28/04/2025 | 19:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu: Củng cố quan hệ, phối hợp ứng phó với khủng hoảng

Xuân Mai
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu: Củng cố quan hệ, phối hợp ứng phó với khủng hoảng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu tại Thủ đô Washington, Mỹ, ngày 20-10-2023_Ảnh: AFP

Ngày 20-10-2023, tại Thủ đô Washington (Mỹ), diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhằm đưa ra thông điệp đoàn kết giữa Mỹ và EU trước các thách thức an ninh, kinh tế toàn cầu. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ và EU gặp nhau trong bối cảnh hai bên đang có những dấu hiệu rạn nứt.

Bối cảnh phức tạp của hội nghị

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn cầu, như cuộc xung đột ở Ukraina, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu mong muốn thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này thể hiện một mặt trận thống nhất và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Trong khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU gần đây nhất diễn ra tại Thủ đô Brussels (Bỉ) vào tháng 6-2023 tập trung thảo luận việc tái khẳng định quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, thì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU vào tháng 10 - 2023 phải tập trung giải quyết các vấn đề toàn cầu, những thách thức địa - chính trị đang ngày càng phức tạp. 

Ngoại giao xuyên Đại Tây Dương hiện nay không còn xoay quanh mối quan hệ đối tác mà hai bên mong muốn tăng cường. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của mối quan hệ này đã mở rộng sang việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, qua đó giúp bảo đảm sự an toàn, phát triển bền vững hơn cho người dân Mỹ và châu Âu, phù hợp với các giá trị dân chủ của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Tuyên bố chung của hội nghị bao gồm 34 điểm, đề cập đến một loạt vấn đề nóng đang xảy ra trên thế giới hiện nay, từ việc bảo vệ người dân trong cuộc xung đột ở Trung Đông, tình hình phức tạp tại Ukraina đến vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, tự do đi lại tại các vùng biển ở Thái Bình Dương.

Về hợp tác kinh tế, hai bên khẳng định cần hợp tác chặt chẽ hơn để giảm sự phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng. Hai bên thống nhất sẽ chi tiết hóa các hợp tác trong lĩnh vực sản xuất ô-tô điện và pin cho ô-tô điện tại các cuộc họp tiếp theo, dự kiến diễn ra trong vài tuần nữa.

Hai bên cũng khẳng định đang nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số theo hướng mở, tự do, có thể tương tác một cách đáng tin cậy và cạnh tranh, khai thác các lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cụ thể hóa những cam kết của các nước Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 tổ chức ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản). 

Hội nghị cũng khẳng định sự ủng hộ của Mỹ và EU với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cam kết trong việc thúc đẩy hợp tác phù hợp với tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khác với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới tương đối hòa bình, tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023 lần này, Mỹ và EU thể hiện quyết tâm và phối hợp chặt chẽ trong phản ứng trước cuộc tấn công của lực lượng Hamas ở Israel và cuộc xung đột tại Ukraina. 

Về cuộc xung đột ở Trung Đông, hai bên đều mong muốn Israel tuân thủ luật pháp quốc tế khi nước này tìm cách loại bỏ mối đe dọa từ lực lượng Hamas. Trong khi đó, cuộc xung đột Nga - Ukraina được xem là chất xúc tác quan trọng trong việc tiếp thêm sinh lực cho mối quan hệ đối tác Mỹ - EU, thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong triển khai các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và cung cấp vũ khí. 

Hội nghị xóa bỏ những hoài nghi về quyết tâm của Mỹ và EU khi hai bên sẵn sàng hợp tác cùng nhau để cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraina chừng nào còn cần thiết.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2023 có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen cùng nhiều quan chức cấp cao khác của hai bên. Hội nghị đề ra tầm nhìn cũng như các nhiệm vụ mà hai bên sẽ thực hiện trong thời gian tới, những động thái có thể tác động đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Gác lại bất đồng, phối hợp ứng phó thách thức chung

Trước thềm hội nghị, dư luận đã có một số quan ngại về những khúc mắc giữa Mỹ và châu Âu trong vấn đề thương mại.

Một là, Mỹ và EU vẫn đang đàm phán về một thỏa thuận gang, thép trong bối cảnh hai bên nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tái diễn các rào cản thuế quan hàng tỷ USD từ thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của EU từ năm 2018 (đình chỉ vào năm 2021), tuy nhiên, các mặt hàng này có thể được kích hoạt lại trong thời gian tới nếu hai bên không thống nhất được các biện pháp để giải quyết tình trạng dư thừa công suất thép ở các nền kinh tế phi thị trường. 

Các nhà đàm phán của hai bên cũng đang thảo luận về việc liệu một thỏa thuận chính trị đối với mặt hàng thép và nhôm toàn cầu có kéo dài thời gian đình chỉ các khoản thuế do chính quyền Tổng thống D. Trump trước đây áp đặt hay thay vào đó sẽ đưa ra một lộ trình rõ ràng để loại bỏ các hạn chế này vĩnh viễn. 

EU đang nỗ lực xóa bỏ vĩnh viễn các hạn chế này, trong khi Mỹ muốn giữ lại lựa chọn cho phép khôi phục trong tương lai để bảo đảm EU thực hiện các hiệp định giữa hai bên. Dù còn tồn tại những quan điểm khác biệt, song các nhà đàm phán hai bên đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận này vào cuối năm 2023.

Hai là, Mỹ và EU cũng bất đồng trong chính sách thương mại với Trung Quốc. Trong khi Mỹ muốn EU áp dụng thuế kim loại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì EU khẳng định tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. 

Một vấn đề khúc mắc khác là sự tương thích của Thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững (GSA) với các quy tắc thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh dư luận quốc tế có những quan ngại thỏa thuận này dường như giống phương thức để Mỹ và EU liên kết nhằm kiềm chế một nước thứ ba. 

Cuối cùng, hai bên thành lập hội đồng thương mại và công nghệ nhằm mục đích chi tiết hóa các cam kết của lãnh đạo hai bên, một nhiệm vụ tương đối khó khăn. Đơn cử như, việc Mỹ ưu đãi người tiêu dùng mua ô-tô điện sản xuất ở Bắc Mỹ, trong khi EU cho rằng điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà sản xuất ô-tô của EU. 

Bên cạnh đó là những hỗ trợ của Mỹ dành cho các nhà sản xuất Mỹ khi tham gia các dự án kết cấu hạ tầng theo luật kết cấu hạ tầng, luật giảm lạm phát của Mỹ.

Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2023, Tổng thống J. Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều cho rằng, hai bên cần gác lại các vấn đề thương mại để đoàn kết tập trung vào việc giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu nghiêm trọng ở Ukraina và Dải Gaza. 

Hai bên đều nhất trí tìm cách tránh để cuộc xung đột Israel - Hamas lan rộng với sự tham gia của phong trào Hezbollah ở Lebanon, hoặc leo thang trong khu vực với những phân nhánh khó lường. Những phát biểu của hai bên tại hội nghị cho thấy, Mỹ và EU thể hiện sự nhất quán trong đánh giá các mối đe dọa từ Iran và các quốc gia khác được cho là đang không ngừng khuyến khích khủng bố và nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: “thế giới đang đối mặt với thách thức to lớn và cần một liên minh Mỹ - EU vững mạnh để giải quyết các thách thức này”.

Tuy nhiên, hội nghị nhìn chung không đạt kết quả như châu Âu mong muốn, đó là việc Mỹ tháo gỡ thuế đánh lên mặt hàng thép và nhôm châu Âu nhập khẩu vào Mỹ. Biện pháp này được áp dụng từ thời kỳ Tổng thống D. Trump, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết được bất đồng, dẫn tới thiệt thòi đối với các doanh nghiệp châu Âu. 

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do liên tiếp xảy ra các cuộc xung đột từ Ukraina đến Trung Đông đã lấn át các vấn đề ít cấp bách hơn, trong đó có kinh tế. Ở góc độ khác, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2023 vẫn có thể xem là mang lại lợi ích và gắn kết đối với Mỹ và châu Âu khi hai bên thống nhất được quan điểm trong nhiều lĩnh vực, mặc dù không đạt được kết quả cụ thể trên lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, sự xuất hiện của nhiều xu thế mới, cùng những vấn đề trong nội bộ Mỹ và châu Âu, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang được đánh giá ở giai đoạn quan trọng. 

Dù không đạt được các thỏa thuận mang tính đột phá về những vấn đề vướng mắc, song nhìn chung dư luận cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU năm 2023 sẽ tạo động lực quan trọng không chỉ cho mối quan hệ song phương, mà còn trong việc giải quyết các thách thức đang nổi lên trên toàn cầu./.

16 November 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 ... 7 Sau