21/11/2024 | 14:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Không ngừng củng cố và phát triển mối “lương duyên đặc biệt” Việt Nam - Pháp

Linh An
Không ngừng củng cố và phát triển mối “lương duyên đặc biệt” Việt Nam - Pháp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo tại Điện Elysee ở Thủ đô Paris, Pháp, ngày 7-10-2024_Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở nền tảng hơn 50 năm lịch sử quan hệ ngoại giao giữa 2 dân tộc Việt Nam - Pháp (1973 - 2024), chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong 2 ngày (6 - 7-10-2024) đã ghi dấu mối “lương duyên đặc biệt” giữa 2 nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm với dấu ấn nâng tầm quan hệ 2 nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra kỳ vọng mới tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả 2 nước ở khu vực và trên thế giới.

Những cột mốc trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp

Ngày 12-4-1973, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước (năm 1975), Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Pháp bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khôi phục đất nước. 

Trong đó, đáng chú ý là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 4-1977. Sau đó, tháng 2-1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. 

Tháng 9-2013, Việt Nam và Pháp ký kết tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1973 - 2013). Tháng 10-2024, Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Pháp, coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tin cậy và đối tác chiến lược giữa 2 nước. 

Pháp cũng luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa 2 nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao thường xuyên trong thời gian qua. 

Theo đó, hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân đến hợp tác tại các cơ chế đa phương khu vực và trên trường quốc tế. 

Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng giữa 2 Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia). Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp. 

Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Pháp đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt gần 3,2 tỷ USD. Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỷ USD. 

Pháp còn là nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khu vực châu Âu hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.

Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ quốc phòng với Việt Nam (từ năm 1991). Trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp giai đoạn 2018 - 2028 và Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp sửa đổi, hợp tác quốc phòng giữa 2 nước đạt được nhiều kết quả tích cực với các hoạt động trao đổi đoàn, duy trì cơ chế đối thoại, tham vấn, đào tạo về công nghiệp quốc phòng, quân y, chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... 

Tháng 5-2024, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội Cộng hòa Pháp do Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu làm trưởng đoàn thăm chính thức Việt Nam và hai bên đã ký kết Nghị định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Bên cạnh đó, hợp tác về văn hóa, giáo dục và hợp tác giữa các địa phương cũng là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Hợp tác văn hóa tạo cơ sở thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các ngành, lĩnh vực khác của 2 nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước. 

Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực và có những đóng góp quan trọng trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ. Pháp cũng luôn coi giáo dục - đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam. Hai bên đã ký kết và triển khai nhiều dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo (mỗi năm có khoảng1.500 sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập). 

Hợp tác giữa các địa phương trở thành nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Đến nay, đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này với 240 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương 2 nước, chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn, phát triển đô thị.

Kỳ vọng trong những lĩnh vực hợp tác mới

Ngày 7-10-2024 trở thành một dấu mốc quan trọng trong chặng đường lịch sử của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp. Trong cuộc hội đàm quan trọng diễn ra tại Điện Élysée (Pháp), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. 

Pháp là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ mới, toàn diện với Việt Nam. Với việc nâng cấp quan hệ với Pháp trong cục diện đối ngoại rộng mở của đất nước, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ và Pháp). 

Khuôn khổ hợp tác mới này được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, nhất là trên một số lĩnh vực mới, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới hiện nay.

Về hợp tác kinh tế, trên nền tảng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 2 nước sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác, được cụ thể hóa bằng việc Pháp sẽ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn EVIPA. 

Điều này mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Pháp nói riêng và các quốc gia thành viên EU nói chung, nhất là trong những ngành, nghề là thế mạnh của EU, như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ... 

Nguồn vốn đầu tư từ Pháp sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.

Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp, 2 nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm, đồng thời tái khẳng định cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Hai bên cam kết tăng cường tham vấn và phối hợp tại các diễn đàn khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Đổi mới sáng tạo và công nghệ mới cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mới trong quan hệ 2 nước. Trong đó, kết cấu hạ tầng, giao thông đô thị, đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi carbon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics và kết cấu hạ tầng cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển,... là những lĩnh vực Pháp có thế mạnh và cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân dân dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời, tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh.

Ngoài ra, Pháp là thành viên trong Chương trình Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Đây là điều kiện thuận lợi để Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những tiến triển mới, sâu sắc và thực chất hơn.

Lịch sử đã tạo dựng nên mối lương duyên giữa Việt Nam và Pháp với những gắn kết đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ, con người. Sự tin cậy lẫn nhau và mong muốn hợp tác hướng đến tương lai chính là nền tảng quan trọng để hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên một mức mới cao hơn, mở ra nhiều cơ hội để 2 nước phát huy tối đa những tiềm năng hợp tác sẵn có trên mọi lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân 2 nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.

26 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau