18/04/2025 | 14:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khuôn khổ Windsor: Thúc đẩy quan hệ hợp tác Anh - Liên minh châu Âu

Phương Chi
Khuôn khổ Windsor: Thúc đẩy quan hệ hợp tác Anh - Liên minh châu Âu Ngoại trưởng Anh James Cleverly (trái) và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic tại lễ ký bản thực thi Khuôn khổ Windsor tại London (Anh), ngày 24-3-2023_Ảnh: TL
Ngày 24-3-2023, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic chính thức ký bản thực thi Khuôn khổ Windsor tại London (Anh). Việc Liên minh châu Âu (EU) và Anh ký kết thành công thỏa thuận chính thức này là một bước đột phá mang tính quyết định, góp phần giải quyết tình trạng bế tắc về các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland, cũng là một động thái mang lại lợi ích cho cả hai bên.


Những nội dung đáng chú ý trong Khuôn khổ Windsor

Thỏa thuận giữa Anh và EU trong Khuôn khổ Windsor có những điều chỉnh quan trọng liên quan đến chủ đề gây tranh cãi nhất trong Thỏa thuận Brexit (được ký vào cuối năm 2019) là vấn đề Bắc Ireland. Khuôn khổ Windsor được xây dựng với mục tiêu cắt giảm thủ tục giấy tờ hải quan và kiểm tra hàng hóa giữa Bắc Ireland, Anh và EU, bảo đảm dòng chảy thương mại nội bộ của Anh và bảo vệ vị trí của Bắc Ireland trong EU. Cụ thể:

Thứ nhất, hàng hóa từ các phần lãnh thổ khác của Anh chuyển đến Bắc Ireland sẽ được phân thành 2 làn (xanh - đỏ). Làn xanh dành riêng cho Bắc Ireland sẽ được tự do lưu chuyển, không chịu bất kỳ hoạt động kiểm tra hải quan nào từ EU. Trong khi đó, làn đỏ dành cho thị trường EU sẽ phải chịu sự kiểm tra hải quan. Đối với hàng hóa di chuyển từ Bắc Ireland đến phần còn lại của Anh sẽ không bắt buộc phải khai báo thủ tục xuất khẩu, trừ một số loại hàng hóa hẹp (như các loài có nguy cơ tuyệt chủng và hóa chất độc hại).

Thứ hai, cơ chế mới mang tên “Phanh Stormont”, theo đó, EU trao cơ chế này cho Nghị viện Stormont ở Bắc Ireland để được phép tạm dừng các điều luật của EU áp dụng tại Bắc Ireland nếu có mâu thuẫn với lợi ích cùng các điều luật tại Bắc Ireland. Đổi lại, Anh cho phép Tòa Tư pháp châu Âu có quyền phán xử các vụ, việc liên quan đến châu Âu tại Bắc Ireland.

Thứ ba, một số thay đổi cụ thể về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt của Anh, như loại bỏ thuế đối với tấm pin năng lượng Mặt trời và chế độ cải cách đối với thuế rượu, sẽ được áp dụng ở Bắc Ireland và Anh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hàng hóa chuyển từ Anh đến Bắc Ireland vẫn phải tuân theo các quy định về thuế giá trị gia tăng của EU.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Khuôn khổ Windsor là một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp cao giữa EU và Anh. Thỏa thuận cho phép Chính phủ Anh giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit, đó là việc tự do lưu chuyển hàng hóa trong thị trường nội địa Anh và phần nào đó trấn an các đảng phái theo chủ nghĩa hợp nhất tại Bắc Ireland bằng cơ chế “Phanh Stormont”. Còn đối với EU, một trong những quyền lợi quan trọng mà họ đạt được là duy trì quyền phán xử của Tòa Tư pháp châu Âu tại Bắc Ireland, cũng như việc kiểm soát hải quan một cách tương đối đối với hàng hóa của Anh. Đặc biệt, với Khuôn khổ Windsor, EU có thể duy trì Thỏa thuận Ngày thứ sáu tốt lành (GFA) được Anh và Ireland ký kết năm 1998, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 thập niên trên đảo Ireland, tránh đẩy tình hình an ninh trên đảo Ireland vào nguy cơ bất ổn trở lại.

Ngày 27-2-2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đạt được nhất trí về Khuôn khổ Windsor. Kể từ khi rời khỏi EU, Anh phải mất hơn 2 năm mới ký kết thành công với khối này về việc thực thi Khuôn khổ Windsor. Các chuyên gia phân tích đánh giá đây là một thỏa thuận lịch sử, mở ra trang mới cho mối quan hệ song phương sau những căng thẳng kéo dài thời kỳ hậu Brexit.

Tác động tới quan hệ hợp tác Anh - Liên minh châu Âu

Theo các chuyên gia, Khuôn khổ Windsor sẽ có tác động lớn tới tương lai quan hệ giữa Anh và EU.

Một là, kể từ khi Anh rời EU (Brexit) vào năm 2020, các quy định thương mại đặc biệt dành cho Bắc Ireland theo Nghị định thư Bắc Ireland - một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU - đã gây nên tranh chấp và chia rẽ sâu sắc. Việc chính thức ký kết và thực thi Khuôn khổ Windsor được xem là một động thái mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây cũng là cơ hội để cải thiện mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU thông qua các cơ quan, doanh nghiệp hai bên nhằm đưa ra các giải pháp thực tế. Những đề xuất thay đổi trong thỏa thuận được xem là mang tính khả thi cao và có phạm vi rộng, góp phần giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực, như thực phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử, dược phẩm, thép và đồ uống có cồn. Theo một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Đại học Queen ở thành phố Belfast (Bắc Ireland), gần 70% cử tri ở Bắc Ireland cho rằng thỏa thuận này có thể mang lại lợi ích kinh tế cho khu vực.

Hai là, Khuôn khổ Windsor hướng tới các ưu tiên hợp tác giữa Anh và EU, tạo nên những cơ hội hợp tác quan trọng để cùng nhau phát triển. Một trong những lĩnh vực hợp tác mà EU và Anh có thể mở ra ngay lập tức sau khi Khuôn khổ Windsor có hiệu lực là việc Anh được tiếp cận với hệ thống nghiên cứu của châu Âu mang tên Horizon Europe - một chương trình nghiên cứu và đổi mới đầy tham vọng của EU giai đoạn 2021 - 2027 với ngân sách lên tới hơn 95 tỷ euro, được khởi động từ năm 2021 và kéo dài đến năm 2027. Việc tham gia chương trình này được đánh giá là sẽ giúp ích rất lớn cho giới nghiên cứu và học thuật, cũng như cả nền khoa học của Anh. Trước đó, do các bất đồng về việc thực thi điều khoản Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit, EU không cho phép Anh tham gia chương trình này.

Ngoài việc giải quyết bất đồng trực tiếp liên quan đến vấn đề Bắc Ireland, về dài hạn, ý nghĩa chiến lược lớn hơn của Khuôn khổ Windsor là cho phép EU và Anh gây dựng lại niềm tin với nhau, vốn bị rạn nứt nghiêm trọng. Thỏa thuận cũng giúp thúc đẩy hợp tác an ninh và ngoại giao của Anh với EU trong giai đoạn hiện nay, khi mà tác động do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina vẫn hiện hữu, đồng thời gia tăng triển vọng thúc đẩy quan hệ với Pháp, đặc biệt trong hợp tác nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp đến Anh qua eo biển Manche. Động thái rõ ràng minh chứng cho điều này là việc Pháp - một trong những “đầu tàu” của EU (cùng với Đức, Italia) - đã thay đổi cách tiếp cận với Anh bằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Anh - Pháp vào tháng 2-2023. Pháp và Anh hiện đã gác lại mọi bất đồng trong thời gian qua và nhất trí xây dựng một mối quan hệ song phương trong giai đoạn mới. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi Anh và Bắc Ireland xây dựng quan hệ đối tác mới, Anh và Tây Ban Nha khởi động lại các đàm phán về vấn đề chủ quyền của vùng lãnh thổ Gibraltar.

Không chỉ với EU, Khuôn khổ Windsor cũng giúp Anh cải thiện quan hệ với Mỹ, bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn bảo vệ Thỏa thuận GFA và đã thúc đẩy Anh cải thiện quan hệ với EU kể từ khi ông nhậm chức năm 2021.

Và ý nghĩa quan trọng nhất đối với cả EU và Anh, đó là Khuôn khổ Windsor cho phép hai bên giải quyết những vấn đề còn tồn đọng giai đoạn hậu Brexit, hướng tới những ưu tiên hợp tác mới trong bối cảnh cả hai bên đều đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn nhiều câu chuyện Brexit.

Có thể nói, đây là thời điểm để thiết lập lại quan hệ Anh - EU. Cả hai bên đều nhìn thấy những lợi ích thực sự trong việc chấm dứt mối hiềm khích đã làm xấu đi quan hệ hai bên kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Về tổng thể, có thể khẳng định rằng với việc chính thức ký kết thực thi Khuôn khổ Windsor, quan hệ EU - Anh đã thiết lập một dấu mốc mới, đánh dấu giai đoạn tích cực hơn trong quan hệ giữa Anh và EU, giúp hai bên có thể tập trung nguồn lực cho các ưu tiên quan trọng hơn trong bối cảnh cục diện địa - chính trị tại châu Âu biến động sâu sắc./.
13 June 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau