28/04/2025 | 23:12 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hợp tác Mekong - Lan Thương và sự “hài lòng” của các bên

Lan Hương
Hợp tác Mekong - Lan Thương và sự “hài lòng” của các bên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội, ngày 25-12-2023_Ảnh: VGP
Ngày 25-12-2023, tại Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) theo hình thức trực tuyến, lãnh đạo 6 nước đều khẳng định cơ chế MLC góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung ở tiểu vùng. Sau 7 năm hoạt động, MLC đã đạt được những bước tiến quan trọng cả về xây dựng thể chế, nguồn lực tài chính và triển khai các dự án. Tuy nhiên, hiện MLC “cần một tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và những giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá” trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới.

Cùng hướng tới hiện đại hóa, tạo ra những lợi thế mới để phát triển tiểu vùng

Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 8, Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước đã cùng nhau đánh giá tiến độ cùng những tiến bộ tích cực trong hợp tác Mekong - Lan Thương và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo. Các bộ trưởng đều khẳng định, hợp tác MLC là nền tảng quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực, cũng như phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nhiều quốc gia khác; góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực ưu tiên, như kết nối phát triển và xây dựng vành đai phát triển kinh tế Mekong - Lan Thương; triển khai những dự án, chương trình trong các lĩnh vực về kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế khu vực biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và xóa đói, giảm nghèo. Một trong những tiến bộ đạt được chính là những tiến triển trong hợp tác quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, trong đó có triển khai thỏa thuận giữa 6 nước về chia sẻ dữ liệu thủy văn và các nghiên cứu chung về dự báo lũ lụt, phòng, chống thiên tai; cam kết thành lập Liên minh hợp tác các thành phố du lịch Mekong - Lan Thương, Liên minh hợp tác phát triển hàng không Mekong - Lan Thương và tổ chức một số buổi hòa nhạc Mekong - Lan Thương nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa các nước, nhất là thế hệ trẻ của các nước thành viên. Bên cạnh đó, Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương đã hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hơn 700 dự án vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, y tế, xóa đói, giảm nghèo và trao quyền cho phụ nữ.

Hiện nay, các nước Mekong - Lan Thương đang ở thời điểm quan trọng trong quá trình đẩy mạnh phát triển và hướng tới hiện đại hóa với mục tiêu xây dựng tương lai tốt đẹp cho người dân. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã đề xuất 4 nhóm giải pháp ưu tiên: một là, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua đối thoại chính sách về kinh tế số và an ninh mạng, hợp tác phát triển nguồn nhân lực số, thành phố thông minh, số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ (MSMEs), khuyến khích xây dựng hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thế hệ mới trong ngành công nghiệp sản xuất; ba là, bảo vệ môi trường và chuyển đổi tăng trưởng xanh thông qua tăng cường hợp tác phát triển nền kinh tế xanh tuần hoàn sinh học, năng lượng sạch và tái tạo, phát triển nông nghiệp thông minh, đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023 - 2027, mở rộng phạm vi chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn và vận hành đập, tăng cường phối hợp giữa MLC và Ủy hội sông Mekong; bốn là, thúc đẩy hợp tác thương mại, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, hỗ trợ kết nối MSMEs với các doanh nghiệp đa quốc gia, cải cách môi trường đầu tư.

Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương được thành lập từ năm 2015, với sự tham gia của cả 6 nước ven sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Với các mục tiêu này, các nước đang phát triển ở khu vực sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, tham gia các chuỗi cung ứng sản xuất, cải thiện kết nối kết cấu hạ tầng. Vì vậy, các nước nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng ưu tiên đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nước thành viên tiến hành công cuộc hiện đại hóa đất nước, tạo thêm động lực mới cho hợp tác tiểu vùng; trong đó, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế, thúc đẩy kết nối kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; nghiên cứu thành lập Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương, lấy người dân làm trung tâm.

Kết thúc Hội nghị, các nước đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, bao gồm Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động 5 năm về hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027, Sáng kiến chung về phát triển hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương. Đây được cho là những văn kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác hơn nữa trong khu vực Mekong - Lan Thương.

Tạo nền tảng vững chắc cho an ninh chung và tin cậy lẫn nhau

Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương đã, đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và trở thành một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác cùng có lợi trong khu vực. Đồng thời, việc tạo dựng khuôn khổ hợp tác giữa 6 nước ở Mekong - Lan Thương góp phần củng cố lòng tin, tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, sự hiểu biết cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các bên trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân, an ninh, chính trị. Bên cạnh đó, cơ chế MLC tạo ra vành đai phát triển kinh tế liên kết chặt chẽ hơn, cải thiện toàn diện kết nối kết cấu hạ tầng, mở rộng thương mại và đầu tư, cải thiện chuỗi công nghiệp và mạng lưới chuỗi cung ứng; tạo ra môi trường phát triển an toàn, trấn áp tội phạm xuyên biên giới trong tiểu vùng. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Chu Thời Tân, Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), việc các nước đưa ra nhiều cam kết tại hội nghị nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh sẽ đem lại lợi ích cho các nước thành viên; đồng thời, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ trong việc sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, liên kết an ninh của các nước ở khu vực Mekong - Lan Thương.

Các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác MLC gồm, quản lý nguồn nước Mekong - Lan Thương; tăng cường kết nối giữa 6 nước; phát triển năng lực sản xuất; hợp tác kinh tế qua biên giới; nông nghiệp và xóa đói, giảm nghèo.

Các nước đều cam kết mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, kiên trì đường lối đúng đắn của hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy phát triển, xây dựng tiểu vùng thành một khu vực hài hòa, mở cửa toàn diện, tạo nền tảng cho hợp tác Mekong - Lan Thương vững chắc hơn, ổn định hơn.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên là rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, năng lượng, dầu khí, khí đốt tự nhiên và công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, 6 nước cần tiếp tục chú trọng triển khai các dự án cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên; đồng thời, đưa hợp tác Mekong - Lan Thương đặt trong sự phát triển chung của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, đóng góp cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; phối hợp chặt chẽ với các cơ chế tiểu vùng hiện có, như Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng, Ủy hội sông Mekong nhằm tối đa hóa nguồn lực, giúp các nước Mekong tranh thủ cơ hội, hạn chế những thách thức trong quá trình phát triển.

Quan trọng hơn, các nước đều nhận thấy giá trị của dòng sông Mekong đối với sự phát triển của cả 6 quốc gia, nhu cầu hợp tác của các nước trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái sông Mekong, nhất là trong bối cảnh an ninh nguồn nước ngày càng trở nên quan trọng và là vấn đề sống còn với các nước. Do đó, cơ chế MLC cũng được coi là một kênh đối thoại giữa Trung Quốc và các nước thành viên MLC nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”. Đây cũng là diễn đàn để kêu gọi các nước cùng nhau tìm cách quản lý toàn bộ lưu vực sông Mekong, thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực xây dựng cộng đồng Mekong - Lan Thương chia sẻ tương lai cho nhân loại./.

17 January 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau