18/10/2024 | 07:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai: Đưa chủ nghĩa đa phương trở lại

Linh An
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai: Đưa chủ nghĩa đa phương trở lại Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79_Ảnh: TTXVN
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23-9-2024 tại thành phố New York (Mỹ) với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm thảo luận, hợp tác và xây dựng các giải pháp sáng tạo để giải quyết những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học - công nghệ, công bằng và tiến bộ xã hội, tăng cường hiệu quả hệ thống quản trị toàn cầu.

“Những thách thức quốc tế đang diễn ra nhanh hơn khả năng giải quyết của chúng ta”

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại thành phố New York (Mỹ) diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các cuộc xung đột gia tăng nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng tại Trung Đông, cùng với đó là tốc độ và mức độ phức tạp của những thách thức đã vượt xa khỏi các cơ chế hợp tác và ứng phó hiện nay. 

Từ châu Á, châu Âu tới châu Phi, Trung Đông, từ những chia rẽ địa-chính trị đến các cuộc xung đột, những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, tình trạng đói nghèo, hiện tượng di cư, chạy đua vũ trang, nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, dịch bệnh và khủng hoảng y tế, rủi ro liên quan đến công nghệ mới,... đang đặt thế giới trước những thách thức nghiêm trọng. 

Không một quốc gia đơn lẻ nào, bất kể lớn mạnh đến đâu, có thể một mình giải quyết những khó khăn, thách thức này.

Thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại. Trước những thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống chưa từng có, các thể chế đa phương và lòng tin vào hợp tác toàn cầu đang bị xói mòn, có nguy cơ đẩy lùi những nỗ lực phát triển của nhân loại. 

Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức mà hệ thống quốc tế hiện tại khó có thể giải quyết được. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai được đánh giá là “cơ hội duy nhất trong thế hệ này” để thế giới thống nhất về tầm nhìn và cách thức kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Đây là thời điểm then chốt cho sự phát triển toàn cầu, với các mục tiêu bao gồm thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường an ninh y tế toàn cầu và bảo đảm tiếp cận công bằng với công nghệ. Hội nghị thượng đỉnh Tương lai cũng hướng đến mục tiêu thúc đẩy hành động vì khí hậu, tăng cường giải quyết xung đột, duy trì luật pháp quốc tế, thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. 

Quan trọng hơn, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai còn đóng vai trò là chất xúc tác cho mục tiêu cải cách của Liên hợp quốc. Đây là cơ hội để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất về các giải pháp không chỉ nhằm ứng phó với những thách thức, mà còn đề ra tầm nhìn chiến lược cho Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất thế giới - về những định hướng phát triển cho tương lai, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại.

Những ưu tiên và mục tiêu đầy tham vọng

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ, toàn diện các thể chế đa phương, tăng cường vai trò và tiếng nói của những nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu, góp phần huy động đầy đủ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). 

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, các đại biểu kêu gọi sớm xây dựng nền móng cho một khuôn khổ quản trị toàn cầu mới đối với các ngành công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).

Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Hiệp ước Tương lai”, bao gồm Thỏa thuận Kỹ thuật số toàn cầu và Tuyên bố về Các thế hệ tương lai. Các văn kiện này có nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. 

Trong đó, có 5 lĩnh vực trọng tâm của Hiệp ước là: 1- phát triển bền vững; 2- hòa bình và an ninh quốc tế; 3- khoa học và công nghệ; 4- thanh niên và các thế hệ tương lai; 5- chuyển đổi quản trị toàn cầu. Hiệp ước đề ra 56 hành động, bao gồm các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình. Hiệp ước cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với những nỗ lực mới nhằm chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển AI.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres mô tả, Hiệp ước Tương lai là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, là “bước chuyển hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và kết nối hơn”. Ông khẳng định: “hôm nay, chúng ta cam kết một khởi đầu mới trong chủ nghĩa đa phương. 

Các hành động trong Hiệp ước này nhằm mục đích bảo đảm rằng, Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương quan trọng khác có thể mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh, cho phép chúng ta thực hiện các cam kết hiện tại trong khi phải đối mặt với những thách thức và đón chào cơ hội mới”. 

Hiệp ước bao gồm nhiều chủ đề với những kỳ vọng khác nhau, nhất là đối với tính khả thi và hiệu quả của Hiệp ước. Sau Hội nghị, các diễn đàn và cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc sẽ chịu trách nhiệm theo dõi quá trình thực thi, và điều quan trọng là phải đưa ra một kế hoạch thực hiện phù hợp cho các điều khoản của Hiệp ước. 

Dù vậy, Hiệp ước vẫn là cơ hội để khẳng định cam kết chung của thế giới đối với chủ nghĩa đa phương, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện ngày càng nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trên thế giới.

Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu này.

Trong phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị, nhấn mạnh những lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất. 

Theo đó, thành tựu khoa học - công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói, giảm nghèo, cũng như cần thúc đẩy hợp tác, không được biến thành công cụ để chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc.

Các quốc gia trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tăng cường đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu trong các lĩnh vực phục vụ con người, như y học, giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. 

Các nước, nhất là những nước lớn, cần hành xử có trách nhiệm, chia sẻ các thành tựu chung về nghiên cứu khoa học - công nghệ để cùng phát triển; ủng hộ vai trò trung tâm và đi đầu của Liên hợp quốc, cùng với các tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong thúc đẩy hợp tác và ứng phó với các thách thức toàn cầu, tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học - công nghệ.

Bài phát biểu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia vào các công việc chung của Liên hợp quốc vì hòa bình và an ninh quốc tế; khẳng định Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại. 

Hoạt động ở cấp cao nhất này đã tái khẳng định mạnh mẽ về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của Liên hợp quốc và các vấn đề lớn của thế giới, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của Liên hợp quốc và mối quan hệ toàn diện với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này./.

11 October 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau