Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2025: Kết nối châu Á, định hình tương lai
Phạm Lan Hương
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và củng cố vai trò của châu Á trong quản trị toàn cầu
Diễn đàn châu Á Bác Ngao được Trung Quốc tổ chức thường niên, là diễn đàn quốc tế phi chính phủ và phi lợi nhuận. Diễn đàn được mở ra với mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và hỗ trợ các nước khu vực châu Á đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.
Tại diễn đàn lần này, Báo cáo thường niên về “Triển vọng kinh tế châu Á và tiến trình hội nhập năm 2025” đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của châu Á trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 4,5% (tương đương các năm trước). Thương mại số và thương mại dịch vụ sẽ là 2 điểm sáng của hợp tác kinh tế, thương mại châu Á mặc dù vẫn đối diện một số khó khăn.
Sự bất định trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, nhưng châu Á vẫn sẽ là động lực chính của nền kinh tế thế giới. Các nền kinh tế lớn ở châu Á trở thành các bên tham gia quan trọng trong thương mại số toàn cầu.
Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), tỷ trọng GDP của các nền kinh tế châu Á trong tổng GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 48,1% (năm 2024) lên 48,6% (năm 2025).
Bên lề hoạt động chính, còn có các phiên thảo luận về thương mại tự do toàn cầu; cùng chia sẻ các vấn đề lớn và thách thức cụ thể trong bối cảnh chính trị thế giới có nhiều thay đổi; khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa thương mại tự do khi chủ nghĩa thuế quan, chủ nghĩa dân tộc kinh tế lên ngôi.
Các chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, các nước cần nêu cao vai trò của thương mại tự do, bởi thương mại tự do không chỉ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia, mà còn giúp hệ thống thương mại toàn cầu đứng vững trước các thách thức hiện nay.
Trong bối cảnh bất định, chúng ta cần phải chung tay cùng nhau thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh nhân loại, cùng đối diện với những thách thức mang tính toàn cầu, cùng xây dựng ngôi nhà chung châu Á và tạo nên tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. |
Trong thời gian qua, BFA đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á. Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đặc biệt với việc Mỹ công bố áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia ở khu vực châu Á, châu Âu,... gây nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và làm trầm trọng thêm vấn đề chia rẽ thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, khu vực châu Á vẫn được đánh giá đang có nhiều cơ hội chiến lược để kiến tạo tương lai chung:
Một là, tăng cường hội nhập nội khối và mở rộng quan hệ với các quốc gia ngoài Mỹ, đặc biệt là với các nước Nam bán cầu;
Hai là, tiếp tục đa dạng hóa thương mại với châu Âu;
Ba là, phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững để thích nghi với chính sách bảo hộ;
Bốn là, thúc đẩy thương mại, dịch vụ;
Năm là, giảm thiểu tác động của thuế quan đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa;
Sáu là, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong toàn khu vực.
Các chuyên gia đánh giá, với sự dẫn dắt của các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, BYD, Xiaomi và DeepSeek, Trung Quốc đang định hình các “ngành công nghiệp của tương lai” như AI, công nghệ lượng tử, 6-G và phát triển bền vững.
Điều này không chỉ giúp châu Á duy trì vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu (hiện chiếm hơn 60%), mà còn khiến BFA 2025 trở thành một bước ngoặt lịch sử cho hợp tác khu vực trong kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa.
Chung tay giải quyết các thách thức
Trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, BFA 2025 đã đạt được sự đồng thuận trên 5 phương diện:
1- Kiên định duy trì chủ nghĩa đa phương;
2- Tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tìm kiếm cùng có lợi, cùng thắng;
3- Thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển chất lượng cao;
4- Kiên trì phát triển theo hướng đổi mới, kết hợp ứng dụng với quản trị;
5- Tăng cường đối thoại, tăng cường hiểu biết và tin tưởng, cùng nhau ứng phó với các thách thức.
Trong bối cảnh thế giới bất định, xung đột chính trị diễn ra căng thẳng, những câu hỏi về trật tự thế giới mới đang định hình, về cách ứng xử trong hệ thống quan hệ quốc tế của các quốc gia là những nội dung được quan tâm tại BFA 2025.
Ngoài ra, BFA 2025 là diễn đàn quan trọng để qua đó, thế giới hiểu rõ hơn về chính sách ngoại giao, kinh tế của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày một gia tăng.
Diễn đàn BFA 2025 được các nước đánh giá là phù hợp với nhu cầu của các bên, phản ánh được tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm hợp tác và thúc đẩy phát triển.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế châu Á đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, trong hợp tác phát triển, đầu tư kinh tế số và quản trị toàn cầu. Để khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á cần phát huy tốt hơn vai trò của các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, đẩy mạnh kết nối giao thông trong khu vực, phát triển kinh tế xanh..., tạo ra cực tăng trưởng bền vững cho châu Á.
Báo cáo của BFA 2025 đã chỉ ra, kể từ khi RCEP được thực thi đã đạt được những kết quả bước đầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu vực tăng trưởng ổn định, góp phần mang lại sinh lực mới cho các nền kinh tế thành viên.
Bên cạnh đó, châu Á cần chủ động và tích cực thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc điều phối chính sách về kinh tế vĩ mô thế giới.
Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dịch vụ số, tiêu dùng thương mại điện tử.
Việc bùng nổ giới trung lưu ở một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines,... sẽ trở thành động lực trực tiếp kích thích tiêu dùng trong khu vực, góp phần thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững ở khu vực châu Á trong thời gian tới.
BFA 2025 được coi là một trong những nền tảng đối thoại để giúp các nước “cùng ngồi lại” giải quyết những thách thức, đặc biệt là về vấn đề an ninh.
Các học giả đánh giá, những cuộc khủng hoảng diễn ra gần đây như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraina,... đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của kinh tế thế giới, khoét sâu những chia rẽ khác biệt trong trật tự toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, một mặt, Trung Quốc thúc đẩy vai trò nước lớn thông qua việc đề xuất các sáng kiến, các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu; mặt khác, tăng cường sự tham gia và hiện diện tại các điểm nóng quốc tế, trở thành nước trung gian hòa giải có uy tín.
Trải qua hơn 20 năm phát triển, là một sự kiện khu vực, BFA đã vươn tầm thế giới, trở thành nơi kiến tạo, đồng thuận thúc đẩy hợp tác phát triển và hội nhập kinh tế khu vực.
BFA 2025 đang ngày càng thể hiện được vị thế trong cộng đồng quốc tế. Đây cũng là nơi để Trung Quốc nâng cao vai trò nước lớn, thể hiện ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả các sáng kiến do Trung Quốc đề xuất./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




