21/11/2024 | 17:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 9: Nắm bắt cơ hội phát triển, ưu tiên quản lý bền vững nguồn nước

Phan Vũ Tuấn Anh
TS, Học viện Ngoại giao
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 9: Nắm bắt cơ hội phát triển, ưu tiên quản lý bền vững nguồn nước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 9 tại Chiang Mai, Thái Lan, ngày 16-8-2024_Ảnh: TTXVN
Vào trung tuần tháng 8-2024, tại thành phố Chiang Mai (Thái Lan) diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 với chủ đề “Hướng tới tương lai an toàn và bền vững hơn cho khu vực Mekong - Lan Thương”. Các nước tham dự đã đề xuất nhiều ý tưởng nhằm nắm bắt cơ hội phát triển các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu về quản lý bền vững nguồn nước. Theo đó, 3 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước, xây dựng môi trường không khí sạch và phòng, chống tội phạm xuyên biên giới đã được thông qua.

Mở rộng thị trường, phát triển bền vững, tăng cường kết nối hợp tác

Trước hết, các nước đánh giá cao nỗ lực triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027; kết quả hợp tác MLC trong 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới; năng lực sản xuất; quản lý nguồn nước; nông nghiệp và xóa đói, giảm nghèo. 

Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng “Vành đai phát triển kinh tế Mekong - Lan Thương”; nhất trí thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, bao gồm hợp tác kinh tế không giới hạn, kết nối chuỗi cung ứng và tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.

Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác về tiêu chuẩn hóa, thuận lợi hóa thương mại; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, toàn diện, bền vững, nông nghiệp thông minh, kết nối giao thông đường sắt và đẩy nhanh thực hiện “Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững”. 

Ngoài ra, các nước hoan nghênh kết quả ấn tượng của hợp tác MLC với gần 100 dự án do Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương tài trợ, mang lại lợi ích thiết thực đối với người dân, địa phương và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Các bên nhấn mạnh, hợp tác tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, lũ lụt, hạn hán; nhất trí tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, ô nhiễm không khí. 

Để thực hiện hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, các nước cần nâng cao năng lực, nhận thức cộng đồng và hỗ trợ chia sẻ nguồn nước an toàn; tăng cường hợp tác trao đổi kỹ thuật; chia sẻ các dữ liệu thông tin thủy văn; giám sát, phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp với thiên tai, trong đó thực hiện đối thoại chính sách hiệu quả và thực chất.

Đề cập đến lĩnh vực không khí sạch, các bên đánh giá việc ban hành Tuyên bố chung về sáng kiến “không khí sạch Mekong - Lan Thương”, một mặt, thúc đẩy hợp tác không khí sạch, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, nhất là ô nhiễm bụi mịn; mặt khác, bảo vệ sức khỏe của người dân. Các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, kỹ thuật để thực hiện các dự án.

Các nước nhất trí tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới (khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế quốc tế, tin giả, tội phạm mạng, cờ bạc trực tuyến, viễn thông, lừa đảo trên mạng và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác). 

Do vậy, các bên cần thúc đẩy đối thoại và trao đổi kinh nghiệm quản trị giữa các cơ quan lập pháp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp ứng phó trước những rủi ro và thách thức do tội phạm xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, các bên nhất trí tuân thủ “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”; khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy MLC dựa trên nguyên tắc tham vấn sâu rộng, đóng góp ý kiến xây dựng và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, Hiến chương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và pháp luật, quy định của mỗi nước thành viên; khuyến khích cùng chung tay xây dựng và thực hiện các cơ chế, sáng kiến đã được thống nhất.

Các nước khẳng định, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa thông qua việc tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa và thanh niên; sản xuất chương trình phát thanh truyền hình, thời trang, lễ hội, đối thoại và giao lưu tìm hiểu tôn giáo giữa các nước thành viên trong khu vực. 

Tăng cường tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ “Tuần lễ MLC” hằng năm để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về MLC và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các bên công bố Báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện “Kế hoạch hành động 5 năm giai đoạn 2023 - 2027; danh sách các dự án được “Quỹ đặc biệt MLC” hỗ trợ năm 2024; danh sách các hạng mục đã triển khai của Kế hoạch hành động hợp tác nông nghiệp Mekong - Lan Thương; báo cáo của nhóm chuyên gia về “nguyện vọng chung và lộ trình thực hiện để xây dựng cộng đồng chung vận mệnh giữa các nước MLC”.

Phát biểu tại hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng khẳng định sự coi trọng và đóng góp hiệu quả của Việt Nam đối với hợp tác MLC; nhấn mạnh kết quả và đóng góp nổi bật của hợp tác MLC trong thời gian qua, đó là cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn, hợp tác hiệu quả và thực chất hơn, lĩnh vực hợp tác mở rộng hơn, sự tham gia sâu rộng của các thành phần xã hội và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Vai trò của các nước trong cơ chế hợp tác MLC

Tại hội nghị, các nước hoan nghênh Thái Lan và Trung Quốc với vai trò đồng Chủ tịch cơ chế hợp tác MLC, đã thúc đẩy tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác MLC lần thứ 9, mang lại kết quả tích cực trong hợp tác khu vực; đồng thời cho thấy, cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên đối với cơ chế hợp tác này. 

Trong đó, các nước thành viên MLC nhấn mạnh tăng cường phối hợp thực hiện các cơ chế liên quan trong khuôn khổ “hành lang hợp tác đổi mới Mekong - Lan Thương”, phát huy tối đa tính hiệu quả của các cơ chế, bao gồm tổ chức các cuộc họp thường xuyên, tiến hành phối hợp chính sách và thảo luận các xu hướng công nghệ, các nền tảng và dự án hợp tác mới; tăng cường hợp tác đổi mới khoa học và công nghệ trong y tế, kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và các lĩnh vực khác; thúc đẩy trao đổi quốc tế về các chính sách đổi mới và khởi nghiệp.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh 4 ưu tiên hợp tác MLC trong thời gian tới: 

một là, đề cao chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa khu vực mở; hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ sự phát triển của các nước tiểu vùng; thiết lập cơ chế hợp tác tư pháp và pháp lý, tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; 

hai là, đổi mới và thu hẹp khoảng cách về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Hỗ trợ các nước Mekong nâng cao năng lực AI; thành lập trung tâm nghiên cứu thiên văn; 

ba là, phát triển kết nối; đẩy nhanh xây dựng mạng lưới kết nối hạ tầng MLC; duy trì chuỗi cung ứng công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực...; 

bốn là, thúc đẩy miễn thị thực, đẩy nhanh tiến trình thành lập Liên minh hợp tác phát triển hàng không MLC; tăng cường hợp tác địa phương... 

Những ưu tiên hợp tác này phần nào tương thích với đề xuất ưu tiên hợp tác với Trung Quốc của các nước thành viên MLC (điển hình như tăng cường kết nối kết cấu hạ tầng; bảo đảm thương mại, đầu tư, du lịch thông suốt; mở rộng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ). Điều này đặt cơ sở vững chắc cho triển khai kế hoạch hành động MLC trong giai đoạn tiếp theo, góp phần tạo động lực thúc đẩy cơ chế MLC phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong những năm tới.

Việc Việt Nam cử đoàn đại biểu tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ 9 tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đưa ra một số đề xuất quan trọng, như:

Thứ nhất, xây dựng khu vực MLC hiện đại và phát triển phải dựa trên cơ sở bảo đảm thương mại, đầu tư và kết nối, thông suốt giữa các thành viên, thể hiện qua việc tăng cường mở rộng thị trường, củng cố chuỗi cung ứng bền vững, kết nối hạ tầng giao thông.

Thứ hai, xây dựng khu vực MLC xanh, bền vững và bao trùm. Việt Nam đề xuất các nước phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác trong quản lý lũ lụt và hạn hán; tổ chức Ngày nước Mekong - Lan Thương nhằm nâng cao nhận thức và quản lý, sử dụng, bảo vệ bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.

Thứ ba, hợp tác MLC cần tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, gắn bó sâu sắc giữa nhân dân của các nước thành viên (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc); thúc đẩy cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. 

Theo đó, các nước tăng cường giao lưu thanh niên, kết nối địa phương, doanh nghiệp, tìm kiếm những ý tưởng hợp tác mới từ thế hệ trẻ của 6 nước. Đây được xem là nền tảng cho sự phát triển của MLC trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, thể hiện sự chủ động tham gia, phát huy vai trò dẫn dắt, đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong cơ chế hợp tác MLC; qua đó, tạo dấu mốc quan trọng cho ngoại giao đa phương của Việt Nam trong tình hình mới.

Ngoài ra, việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác MLC được tổ chức thường xuyên đã giúp tăng cường sự tin cậy chính trị và định hướng chiến lược, mở rộng hợp tác kinh tế cũng như tạo ra nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa các nước thành viên./.

13 September 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 Sau