05/02/2025 | 21:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bước ngoặt mới về sự mở rộng của BRICS

Trần Ngọc Ninh - Đỗ Thị Duyên
ThS, Học viện Ngoại giao
Bước ngoặt mới về sự mở rộng của BRICS Toàn cảnh Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23-10-2024_Ảnh: TL
Ngày 23-12-2024, Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov về các vấn đề quốc tế thông báo có 9 quốc gia[1] chính thức trở thành đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) từ ngày 1-1-2025. Theo đó, các quốc gia đối tác của BRICS sẽ được tham gia thường xuyên các phiên họp đặc biệt, những cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao cùng các sự kiện cấp cao khác của BRICS. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt của BRICS, khẳng định mong muốn củng cố và mở rộng hợp tác, đồng thời cho thấy sự trỗi dậy của tổ chức thuộc Nam bán cầu trong bối cảnh địa - chính trị phức tạp hiện nay.

BRICS mở rộng cánh cửa hợp tác

Tuy BRICS có chủ trương tạm dừng kết nạp thành viên mới (tháng 6-2024), nhưng lại nghiên cứu thúc đẩy thiết lập cơ chế đối tác. Sau khi kết nạp 5 thành viên[2] vào tháng 6-2024, tính đến thời điểm này, BRICS lại kết nạp thêm 9 đối tác. 

Các chuyên gia nhận định, trong một thời gian ngắn, gần như cùng thời điểm, việc BRICS gia tăng số lượng thành viên phân bổ ở khắp các châu lục trên thế giới (châu Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latin) cho thấy nhu cầu, mong muốn phát triển và tăng cường vai trò của BRICS trên toàn cầu. 

Điều đáng chú ý là, trong số 19 quốc gia của BRICS thì châu Á chiếm ưu thế với 7 quốc gia (bao gồm 3 nước Đông Nam Á và một số nước ở Nam Á, Trung Á). Do vậy, một số học giả cho rằng, châu Á đang là khu vực trọng tâm được BRICS quan tâm mở rộng. 

Hay như ông Y. Ushakov đánh giá, việc các nước bày tỏ sự quan tâm và mong muốn gia nhập BRICS cho thấy BRICS là “một yếu tố then chốt trong một thế giới đa cực đang hình thành, đồng thời là sức mạnh đoàn kết bảo vệ lợi ích của các quốc gia ở Nam bán cầu và Đông Á”.

Có thể thấy, sau 16 năm thành lập và phát triển (2009 - 2025), BRICS đang dần trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới, với tiềm lực ngày càng to lớn đã và đang trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, cơ chế hợp tác toàn diện, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của đông đảo các quốc gia trên thế giới.

Nhu cầu và lợi ích gia nhập BRICS của các nước Đông Nam Á

Thời gian qua, BRICS đã không ngừng mở rộng và phát triển; được đánh giá là một tập hợp lực lượng kinh tế - chính trị có tiềm lực, có thể cạnh tranh với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) và các liên minh/liên kết do Mỹ, phương Tây dẫn dắt. 

Thời gian gần đây, một vài nước mong muốn gia nhập BRICS, trong đó có một số nước Đông Nam Á khiến các chuyên gia phân tích đặt câu hỏi, phải chăng do BRICS đang không ngừng lớn mạnh mà các nước Đông Nam Á “ồ ạt” xin gia nhập?

Thứ nhất, các nước Đông Nam Á gia nhập BRICS sẽ mở ra thị trường rộng lớn để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế. Hiện tại, BRICS+ có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 6 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), quy tụ nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động. 

Đến nay, BRICS+ đại diện cho 3/4 dân số và GDP của thế giới. Các nước thành viên của BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác. 

Do vậy, BRICS+ có đầy đủ cơ sở để tác động đến sự phát triển kinh tế toàn cầu; là thị trường quan trọng để các nước Đông Nam Á tiếp cận và mở rộng hợp tác kinh tế, đa dạng hóa và ổn định thị trường xuất khẩu. 

Khi BRICS thành lập sàn giao dịch ngũ cốc, điều này sẽ mở ra sức hấp dẫn với Malaysia, Indonesia - 2 quốc gia sản xuất khoảng 80% dầu cọ trên toàn thế giới và cũng là mở rộng thị trường đối với Thái Lan - một trong các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thứ hai, tính toán chiến lược của các nước Đông Nam Á. Ba nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia đều có nhu cầu về phát triển kinh tế, tìm kiếm nguồn tài trợ để cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các khoản đầu tư từ Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS. 

Việc tham gia BRICS cũng sẽ giúp các nước này cân bằng chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa -chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời duy trì quyền tự chủ trong bối cảnh bất ổn khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, đối với từng nước, như với Malaysia, việc gia nhập BRICS là phù hợp với chính sách đối ngoại của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim; với Indonesia, việc tham gia BRICS có thể giúp tăng cường vai trò, vị thế của Indonesia trên trường quốc tế.

Thứ ba, tác động từ chính sách trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đây, khi đối mặt với cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á thường chọn lập trường trung lập. 

Tuy nhiên, sự quay trở lại của Tổng thống D. Trump, cùng với nhân sự nội các đa dạng của chính quyền Mỹ sắp tới có thể sẽ tác động tới sự tính toán của các nước ASEAN. 

Những quan ngại về tư tưởng bảo hộ, phản đối tự do hóa cũng như việc không tham gia các tổ chức liên kết kinh tế (như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP) của chính quyền Mỹ trong thời kỳ Donald Trump 1.0 đã dấy lên lo ngại về cam kết và vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Vì vậy, lựa chọn sử dụng sức mạnh kinh tế làm vũ khí là một trong những yếu tố thúc đẩy một số nước Đông Nam Á xin gia nhập BRICS.

Diễn đàn kết nối cho các nước đang phát triển

Mục tiêu ban đầu của BRICS là thúc đẩy hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế mới nổi, song những năm gần đây, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, BRICS được dẫn dắt theo hướng trở thành một tập hợp lực lượng có vai trò và tiếng nói lớn hơn, thúc đẩy hình thành trật tự thế giới mới, thậm chí đưa BRICS trở thành cơ chế đối trọng với G-7. Do đó, việc hợp tác không chỉ đến từ một phía, mà bản thân các nước trong BRICS cũng có những tính toán, nhu cầu, lợi ích của mình trong việc mở rộng thành viên và đối tác.

Một là, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế và ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế. Việc mở rộng thành viên sẽ giúp BRICS nâng cao vị thế trong kết nối, trung chuyển quốc tế, gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực, đặc biệt là Trung Đông và Đông Nam Á, tạo cơ sở để Trung Quốc, Nga nâng cao vị thế trong tương quan lực lượng với Mỹ và phương Tây. 

Không chỉ vậy, việc mở rộng này còn tạo điều kiện thuận lợi để Nga và Trung Quốc thúc đẩy phát triển thương mại vũ khí tại các khu vực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với các nước phương Tây có chiều hướng xấu đi.

Hai là, nâng tầm vị thế của BRICS trở thành một cơ chế đa phương công bằng hơn, hiệu quả hơn và mang tính đại diện nhiều hơn cho quyền lợi của các nước đang phát triển trong giải quyết các điểm nóng cùng những vấn đề quốc tế. 

Các chuyên gia đánh giá, nhờ lợi thế tập hợp được nhiều quốc gia đang phát triển có ảnh hưởng, BRICS sẽ trở thành diễn đàn quan trọng để các quốc gia cùng các bên liên quan đẩy mạnh trao đổi, giải quyết những vấn đề khu vực, vốn gặp nhiều trở ngại do khác biệt lợi ích tại các điểm nóng với Mỹ/phương Tây. 

Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 có ý nghĩa như Hội nghị Bandung năm 1955, bởi nó đánh dấu cho sự khởi đầu của một tổ chức các nước đang phát triển phía Nam bán cầu, được ví như diễn đàn kết nối đại diện cho “tiếng nói” của các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, với việc 3 nước Đông Nam Á gia nhập BRICS, cũng có nhiều quốc gia quan tâm đến việc Việt Nam nằm trong danh sách các nước đối tác của BRICS và triển vọng hợp tác của khối này.

Bởi vì trước đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ tại Nga, đã truyền tải thông điệp mong muốn hợp tác tới BRICS.

Các học giả nhận định, việc BRICS đã và đang tiếp tục tiến trình mở rộng thành viên sẽ có tác động nhất định tới Việt Nam, đan xen cả cơ hội lẫn thách thức.

Một mặt, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam tại khu vực, đem lại nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại cũng như gia tăng thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các nước thành viên BRICS; cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS.

Mặt khác, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, áp lực cân bằng trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế của tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam.

Vì vậy, Việt Nam sẽ nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam./.


[1] Gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.

[2] Gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia.



5 February 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau