Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm 2024: Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước “lục địa đen”
Đình Hùng
Những kết quả ấn tượng
Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng hơn 50 nhà lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các nước châu Phi và các tổ chức quốc tế liên quan, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trong bài phát biểu tại hội nghị với chủ đề “Chung tay thúc đẩy hiện đại hóa, xây dựng cộng đồng chung tương lai”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, những thành quả của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi trong 24 năm xây dựng và phát triển đã góp phần đưa quan hệ Trung Quốc - châu Phi bước vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho biết, việc hiện đại hóa Trung Quốc và châu Phi - nơi có khoảng 30% dân số thế giới sinh sống - đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa toàn cầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Phi để thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới, vì lợi ích chung, đề xuất nâng cấp quan hệ song phương giữa Trung Quốc với tất cả các nước châu Phi - các nước đang có quan hệ với Trung Quốc, lên mức quan hệ chiến lược.
Trong 3 năm tới, Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 50 tỷ USD cho châu Phi, tạo ra 1 triệu việc làm tại lục địa này và cùng châu Phi triển khai thực hiện 10 kế hoạch hành động đối tác để cùng nhau thúc đẩy hiện đại hóa, bao gồm học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh, thúc đẩy thương mại thịnh vượng, hợp tác chuỗi công nghiệp, kết nối, hợp tác phát triển y tế, nông nghiệp và sinh kế, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, phát triển xanh và an ninh chung.
Trung Quốc cam kết sẽ mở cửa thị trường cho 33 quốc gia kém phát triển nhất ở châu Phi; hỗ trợ châu Phi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nâng cao năng lực quản lý. Bên cạnh đó, Trung Quốc dự định xây dựng 25 trung tâm nghiên cứu châu Phi và mời 1.000 quan chức, chính trị gia châu Phi đến Trung Quốc để tìm hiểu về quản trị hiện đại.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cung cấp 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 140,9 triệu USD) viện trợ quân sự cho châu Phi, giúp đào tạo 6.000 quân nhân, 1.000 cán bộ thực thi pháp luật của “lục địa đen” và hợp tác với châu Phi về phát triển các phòng thí nghiệm cùng vệ tinh viễn thám.
Trong khuôn khổ Diễn đàn FOCAC 2024, Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận liên quan đến các dự án điện, kết cấu hạ tầng, nước uống và công nghệ truyền thông với Cộng hòa Chad và Senegal; thông báo thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc - Libya; thông báo nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Cameroon Paul Biya. |
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hoan nghênh đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong việc nâng tầm quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lên tầm quan hệ chiến lược. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nêu bật những thách thức đang diễn ra tại “lục địa đen”, nhấn mạnh những thành tựu phát triển của Trung Quốc hiện nay và hy vọng rằng, châu Phi có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Trung Quốc trên các lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh về chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - châu Phi trong kỷ nguyên mới và Chương trình Hành động Bắc Kinh giai đoạn 2025 - 2027.
Tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi
Diễn đàn FOCAC được thành lập tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 10-2000, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong quan hệ của Trung Quốc với châu Phi. Trong thời gian qua, quan hệ giữa Trung Quốc với châu Phi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trung Quốc luôn là bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai bên đạt 282,1 tỷ USD (tăng 11% so với năm 2021); tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã vượt mức 40 tỷ USD, tập trung vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng, năng lượng xanh và logistics, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo của châu lục.
Các dự án kết cấu hạ tầng do Trung Quốc - châu Phi hợp tác được triển khai trên khắp lục địa, giúp gia tăng khả năng kết nối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của châu Phi.
Sự thúc đẩy mạnh mẽ trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi là xuất phát từ lợi ích của cả hai bên. Về kinh tế, thương mại, hiện nay Trung Quốc là nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới, là công xưởng của thế giới, với nhiều lĩnh vực thế mạnh như hàng điện tử, gia dụng, xe điện...
Vì vậy, châu Phi rõ ràng là một thị trường tiêu thụ mà Trung Quốc cần hướng đến đối với các sản phẩm của nước này. Trong khi đó, các nước châu Phi cũng cần những mặt hàng với giá thành phù hợp, chủng loại phong phú, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, sản xuất. Hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, như kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và sáng tạo khoa học - kỹ thuật sẽ tiếp thêm động lực mới cho quan hệ song phương, tạo nền tảng vững chắc cho hai bên cùng phát triển.
Các quốc gia châu Phi cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc trong tinh chế nguồn nguyên liệu thô. Những dự án theo hướng này được cho là có thể mang lại nhiều doanh thu hơn cho các quốc gia châu Phi, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho đội ngũ lao động trẻ của châu Phi.
Đáng chú ý, nhu cầu về kết cấu hạ tầng của châu Phi cũng rất lớn và Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu này. Theo hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ), trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay hơn 120 tỷ USD hỗ trợ châu Phi để xây dựng kết cấu hạ tầng, như nhà máy thủy điện, đường bộ và đường sắt. Thương mại và đầu tư tăng lên trong những năm qua chứng tỏ lợi ích thiết thực mà cả hai bên mang lại cho nhau.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hợp tác trong các lĩnh vực khác giữa hai bên cũng còn nhiều tiềm năng. Trung Quốc - một quốc gia đang phát triển nhất thế giới và châu Phi - lục địa tập trung nhiều nhất các nước đang phát triển, đang phải đối mặt với những thách thức kép về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để giải quyết.
Vì vậy, Trung Quốc và châu Phi có thể thúc đẩy đối thoại về chính sách môi trường và khí hậu, chia sẻ thực tiễn trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, xét về khía cạnh địa-chính trị, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu diễn ra gay gắt và Trung Quốc phải đối mặt với căng thẳng trong quan hệ với các nước phương Tây, còn châu Phi được xem là khu vực lạc hậu, việc tăng cường thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - châu Phi còn mang ý nghĩa chiến lược, bởi động thái này giúp Trung Quốc phá bỏ thế bao vây, kiềm chế của các nước phương Tây đối với Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi.
Khi giành được sự ủng hộ quan trọng của châu Phi tại các diễn đàn quốc tế, ảnh hưởng về ngoại giao và an ninh toàn cầu của Trung Quốc sẽ được gia tăng. Còn các nước châu Phi có thêm đối tác phát triển quan trọng để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Như vậy, có thể nói hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi là sự hợp tác mang lại lợi ích thiết thực từ việc thúc đẩy và đưa mối quan hệ lên tầm cao mới. Hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2024 đánh dấu sự phát triển của mối quan hệ này và mở ra những cơ hội mới cho cả Trung Quốc và châu Phi, góp phần đáp ứng nhu cầu và lợi ích của hai bên trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới./.