Chuyến thăm nhằm thúc đẩy sự phát triển chung trong quan hệ Trung Quốc - châu Âu
Đình Hùng
Cùng Pháp và EU thúc đẩy thế giới đa cực
Đây là lần trở lại châu Âu đầu tiên sau 5 năm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh có nhiều thay đổi.
Tháng 3-2019, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Italia, Công quốc Monaco và Pháp, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ở thời kỳ căng thẳng, nhưng đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraina, xung đột tại Dải Gaza chưa xảy ra.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc hiện cũng tăng trưởng chậm hơn so với trước đây và vẫn cần nhiều nguồn lực để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trong chuyến thăm châu Âu lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp tục lựa chọn Pháp làm điểm dừng chân, hơn nữa còn là điểm khởi đầu cho chuyến công du, bởi Pháp là quốc gia hàng đầu, có vai trò, ảnh hưởng quan trọng ở châu Âu.
Năm 2024 cũng là năm Trung Quốc và Pháp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1964 - 2024). Trong khi đó, Serbia và Hungary là các quốc gia có quan hệ hợp tác gần gũi với Trung Quốc.
Tại Pháp, trong buổi hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh lịch sử 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Pháp sẽ giúp hai bên có góc nhìn tốt hơn về triển vọng hợp tác giữa 2 nước trong 60 năm tới.
Hai bên nhất trí tôn trọng nền độc lập của nhau và cùng nhau ngăn chặn một “cuộc Chiến tranh lạnh mới” hoặc sự đối đầu giữa các phe, thúc đẩy xây dựng thế giới đa cực; cùng tăng cường liên kết các chiến lược phát triển, hợp tác trong các lĩnh vực có lợi thế truyền thống như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, đổi mới và tài chính, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, như năng lượng xanh, sản xuất thông minh, y sinh, trí tuệ nhân tạo.
Trung Quốc ủng hộ Pháp đăng cai Thế vận hội Paris 2024 và khẳng định sẽ cử phái đoàn cấp cao sang tham dự. Hai bên ký kết gần 20 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực phát triển xanh, hàng không, nông nghiệp và thực phẩm, thương mại, giao lưu nhân dân và văn hóa.
Trong cuộc trao đổi với Chủ tịch EU Von der Leyen, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc luôn nhìn nhận mối quan hệ Trung Quốc - EU từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Thế giới ngày nay đã bước vào một thời kỳ thay đổi mới, với tư cách là hai “lực lượng” quan trọng, Trung Quốc và EU cần tuân thủ quan điểm đối tác, kiên trì đối thoại và hợp tác, tăng cường liên lạc chiến lược, tăng cường niềm tin chiến lược lẫn nhau, xây dựng sự đồng thuận chiến lược, thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc - EU, đồng thời đóng góp cho hòa bình và phát triển của thế giới.
Về các cuộc xung đột quốc tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc, Pháp và EU đều mong muốn các bên ngừng bắn, sớm chấm dứt chiến tranh; đồng thời, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Pháp cần kêu gọi giải pháp hòa bình cho các vấn đề nóng, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu.
Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan. Ngoài ra, để thúc đẩy hơn nữa trao đổi hợp tác với EU, Trung Quốc quyết định gia hạn chính sách miễn thị thực cho 12 quốc gia EU đến ngày 31-12-2025.
Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Serbia
Tại Serbia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Aleksandar Vucic. Hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Serbia và xây dựng Cộng đồng Trung Quốc - Serbia chia sẻ tương lai trong kỷ nguyên mới.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, việc Serbia trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc trong tình hình mới phản ánh đầy đủ tính chất chiến lược, đặc biệt và cấp cao của quan hệ Trung Quốc - Serbia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đề xuất các biện pháp để Trung Quốc hỗ trợ xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Serbia trong kỷ nguyên mới, bao gồm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - Serbia kể từ ngày 1-7-2024; hỗ trợ Serbia đăng cai Hội chợ Triển lãm thế giới chuyên nghiệp, đồng thời cử các phái đoàn tham gia triển lãm và khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các dự án liên quan; mở rộng nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Serbia; hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Serbia thực hiện nghiên cứu tại Trung Quốc trong 3 năm tới; hoan nghênh Serbia mở đường bay thẳng từ Belgrade đến Thượng Hải, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không của 2 nước mở đường bay thẳng từ Belgrade đến Quảng Châu.
Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hungary
Trong chặng dừng chân cuối cùng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Hungary Tamas Sulyok. Hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh ở kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhắc lại Hungary là một trong những nước đầu tiên công nhận Trung Quốc mới. Hiện nay, quan hệ Trung Quốc - Hungary đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử, với tình hữu nghị truyền thống bền chặt và quá trình hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên cần tổng kết những kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua và vạch ra con đường tương lai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh một số nguyên tắc trong quan hệ 2 nước, đó là: 1- Đối xử bình đẳng với nhau, đi theo con đường phát triển phù hợp với điều kiện mỗi nước, tự mình làm chủ vững chắc tương lai và vận mệnh của mình; 2- Tuân thủ sự tin cậy, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nhau; 3- Tuân thủ hợp tác cùng có lợi, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời thúc đẩy việc kết nối các chiến lược phát triển tương ứng; 4- Tuân thủ sự công bằng và chính nghĩa, nỗ lực đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và phát triển của nhân loại.
Trung Quốc đánh giá cao việc Hungary theo đuổi các chính sách thân thiện và lâu dài đối với Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng, với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU trong nửa cuối năm 2024, Hungary sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - EU, giữa Trung Quốc và các nước Trung Âu cũng như Đông Âu nói riêng nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân các nước.
Cần thêm thời gian cho những bước phát triển mới
Có thể nói, chuyến thăm tới Pháp, Serbia và Hungary của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Các nước đều dành sự đón tiếp trọng thị, thân tình đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc với các nước EU hiện còn gặp một số trở ngại. Hiệp định Toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc được ký kết vào cuối năm 2020 sau 7 năm đàm phán, được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn và tạo điều kiện cho đầu tư của Trung Quốc tại EU; thế nhưng đến nay vẫn chưa được 27 quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng diễn ra gay gắt, quan điểm của các nước châu Âu về Trung Quốc cũng có những thay đổi đáng kể so với 5 năm trước.
Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, khi EU cho rằng Trung Quốc đang “dư thừa sản xuất” và tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp nhà nước đối với các sản phẩm tuốc-bin gió và thiết bị y tế, xe điện của Trung Quốc.
EU cho rằng, Trung Quốc thực hiện thương mại không công bằng khi trợ cấp cho các hãng tư nhân Trung Quốc xuất khẩu hàng với giá rẻ.
Hơn nữa, các doanh nghiệp và chính phủ châu Âu từ lâu đã phàn nàn về việc bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc và cạnh tranh không lành mạnh. Các vấn đề quốc tế nổi cộm, nhất là quan điểm về cuộc xung đột Nga - Ukraina cũng tiếp tục chia rẽ Trung Quốc và châu Âu.
Đây được cho là những ví dụ cho thấy, kết quả của chuyến thăm đến 3 quốc gia châu Âu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng, song Trung Quốc và EU vẫn cần thêm thời gian để đạt được những bước đột phá thực sự trong thời gian tới./.