạch cổ sinh vật học bị mất, Trung Quốc còn nối lại các hoạt động kinh doanh du lịch đến Australia, đồng thời dự kiến thúc đẩy phát triển ngành du lịch, cũng như các hoạt động giao lưu nhân dân giữa 2 nước.

Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí khởi động lại các hoạt động đối thoại song phương vốn đã bị đình trệ trong những năm gần đây, sau khi đối thoại giữa cấp bộ trưởng, đối thoại về kinh tế và chính sách ngoại giao được hai bên nối lại vào năm 2022. Đồng thời, lãnh đạo 2 nước cam kết tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, như thương mại, biến đổi khí hậu, kết nối người dân, trao đổi sinh viên, khách du lịch. 

Thủ tướng A. Albanese khẳng định, Australia sẽ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc bởi đây là một trong những mối quan hệ quan trọng, góp phần bảo đảm lợi ích quốc gia của Australia.

Sự “xích lại” tất yếu giữa hai đối tác lớn trong khu vực

Trung Quốc và Australia đều là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên quan trọng của G-20. Về cơ bản, 2 nước không có xung đột lợi ích và hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của nhau. Xuất phát từ lợi ích chung, 2 nước đều có nhu cầu xây dựng mối quan hệ song phương bình đẳng, tìm kiếm điểm chung, bảo lưu sự khác biệt và hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Australia không ngừng phát triển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Trung Quốc và Australia là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có nhiều lợi ích chung và triển vọng hợp tác rộng lớn. Thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc - Australia là vì lợi ích cơ bản của 2 nước và nhân dân 2 nước, đồng thời vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.

Trên thực tế, Trung Quốc và Australia đều có sự đan xen lớn về lợi ích thương mại. Năm 2022, mặc dù quan hệ 2 nước được xem như đã chạm đáy nhưng tổng kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 943,8 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, thương mại song phương chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Australia, trong khi Australia giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. 

Đối với Trung Quốc, chuyến thăm là cơ hội mang tính chiến lược để Trung Quốc khởi động kết nối lại hợp tác với Australia - một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực và là đối tác kinh tế quan trọng. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Australia cũng mang đến cơ hội giúp Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn các nguồn tài nguyên và năng lượng tái tạo của Australia. 

Trung Quốc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Australia để đẩy nhanh tiến trình gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc bỏ qua những khác biệt trong cách tiếp cận truyền thống của Australia để tập trung vào lợi ích chung trong lĩnh vực thương mại, vấn đề biến đổi khí hậu..., cũng như bản sắc chung khi cả 2 nước đều là những quốc gia quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Australia, thông qua phát biểu của Thủ tướng A. Albanese trong chuyến thăm cho thấy, sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững của Trung Quốc mang lại lợi ích cho Australia và thế giới. Hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, duy trì liên lạc, tăng cường hiểu biết, hợp tác cùng có lợi. 

Australia và Trung Quốc có hệ thống chính trị khác nhau, vì vậy xuất hiện sự khác biệt là điều không tránh khỏi, song không để những khác biệt này tác động đến mối quan hệ giữa 2 nước. Australia tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để phát triển ổn định quan hệ song phương, tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Sự ấm lên trong quan hệ Trung Quốc - Australia là phù hợp với lợi ích chung của nhân dân 2 nước, phù hợp với mong muốn chung của các nước trong khu vực; đồng thời mối quan hệ này sẽ giúp cộng đồng quốc tế ứng phó tốt hơn với những thách thức do sự biến đổi nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới mang lại. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Australia cần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình để đạt được phát triển chung.

Lực cản từ quan hệ đồng minh Mỹ - Australia

Australia đã có những chính sách nỗ lực cân bằng giữa phương Tây và Trung Quốc trong một thời gian dài, thân Mỹ là hướng đi căn bản, nhưng về hợp tác kinh tế, thương mại, Australia lại không thể tách rời Trung Quốc. Chính sách thân Mỹ của Australia sẽ không thay đổi nhưng mức độ của mối quan hệ đồng minh này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Australia trong tương lai. 

Điều này được phản ánh qua việc, trong chuyến thăm, Trung Quốc “nhắc nhở” Australia rằng, việc Australia có các cam kết liên minh với Mỹ, hay việc là thành viên trong các thỏa thuận an ninh như Thỏa thuận an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) và nhóm Bộ Tứ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Australia không nên để những điều này ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - Australia.

Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng A. Albanese, giới truyền thông Trung Quốc còn nhấn mạnh đến nguyên do Trung Quốc chỉ trích ý tưởng “phân tách” nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc mô tả việc “phân tách” là đi ngược lại với xu thế tự do hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Vì vậy, Trung Quốc quan ngại sâu sắc về bất kỳ biện pháp cụ thể nào nhằm hạn chế trao đổi thương mại trong lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như chất bán dẫn mà Mỹ cùng các nước đồng minh áp dụng trong những năm gần đây. 

Hiển nhiên, cho dù Mỹ có ý định “phân tách” với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau thì Australia cũng không thể tách rời Trung Quốc. Vì vậy, Australia cần tiếp tục nỗ lực cân bằng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, phát huy vai trò cầu nối để duy trì sự hợp tác lâu dài vì lợi ích chung của cả hai bên.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng A. Albanese được xem là “chuyến đi phá băng, mở ra một chương mới trong quan hệ 2 nước”, nhưng con đường phát triển của mối quan hệ Trung Quốc - Australia vẫn còn phải đối diện với nhiều lực cản, trong đó là nhân tố quan hệ đồng minh Mỹ - Australia, đòi hỏi cả Trung Quốc và Australia phải thực sự “thiện chí, duy trì quyết tâm”./.

27 November 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau