21/09/2024 | 08:17 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị thượng đỉnh Đức - Trung Á: Tăng cường hợp tác chiến lược

Phương Chi
Hội nghị thượng đỉnh Đức - Trung Á: Tăng cường hợp tác chiến lược Thủ tướng Đức Olaf Scholz (thứ ba bên phải) và lãnh đạo các nước Trung Á tham dự hội nghị thượng đỉnh Đức - Trung Á tại Thủ đô Berlin (Đức), ngày 29-9-2023_Ảnh: Astana Times

Ngày 29-9-2023 tại Thủ đô Berlin (Đức), hội nghị thượng đỉnh giữa Đức và 5 quốc gia Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã được tổ chức. Hội nghị thượng đỉnh này là nền tảng then chốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa Đức, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Trung Á ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.


Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Đức với 5 nước Trung Á trước hết tập trung vào một số lĩnh vực, như kinh tế, năng lượng, khí hậu, môi trường, hợp tác khu vực và giao lưu nhân dân; trong đó, tăng cường an ninh năng lượng và tạo ra các tuyến cung cấp năng lượng thay thế là một trọng tâm mà hai bên cùng hướng tới.
Theo quan điểm của các nước Trung Á, điều quan trọng là trong chuyến thăm Đức, họ đã nhận được sự hỗ trợ chính trị để duy trì ổn định và tăng cường hợp tác trong khu vực; đồng thời, tăng cường hợp tác kinh tế với Đức và EU. Đối với các nước Trung Á, việc nâng cấp quan hệ với Đức lên tầm Đối tác chiến lược khu vực là sự khẳng định ý chí chính trị của cả hai bên trong việc phát triển các dự án mang lại lợi ích cho toàn khu vực.

Mục tiêu chiến lược của Đức ở Trung Á

Trong những năm gần đây, sự quan tâm của Đức đối với khu vực Trung Á đã tăng lên đáng kể, chủ yếu là do những thay đổi địa - chính trị quan trọng và tiềm năng kinh tế đang phát triển của khu vực. Đức cùng với EU đều có ý định nâng cao vai trò để tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc và Nga. Mong muốn này còn được minh chứng rõ hơn khi Đức công bố Chiến lược An ninh quốc gia toàn diện vào ngày 14-6-2023, nhằm giải quyết các lợi ích của Đức trong bối cảnh châu Âu chịu tác động sâu sắc bởi cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Quan hệ giữa Đức và các quốc gia Trung Á ngày càng phát triển trên nhiều cấp độ và nhiều chiều. Có nhiều lý do khiến Đức nghiêng về Trung Á: thứ nhất, Đức mong muốn tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn; thứ hai, tìm kiếm các giải pháp thay thế mới để khắc phục những tác động tiêu cực của sự phụ thuộc năng lượng vào Nga; thứ ba, tăng cường sự hiện diện ở Trung Á để chống lại sức ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc; thứ tư, sự hiện diện của người Đức ở Trung Á buộc Đức phải quan tâm đến khu vực này. Do vậy, Đức mong muốn trở thành một chủ thể mới ở Trung Á trong vai trò là đối tác kinh tế mới cho các quốc gia trong khu vực. 

Chính sách đối ngoại của Đức đối với Trung Á hoạt động theo 2 hướng song song: một là, có sự liên quan chặt chẽ đến chiến lược khu vực của châu Âu, trong đó Đức đóng vai trò là “kiến trúc sư” cho Chiến lược Trung Á của EU - được thông qua lần đầu vào năm 2007 và sửa đổi năm 2019; hai là, Đức theo đuổi các hợp tác song phương giữa Đức với các quốc gia trong khu vực Trung Á.

Giải pháp về năng lượng của Đức và châu Âu

Cuộc xung đột Nga - Ukraina đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Trung Á, khiến khu vực này trở thành một điểm đến triển vọng ngày càng hấp dẫn đối với các quốc gia nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý quan trọng. Theo quan điểm của EU, Trung Á có tiềm năng nổi lên như một thị trường năng lượng quan trọng, có khả năng thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU và tạo ra đối trọng hiệu quả trước sự thống trị về khí đốt của Nga. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina, Đức tìm cách tăng cường an ninh năng lượng và thiết lập các tuyến cung cấp năng lượng thay thế, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Không chỉ Đức, mà cả châu Âu cũng có nhiều lợi ích khi tăng cường quan hệ với các nước Trung Á. Thứ nhất, khi các nước châu Âu đang tìm kiếm phương thức để giải quyết các thách thức an ninh năng lượng, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng trở nên cần thiết và quan trọng. Tăng cường quan hệ với Kazakhstan - quốc gia lớn nhất về mặt địa lý và có tiềm năng kinh tế nhất trong số các quốc gia Trung Á - có thể là giải pháp cho những lo ngại về năng lượng của châu Âu. Các nước Trung Á có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Đức nhờ nguồn tài nguyên dồi dào.

Tại cuộc hội đàm, liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraina, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu lập trường Đức sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc Nga tiếp tục kéo dài cuộc xung đột với Ukraina, trong đó có cả những lệnh trừng phạt đã áp đặt. Còn Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev khẳng định, Kazakhstan ủng hộ việc chấm dứt một cách nhanh chóng và ngay lập tức các hành động quân sự, cũng như tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Kazakhstan không chỉ cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu ở bang Brandenburg (Đức) mà còn có trữ lượng dồi dào về uranium, quặng sắt, kẽm, đồng và vàng. Hiện Kazakhstan là 1 trong 4 quốc gia có nguồn cung dầu mỏ lớn nhất cho Đức. Tháng 2-2023, Kazakhstan bắt đầu cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu ở thành phố Schwedt thuộc bang Brandenburg và bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung từ Nga.

Bên cạnh đó, nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên khổng lồ của Turkmenistan cũng thu hút sự quan tâm của Đức và EU. Dự án Nabucco - khởi động năm 2002 - được thiết kế để vận chuyển khí đốt của Turkmenistan đến châu Âu thông qua đường ống dẫn qua biển Caspian, nhưng đã vấp phải sự phản đối của Iran và Nga. Vì vậy, vượt qua những thách thức này hiện là mục tiêu trọng tâm của Đức và EU.

Thứ hai, Kazakhstan và một số quốc gia Trung Á khác cũng rất giàu trữ lượng đất hiếm - một nguồn tài nguyên quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Kim loại này đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất hàng loạt công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại. Hiện nay, châu Âu phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Nga về nguồn cung khoáng sản không thể thiếu này. 

Có thể thấy, tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung Á là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn mà Đức theo đuổi nhằm đa dạng hóa quan hệ kinh tế, chính trị cũng như tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Là một phần của kế hoạch này, Đức muốn tăng cường quan hệ với các khu vực và quốc gia sở hữu nguồn năng lượng có thể thay thế cho nguồn năng lượng từ Nga, cũng như khoáng sản nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hành lang trung tâm - định hình lại thương mại châu Âu - Trung Á

Nhiều chuỗi cung ứng và tuyến thương mại chính từ châu Á đến châu Âu đi qua Nga có thể gây ra những phức tạp, nếu mối quan hệ với Nga vẫn căng thẳng hoặc xấu hơn. Do đó, cả Trung Á và châu Âu đều mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong việc thiết lập các tuyến thương mại thay thế. Vòng quanh Nga, tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian (TITR), còn được gọi là Hành lang trung tâm, nổi bật như một tuyến đường đặc biệt hứa hẹn góp phần thúc đẩy phát triển thương mại giữa châu Á và châu Âu thông qua Nam Caucasus và Kazakhstan. Tỷ trọng thương mại giữa EU và Trung Á đã tăng lên trong nhiều năm, từ năm 2012 đến năm 2022 tăng 38,8%. 

Trong chuyến thăm Đức, Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã đề xuất kết hợp TITR với Mạng lưới giao thông xuyên châu Âu và Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU, một chiến lược toàn cầu nhằm cạnh tranh với các dự án toàn cầu khác, bằng cách đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng và thiết lập quan hệ đối tác kinh tế. Nếu châu Âu đóng vai trò mang tính xây dựng, hỗ trợ và đầu tư vào việc phát triển kết cấu hạ tầng cứng và mềm, thì cả châu Âu và Trung Á đều có nhiều lợi ích.

Sự quan tâm của Đức đối với Trung Á ngày càng tăng và những nỗ lực ngoại giao gần đây, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh theo thể thức C5+1(Đức), cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của nước này đối với khu vực. Với việc Đức tìm cách tăng cường mối quan hệ với Trung Á, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, Trung Á trở thành một bên tham gia ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, mang lại lợi ích tiềm năng cho cả hai bên. 

Hội nghị thượng đỉnh Đức - Trung Á là minh chứng cho những nỗ lực phối hợp của Đức nói riêng và EU nói chung nhằm củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Trung Á, đồng thời bảo vệ chiến lược trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc tại khu vực. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược và tầm nhìn chung, Trung Á được dự báo sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu, kết nối các châu lục và khai thác tiềm năng to lớn trước một thế giới đang thay đổi nhanh chóng./.

1 November 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau