“Dục tốc bất đạt”
Lý Mạc PhùNhìn vào số lượng thành viên tham dự với lãnh đạo và đại diện của 31 quốc gia, cuộc gặp cấp cao ở Thủ đô Paris của nước Pháp ngày 27-3-2025 của Liên minh những bên sẵn sàng do Thủ tướng Anh Keir Starmer với sự trợ tá đắc lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng nhằm hậu thuẫn Ukraina chiến tranh với Nga cả trong trường hợp Mỹ buông bỏ Ukraina, không tiếp tục đồng hành với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sự kiện lớn.
Nhưng nhìn vào kết quả đạt được, sự kiện này là thất bại đối với cặp bài trùng Keir Starmer/ Emmanuel Macron.
Sự đồng thuận quan điểm duy nhất đạt được ở cuộc gặp là tất cả nhất trí tiếp tục hậu thuẫn Ukraina và không nhượng bộ Nga chút nào liên quan đến những điều kiện tiên quyết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra cho Mỹ, EU và đồng minh để thỏa thuận ngừng chiến trên Biển Đen có hiệu lực chính thức; tiếp tục trợ giúp Ukraina nhưng không có bất cứ cam kết tài chính cụ thể nào; việc thành lập đội quân quốc tế triển khai ở Ukraina để gìn giữ hòa bình được bàn đến nhưng vẫn chỉ hết sức chung chung như trước đó đã được bàn thảo ở 2 cuộc gặp cấp cao diễn ra ở Paris (Pháp) và ở Thủ đô London của nước Anh.
Ông Emmanuel Macron và ông Keir Starmer lúc đầu năng nổ, hào hứng, tự tin và lạc quan bao nhiêu, sau cuộc gặp trên lại thất vọng bấy nhiêu.
Qua đó có thể thấy ông Emmanuel Macron và ông Keir Starmer định dẫn dắt châu Âu trong bối cảnh chính quyền mới ở Mỹ không còn coi trọng EU và NATO như trước, lại còn chủ động xích lại gần Nga và bình thường hóa trở lại quan hệ của Mỹ với Nga và sẵn sàng trả giá là buông bỏ Ukraina cũng như bất chấp EU và NATO nhưng không thành công. Khối Liên minh những bên sẵn sàng chẳng những không tín nhiệm 2 người này làm lãnh đạo dẫn dắt liên minh, mà còn bất đồng nội bộ sâu sắc về hậu thuẫn Ukraina cụ thể như thế nào và về gửi quân tham gia đội quân quốc tế gìn giữ hòa bình ở Ukraina.
Những nước ở xa Nga và Ukraina cảm nhận khác về thách thức và đe dọa an ninh so với những nước ở gần Nga và Ukraina về địa lý. Họ chưa thông suốt về sự cần thiết phải thành lập đội quân quốc tế gìn giữ hòa bình ở Ukraina.
Hiện chưa biết đến khi nào mới có hòa bình ở Ukraina để họ gìn giữ. Ai chịu chi phí cho lực lượng này? Nga có chấp nhận hay không?
Chưa biết cụ thể kết cục của cuộc chiến sẽ như thế nào mà đã bàn chuyện đưa quân vào để gìn giữ hòa bình chẳng phải quá sớm, viển vông và vội vã hay sao.
Ông Keir Starmer và ông Emmanuel Macron muốn có kết quả ngay và nhanh, nhưng khi thiếu vắng cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hòa, mà lại còn vội vã thì làm sao có thể mưu sự thành công được./.