21/12/2024 | 22:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

COP-29: Vừa kỳ vọng, vừa e dè!

Anh Thư
COP-29: Vừa kỳ vọng, vừa e dè! Trung tâm nơi diễn ra Hội nghị COP29 tại Thủ đô Baku (Azerbaijan), ngày 11-11-2024_Ảnh: THX/TTXVN
Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng nhằm tìm kiếm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu quốc tế (COP-29) chính thức bế mạc vào ngày 24-11-2024, muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch. Gần 200 quốc gia với hơn 90 nhà lãnh đạo đã tập trung tại Thủ đô Baku (Azerbaijan), để đánh giá tiến độ thực hiện Thỏa thuận Paris và thống nhất mục tiêu tài chính khí hậu mới. Vì vậy, COP-29 còn được gọi là COP tài chính.

Kỳ vọng giải pháp cho khủng hoảng và những đồng thuận gây nhiều tranh cãi

COP-29 diễn ra trong bối cảnh nhân loại đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu được cho là tồi tệ nhất. Theo khảo sát của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử từ trước đến nay. 

Hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan với những tác động nghiêm trọng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ở châu Á, bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan,... gây ra những trận mưa lớn nhất trong vài thập niên qua. 

Tại châu Âu, bão Boris kéo theo đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn 2 thập niên của khu vực Trung Âu. Còn tại châu Mỹ, siêu bão Helene đổ bộ vào Mỹ khiến hàng trăm người thiệt mạng, gây thiệt hại lên tới 110 tỷ USD. 

Mạng lưới giám sát sông băng cảnh báo, tốc độ tan băng tại các dòng sông trên dãy Alpes đang ở mức rất cao. Nếu không có biện pháp giảm tình trạng nóng lên trên toàn cầu, đến năm 2100, dự báo sẽ có khoảng 80% số dòng sông băng trên dãy núi này biến mất.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ báo cáo thảm họa lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khi có tới 80% diện tích các rạn san hô bị “tẩy trắng” ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, sự tích tụ carbon dioxide và khí metan trong khí quyển cũng đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận.

COP-29 cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị, chủ nghĩa bảo thủ gia tăng và sự phân cực ngày càng rõ nét giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. 

Nhiều ý kiến quan ngại khi tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - một người hoài nghi về biến đổi khí hậu - tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris và một số cơ chế hợp tác đa phương khác, trong đó có Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Kết thúc hội nghị, các bên tham gia đã đạt được thỏa thuận về tiêu chuẩn thị trường carbon quốc tế, sau nhiều năm nỗ lực không thành công. 

Đây là cơ chế quan trọng để các quốc gia kém phát triển hơn huy động nguồn tài chính cho vấn đề khí hậu. Theo thỏa thuận này, giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể lên tới 250 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Tuy nhiên, COP-29 vẫn mắc kẹt ở mục tiêu chính, đó là huy động nguồn tài chính hằng năm giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với vấn đề khí hậu. 

Trong suốt 2 tuần tranh luận gay gắt, COP-29 tưởng chừng đối mặt nguy cơ sụp đổ, trở thành hội nghị đầu tiên không đạt được thỏa thuận kể từ năm 2009. 

Một số quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và kém phát triển nhất thậm chí đã rời bàn đàm phán. Tuy nhiên, đến ngày cuối cùng, các bên đã đạt được đồng thuận với con số 300 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với mức 100 tỷ USD cam kết trước đó và cũng cao hơn mức 250 tỷ USD được đề xuất trong dự thảo. 

Theo Tổng Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell, mục tiêu tài chính mới này là một chính sách bảo hiểm cho nhân loại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng; giúp thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia hưởng lợi từ những hành động vì khí hậu. 

Dẫu vậy, số tiền cam kết vẫn còn cách rất xa so với con số 1.300 tỷ USD được cho là cần thiết để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại diện nhiều nước bày tỏ sự thất vọng và cho rằng điều này thể hiện sự thiếu sẵn sàng của các quốc gia phát triển trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, con số này không công bằng, bởi 300 tỷ USD chỉ tương đương với khoảng 10% số tiền được đầu tư vào kết cấu hạ tầng năng lượng toàn cầu mỗi năm.

Liệu lời hứa có trở thành hiện thực?

Thứ nhất, việc thông qua thỏa thuận về thị trường tín chỉ carbon là một thành công của COP-29, nhưng các quy tắc về minh bạch và trách nhiệm giải trình vẫn chưa chặt chẽ. Khung hình phạt đối với các quốc gia không tuân thủ quy tắc chưa có, khiến khả năng hiện thực hóa thỏa thuận khá bấp bênh.

Thứ hai, mức cam kết tài chính 300 tỷ USD mặc dù khiêm tốn, nhưng cũng chưa chắc chắn. Một số đại biểu đến từ các nước phát triển thừa nhận con số này chưa thực sự đủ, song với tác động của tình trạng lạm phát, các cuộc xung đột địa - chính trị, thảm họa tự nhiên mà các quốc gia này đang phải trải qua..., việc đưa ra cam kết lớn hơn là không thực tế.

Thêm vào đó, ngay cả nguồn lực để có con số 300 tỷ USD cũng được thể hiện một cách “mơ hồ”. Cách diễn đạt trong thỏa thuận khá lỏng lẻo là khoản tiền có thể đến từ “nhiều nguồn khác nhau, công và tư, song phương và đa phương, hay cho vay thay vì tài trợ trực tiếp”. Điều này dẫn tới nguy cơ làm gia tăng gánh nặng nợ ở các quốc gia nghèo hơn.

Khoản tiền còn lại để đạt đến con số 1.300 tỷ USD, theo một số đề xuất, chủ yếu sẽ đến từ đầu tư tư nhân, các khoản thuế đối với nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, dịch vụ vận chuyển, tăng giá vé máy bay thường xuyên. Tuy nhiên, các nguồn tài chính này cũng chưa thống nhất và có thể sẽ khó đạt được trong bối cảnh hiện nay. 

Đối với các nước đang phát triển - những nước được kỳ vọng sẽ đưa ra kế hoạch hành động về khí hậu vào tháng 2-2025 - cũng khó có thể “tự tin” hành động trong bối cảnh như vậy.

Chủ đề của COP-29 năm 2024 là “Đoàn kết vì một thế giới xanh” với 2 trụ cột: 1- Nâng cao tham vọng; 2- Kích hoạt hành động. Ngoài mục tiêu thỏa thuận về thị trường tín chỉ CO2, tài chính khí hậu 300 tỷ USD, COP-29 đưa ra một số đồng thuận khác, như vận hành đầy đủ quỹ mất mát và thiệt hại; tập trung nhiều hơn và tăng cường tài trợ, hỗ trợ biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng hơn đến giải pháp dựa trên thiên nhiên, như tái trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái và nông nghiệp bền vững.

Việt Nam ủng hộ hành động vì tập thể, nhằm đạt mục tiêu chung

Tham gia COP-29, đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định sự ủng hộ đối với chủ đề của COP-29; đồng thời, bày tỏ sự quan ngại đối với kết quả của Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2023 khi cho thấy các cam kết hiện tại là chưa đầy đủ, nhấn mạnh sự thiếu tin tưởng và phương thức để biến các cam kết thành hành động thiết thực. 

Vì thế, Việt Nam mong muốn các bên tôn trọng cam kết giảm phát thải, đóng góp vào tài chính khí hậu và duy trì tính minh bạch, dễ tiếp cận, dễ kiểm chứng. 

Nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu cần tương xứng với nguồn lực cho giảm nhẹ tác động. Việt Nam ủng hộ các nước hành động vì tập thể, cùng “nâng cao tham vọng”, để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt toàn cầu ở dưới 2°C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp.

Tại COP-29, đề cập đến các chính sách và biện pháp đang được triển khai ở Việt Nam, đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải nhà kính và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đã được lồng ghép vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 

Việt Nam xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) vào năm 2020. Việc Việt Nam công bố Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) cập nhật tại COP-29 là bước đi quan trọng, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia. 

Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang gặp không ít thách thức trong quá trình triển khai do thiếu nguồn lực tài chính.

Đối với kết quả mà COP-29 đạt được về thị trường tín chỉ carbon, đoàn đại biểu Việt Nam tại COP-29 cho rằng, thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho việc giao dịch minh bạch. 

Ngành hàng không Việt Nam dự định sẽ tham gia giai đoạn tự nguyện của kế hoạch giảm phát thải carbon từ đầu năm 2026 và hy vọng có thể mua toàn bộ tín dụng carbon từ các dự án triển khai tại Việt Nam.

Cũng tại COP-29, đoàn đại biểu Việt Nam đề xuất 3 vấn đề: 1- Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện trách nhiệm về khí hậu của mình, cắt giảm mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 trước năm 2040, sớm hơn đáng kể so với các nước đang phát triển; 2- Các nước cần tiếp tục triển khai và xây dựng NDC cho giai đoạn tiếp theo; 3- Thúc đẩy hợp tác quốc tế với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

COP-29 khép lại tuy đạt được nhiều đồng thuận, nhưng dường như vẫn chưa đưa ra được quyết định nào mang tính đột phá. Các thỏa thuận liên quan đến quá trình chuyển đổi, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị hoãn lại, chuyển giao cho COP-30 sẽ diễn ra tại thành phố Belém (Brazil). 

Đây có thể sẽ là một trong những COP khó khăn nhất từ trước đến nay, bởi COP-30 là cơ hội cuối cùng để các quốc gia đưa ra kế hoạch rõ ràng nhằm bảo đảm mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C./.

16 December 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau