28/04/2025 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025

An Linh
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn tương lai ASEAN 2025 ở Hà Nội, ngày 25-2-2025_Ảnh: TTXVN
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 (AFF 2025) diễn ra trong 2 ngày 25 - 26-2 tại Thủ đô Hà Nội. Diễn đàn là sáng kiến của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 (năm 2024). Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức, thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng với các nước thành viên; góp phần duy trì và củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

ASEAN trước ngưỡng cửa của sự đổi mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đồng ASEAN, 30 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung ASEAN và cũng là năm thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Trên cơ sở trao đổi sâu rộng, đa chiều giữa các quan chức, chuyên gia và học giả, AFF 2025 được kỳ vọng đưa ra nhiều ý tưởng và khuyến nghị chính sách mang tính đột phá, sáng tạo cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN.

Phát biểu tại phiên khai mạc AFF 2025, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đánh giá, thế giới đang ở một “điểm uốn” địa - chính trị với sự gián đoạn toàn cầu mà ASEAN phải trải qua, có thể gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực, cũng như đối với phúc lợi của người dân Đông Nam Á. Chính vì vậy, ASEAN cần là một khu vực bền vững, hài hòa và năng động về kinh tế. ASEAN phải thúc đẩy vai trò trung tâm, tự chủ chiến lược.

Nhấn mạnh chủ đề của AFF 2025 về “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của vấn đề tự lực, tự cường, tự chủ chiến lược đối với mọi quốc gia, mọi tổ chức trên thế giới, trong đó có Việt Nam và ASEAN. 

Theo đó, trong thời gian tới, ASEAN cần tập trung vào 3 ưu tiên chiến lược, bao gồm: 1- Củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược, thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; 2- Xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 3- Giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN.

Với tư cách là đại diện nước quan sát viên, lần đầu tiên tham gia Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, Tổng thống Đông Timor Leste José Ramos-Horta nhấn định, trong bối cảnh phức tạp mới hiện nay, ASEAN cần phát huy ngoại giao phòng ngừa để có thể ngăn ngừa hiệu quả nếu xung đột gia tăng; cùng hướng tới khu vực Đông Nam Á tự cường, bền vững và thịnh vượng hơn.

Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho rằng, ASEAN tự cường là yếu tố quan trọng để ứng phó với các thách thức mới, hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm. “Một ASEAN thống nhất sẽ giúp chúng ta điều hướng bối cảnh chính trị toàn cầu biến động nhanh chóng và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa, thách thức mới nổi”, bà P. Shinawatra khẳng định.

AFF 2025 với tính chất đặc thù của một diễn đàn “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”, thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu, trong đó có trên 230 đại biểu quốc tế. Đáng chú ý, Diễn đàn có sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao một số nước, như Tổng thống Đông Timor Leste José Ramos-Horta, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Chủ tịch ASEAN 2025 Dato' Seri Anwar bin Ibrahim, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn.

Trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt 10.000 tỷ USD, nắm giữ thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân; đồng thời là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, để dự báo trở thành hiện thực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ASEAN cần giữ vững nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong đa dạng; nguyên tắc trung lập, giải quyết các vấn đề quốc tế trên lập trường trung lập vì lợi ích chung, tôn trọng đóng góp tích cực của các nước cho sự phát triển của ASEAN. ASEAN cũng cần ứng xử linh hoạt trong các vấn đề khu vực và quốc tế, giúp đỡ nhau, mang lại hòa bình, hợp tác, phát triển vì lợi ích của người dân được sống ấm no, hạnh phúc.

Những đồng thuận đạt được

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 được tổ chức với 5 phiên toàn thể chính thức cùng nhiều hoạt động trước diễn đàn và các hoạt động bên lề. Ngoài phiên khai mạc và phiên bế mạc, AFF 2025 đã diễn ra các phiên toàn thể thảo luận về “Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới tới năm 2035”, “Củng cố các nguyên tắc nền tảng của ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức trong tương lai”, “Hợp tác tiểu vùng hướng tới thúc đẩy tính tự cường và phát triển bền vững”, “Quản trị các công nghệ mới nổi nhằm bảo đảm an ninh toàn diện”, “Vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN trong một thế giới phân mảnh” và chuyên đề “ASEAN đón đầu tương lai: Làm chủ công nghệ mới nổi”.

Tại diễn đàn, các đại biểu thống nhất nhận định, thế giới đang ở một thời điểm quan trọng, những bất ổn và phức tạp chưa từng thấy thời gian qua, nhất là trong quan hệ giữa các cường quốc, tạo ra thách thức đối với ASEAN trong việc thích ứng và chuyển đổi. 

Những tác động mang tính đột phá, thậm chí khó lường đến từ sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT)..., đòi hỏi phải có sự chuẩn bị để có thể thích ứng hiệu quả, bảo đảm mang lại lợi ích công bằng, toàn diện cho người dân tại khu vực. 

Các thách thức an ninh phi truyền thống với những tác động ngày càng gia tăng từ mối đe dọa an ninh mạng, biến đổi khí hậu, già hóa dân số nhanh chóng,... tiềm ẩn nhiều hệ lụy sâu sắc. Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia và cả khu vực sẽ cần huy động nguồn lực lớn mạnh để có thể sẵn sàng ứng phó với các thách thức.

Sự phát triển của ASEAN cần lấy khoa học - công nghệ làm công cụ cốt lõi để thúc đẩy toàn bộ khu vực tiến bộ hơn nữa. Thời gian qua, các nước trong khu vực đã đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao, cũng như hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, AI và nhiều lĩnh vực khác. 

ASEAN cần cam kết tăng cường đầu tư công nghệ trọng yếu và xây dựng lập trường chung về quản trị công nghệ mới. Đặc biệt,trọng tâm là tìm điểm cân bằng giữa đổi mới công nghệ và quản trị có trách nhiệm, xử lý các rủi ro tiềm ẩn và xây dựng khuôn khổ đạo đức.

Mặc dù ASEAN đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong giai đoạn chuyển đổi toàn cầu, nhưng điều này đồng thời cũng mở ra cơ hội để khẳng định sức mạnh tập thể và vai trò trung tâm của ASEAN. Đoàn kết, bao trùm và tự cường là những yếu tố quyết định giúp ASEAN vững vàng vượt qua bối cảnh toàn cầu phức tạp hiện nay và cũng là thông điệp của Diễn đàn. 

ASEAN có thể tiếp tục duy trì vị thế là một bên trung gian đáng tin cậy, một diễn đàn đối thoại chiến lược, thúc đẩy khu vực phát triển bền vững, rộng mở dựa trên luật lệ. Đứng trước nhu cầu phát triển và thích ứng để kịp thời ứng phó với các biến đổi mang tính toàn cầu thời gian tới, ASEAN cần tiếp tục kiên trì duy trì các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của mình, nhất là cơ chế đưa ra quyết định dựa trên đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp. Đây chính là nhân tố đã giúp ASEAN duy trì được vai trò, uy tín và vị thế trung tâm của mình trong suốt thời gian qua.

Thành công của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 một lần nữa cho thấy vai trò của các cơ chế đối thoại mở đối với khu vực. AFF 2025 tiếp tục là nơi tiếp nhận các ý tưởng kiến tạo và khuyến nghị chính sách mới cho ASEAN, góp phần giúp ASEAN nhận diện được những thách thức trên chặng đường sắp tới một cách rõ ràng hơn. Diễn đàn cũng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hội nhập khu vực, chủ nghĩa đa phương và phát triển bền vững, củng cố tình hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới./.

13 March 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau