28/04/2025 | 17:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPU-150 và thăm Armenia, Uzbekistan: Nâng tầm vị thế ngoại giao nghị viện Việt Nam

Lê Thị Hải Yến
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPU-150 và thăm Armenia, Uzbekistan: Nâng tầm vị thế ngoại giao nghị viện Việt Nam Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu tham dự Lễ khai mạc Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới ở Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, ngày 5-4-2025_Ả
Từ ngày 2 đến 8-4-2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) và thăm chính thức Armenia, Uzbekistan. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, không chỉ mở ra trang mới đối với công tác ngoại giao nghị viện, mà còn tạo xung lực mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực, vì lợi ích phát triển của nhân dân mỗi nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, kiến tạo môi trường thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Nội dung chính của chuyến thăm

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Armenia và Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến, hội đàm, làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của 2 nước. Cụ thể: 1- Lãnh đạo Armenia, bao gồm: Tổng thống Vahagn Khachaturyan, Thủ tướng Nikol Pashinyan, Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan; 2- Lãnh đạo Uzbekistan, bao gồm: Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, Chủ tịch Thượng viện Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Hạ viện Nuriddin Ismoilov, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhân dân Uzbekistan Ulugbek Inoyatov. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan cũng có các cuộc làm việc với các đối tác của Armenia, Uzbekistan.

Tại các cuộc làm việc, hai bên tập trung trao đổi về tình hình và phương hướng để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, dầu khí, giao thông - vận tải, công nghệ số, y tế, nông nghiệp, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân. Hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, đáng chú ý là:

1- Thỏa thuận hợp tác của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Armenia và Thượng viện Uzbekistan; 2- Kế hoạch hành động chung thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giai đoạn 2025 - 2026 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Uzbekistan; 3- Chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Uzbekistan giai đoạn 2025 - 2026.

Tham dự Đại hội đồng IPU-150 với chủ đề “Hành động của nghị viện vì sự phát triển và công bằng xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao Đại hội đồng và các cuộc làm việc, tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU Tulia Ackson, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, cũng như lãnh đạo quốc hội/nghị viện của một số nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Bỉ. 

Tại các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo tập trung trao đổi biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với IPU và các nước, các nghị viện thành viên IPU; phát huy tốt hơn vai trò của nghị viện mỗi nước trong việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ song phương.

Tham dự Đại hội đồng IPU-150 có khoảng 130 đoàn nghị viện thành viên IPU với hơn 700 nghị sĩ quốc hội, trong đó có 49 chủ tịch quốc hội/nghị viện, 46 phó chủ tịch quốc hội; Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU; 8 thành viên liên kết và đại diện các tổ chức quốc tế, quan sát viên của IPU.

Đạt nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng

Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa quan trọng, thể hiện qua 3 điểm nổi bật:

Thứ nhất, tăng cường tin cậy chính trị, tạo xung lực mạnh mẽ để nâng tầm quan hệ với các đối tác truyền thống. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Armenia và Uzbekistan kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 2 nước. 

Tại các cuộc làm việc ở mỗi nước, lãnh đạo cấp cao 2 nước khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng chủ chốt tại khu vực Đông Nam Á. 

Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi, đối thoại chính trị sâu rộng ở các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp trong chia sẻ kinh nghiệm về giám sát thi hành pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của mỗi nước. 

Hai bên cũng chia sẻ và khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với vai trò của chủ nghĩa đa phương và các cơ chế hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.

Thứ hai, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và khai thác thị trường Trung Á, khu vực Kavkaz. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo cấp cao của Armenia, Uzbekistan và một số nước dành nhiều thời gian trao đổi về biện pháp khai phá, mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Phát biểu tại các tọa đàm kinh doanh có sự tham dự đông đảo của các doanh nghiệp, lãnh đạo mỗi nước nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh, tiếp cận thị trường của nhau, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, dầu khí, dệt may, hàng không, du lịch, công nghiệp thực phẩm, viễn thông, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI). 

Việt Nam và các đối tác cũng nhấn mạnh tăng cường phối hợp để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế và hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế kinh tế quốc tế, như Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU).

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền về chủ trương, định hướng phát triển của Việt Nam hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, cũng như vai trò của Quốc hội Việt Nam trong xây dựng và giám sát thực thi chính sách, pháp luật để thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng. 

Trong các cuộc làm việc, nhất là tại IPU-150, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam thực hiện nguyên tắc cốt lõi “lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển”. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. 

Nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đi trước nhiều nước trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), như xu hướng trẻ hóa đội ngũ đại biểu quốc hội hay tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội tại Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu. 

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong bày tỏ sự ấn tượng trước những minh chứng cụ thể về chính sách cải thiện đời sống cho người dân của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam trong việc mang lại sự phát triển và công bằng xã hội cho nhân dân.

Củng cố và nâng tầm vị thế ngoại giao nghị viện Việt Nam

Trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, nhất là trong khuôn khổ IPU, khẳng định trách nhiệm cùng với bạn bè quốc tế để giải quyết những thách thức chung, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. 

Những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm góp phần quan trọng khẳng định vị thế mới của ngoại giao nghị viện Việt Nam trong kỷ nguyên mới như một kênh đối ngoại quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, truyền tải thông điệp về sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung và hợp tác đa phương nghị viện nói riêng.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò cầu nối với nghị viện và nhân dân các nước giúp tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nguồn lực bên ngoài để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước, trong thời gian tới, ngoại giao nghị viện Việt Nam cần được đẩy mạnh theo hướng:

Một là, tiếp tục bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, đẩy mạnh quán triệt tư duy mới về hội nhập quốc tế từ tiếp nhận sang đóng góp với tâm thế chủ động. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội cần quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24-1-2025, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới”, đóng góp có trách nhiệm, tham gia tích cực hơn tại các cơ chế, tổ chức nghị viện đa phương, nhất là trên các lĩnh vực hợp tác mới, như chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế kiến tạo cho phát triển trong kỷ nguyên mới.

Hai là, tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc nghị viện các cấp để thường xuyên cập nhật tình hình, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và quốc hội các nước, vừa góp phần tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế, vừa tạo thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi với mỗi nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, hợp tác địa phương.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nghị viện các nước để phát huy tốt nhất chức năng lập pháp và giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước và các Mục tiêu Phát triển bền vững, đóng góp cho sự công bằng và thịnh vượng, vì lợi ích chung của các quốc gia và người dân trên toàn thế giới./.

28 April 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau