Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Việt Nam: Tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ 2 nước Việt Nam - Trung Quốc
Đình Hùng
Tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; tham dự Lễ đón chính thức, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc; thăm Khu Triển lãm một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; thưởng thức văn hóa truyền thống Việt Nam và dự tiệc chiêu đãi; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại các cuộc hội kiến, hội đàm, trong không khí chân thành, hữu nghị, cởi mở, lãnh đạo 2 nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu đánh giá việc triển khai nhận thức chung, các thỏa thuận hợp tác và thống nhất phương hướng, biện pháp góp phần triển khai hiệu quả định hướng “6 hơn” (tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác an ninh - quốc phòng thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn), xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược được lãnh đạo cao nhất của 2 Đảng, 2 nước thống nhất trong các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8-2024).
Hai bên nhất trí triển khai toàn diện nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cao nhất 2 Đảng, 2 nước và các tuyên bố chung hai bên đã công bố; kiên trì tuân theo phương châm “16 chữ” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), tinh thần “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và định hướng “6 hơn”.
Đồng thời, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đạt được nhiều thành quả thực chất, toàn diện hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân 2 nước, đóng góp tích cực, hiệu quả cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Về vấn đề trên biển, hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực; nhất trí tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 Đảng, 2 nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển.
Thúc đẩy đàm phán về hợp tác cùng phát triển trên biển và đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất, tích cực triển khai các hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, tăng cường hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất để sớm đạt được Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác giữa 2 nước. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
Cách đây 75 năm, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1-10-1949, ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, trong đó khẳng định: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử.
Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”.
Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”.
Ngày 15-1-1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 18-1-1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trở thành quốc gia đầu tiên công nhận nước ta.
Sau đó, các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa đều lần lượt công nhận Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Cùng với Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã giúp đỡ, viện trợ to lớn, có hiệu quả cho công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Mặc dù trải qua những giai đoạn thăng trầm, khó khăn, song việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước luôn là nguyện vọng chung của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, 2 nước đã ký kết 10 văn kiện hợp tác, bao gồm: 1- Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); 2- Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; 3- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc cùng thúc đẩy dự án sửa chữa, bảo trì Cung Hữu nghị Việt - Trung; 4- Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu; 5- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững; 6- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; 7- Kế hoạch hành động giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Chương trình Quản lý tín nhiệm doanh nghiệp của Hải quan Trung Quốc; 8- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc; 9- Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc; 10- Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc. |
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với quan hệ song phương khi 2 nước hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, 2 nước cần cùng nhau hợp tác ứng phó với các mối đe dọa và bất ổn, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho hòa bình và phát triển của mỗi nước cũng như hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường sẽ tiếp tục góp phần đưa quan hệ 2 Đảng, 2 nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân 2 nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.