Xanh và tăng trưởng - đối đầu hay đồng hành?
Nguyễn SơnTăng trưởng đang tàn phá Trái đất?
Mức độ nguy hiểm từ biến đổi khí hậu đang ngày càng gần và thực tế hơn. Tìm kiếm chiến lược ngăn chặn xu hướng đó biến thành hiểm họa không chỉ còn là việc của những nhà bác học và những nhà hoạt động môi trường, mà đã lan sang các chính khách, cũng như các ngôi sao âm nhạc từ nhiều năm nay.
Một trong những chiến lược đang ngày càng phổ biến ở phương Tây là ý tưởng “chống tăng trưởng”, nghĩa là xanh và tăng trưởng không thể đồng hành.
Nền tảng của ý tưởng này nảy sinh từ năm 1972, khi Câu lạc bộ Roma công bố báo cáo “Những giới hạn của tăng trưởng” tiên đoán hậu quả khôn lường cho Trái đất của chúng ta nếu kinh tế cứ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với lập luận không thể thuyết phục hơn: tài nguyên Trái đất có hạn, và chúng đang cạn kiệt.
Tuy nhiên, đến bây giờ, ý tưởng chống tăng trưởng mới trở nên thu hút sự quan tâm của dư luận một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Chúng ta thường quen nghĩ rằng tăng trưởng là tốt, là tích cực. Nó đồng nghĩa với giàu có và thịnh vượng. Tuy nhiên, bùng nổ kinh tế lại kéo chúng ta vào những hệ lụy nghiêm trọng.
Một trong những hệ lụy ấy là xả khí thải bừa bãi vào không trung, làm Trái đất nóng lên dẫn tới điều kiện sống thay đổi. Hàng loạt sinh vật bị tuyệt diệt. Hàng loạt sinh vật mới, trong đó có những loài virus vô cùng nguy hiểm trỗi dậy, đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Hiển nhiên, cuộc chạy đua tăng trưởng vì lợi nhuận và văn hóa tiêu thụ thái quá đang dẫn nền văn minh của chúng ta đến thảm họa. Giải pháp cũng gần như hiển nhiên: hãy cắt giảm tiêu thụ tài nguyên, cắt giảm tiêu dùng, cắt giảm tăng trưởng.
Ý tưởng chống tăng trưởng còn trở thành sáng kiến lập pháp “Con đường xanh mới” do nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez khởi xướng và vận động. Để giảm khí thải, dự luật này đòi từ bỏ từng bước tiến tới từ bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.
Để giảm tiêu thụ năng lượng cho chương trình nhiều bước nói trên, bà chủ trương cắt giảm số giờ làm việc, tăng thời lượng nghỉ ngơi, tăng hệ thống giao thông công cộng để triệt tiêu xe cộ cá nhân và tạo việc làm xanh mới.
Chống tăng trưởng càng ngày càng trở thành xu hướng. Đại hội kiến trúc toàn cầu năm nay tại Thủ đô Oslo, Na Uy đã dành toàn bộ thời lượng cho chủ đề này. Trước đó, năm 2019, Oslo được vinh danh là thủ đô xanh nhất châu Âu nhờ chương trình cắt giảm 95% khí thải trước năm 2030.
Xu hướng chống tăng trưởng còn bao gồm hàng loạt xu hướng cấu thành mà phần lớn đều rất thu hút như hạn chế sử dụng vật liệu đầu vào, tẩy chay thời trang nhanh và đồ dùng một lần, du lịch tàu hỏa thay cho máy bay, bớt mua sắm - tăng nói cười...
Nhà kinh tế học Nhật Bản Saito Kohei còn cho rằng, phải thay đổi cả hệ thống kinh tế tư bản bằng một hệ thống nhân văn hơn. “Chủ nghĩa tư bản chạy theo lợi nhuận, nên đương nhiên nó tàn phá môi trường và gây ra phân hóa giàu nghèo. Khoảng 1% số người giàu nhất nắm tới 38% số tài sản thế giới, họ đi máy bay riêng, có vô số nhà cửa xe cộ và thải vào khí quyển nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải mà 50% dân số nghèo nhất của Trái đất thải vào khí quyển. Chúng ta đã sai khi chọn GDP làm thước đo thành công của một quốc gia. Lẽ ra tuổi thọ, thức ăn ngon, an toàn đường phố và khả năng cảm thụ nghệ thuật mới là những thước đo ấy”, ông Saito Kohei nói.
Liệu có thể vừa tăng trưởng, vừa xanh?
Mặc dù khá sôi sục và ầm ĩ, phong trào chống tăng trưởng lại thiếu những nghiên cứu lý thuyết khoa học, và góc nhìn rất phiến diện. Các nhà hoạt động chống tăng trưởng mặc định biến đổi khí hậu là do hệ thống kinh tế thế giới hiện hành, từ đó mặc định giải pháp nằm ở chỗ phải “lật đổ” hệ thống đó.
Trong khi để đạt được các mục tiêu xanh như mong muốn, có thể chỉ cần giảm số giờ làm việc và cấm các hoạt động gây hại đáng kể cho môi trường. Họ không muốn công nhận những biện pháp chậm mà chắc.
Theo họ, những giải pháp như vậy “không đủ tính cách mạng”, không giải quyết được rốt ráo vấn đề và quan trọng nhất là không tìm ra được thủ phạm để trừng phạt.
Ở tầm quốc tế, các nhà hoạt động chống tăng trưởng đòi các nền kinh tế giàu có phải tự hạn chế tăng trưởng ở mức thấp, thậm chí tăng trưởng âm, đồng thời phải hào phóng hơn, phải trả lại thế mạnh tài nguyên cho “Phương Nam nghèo khổ”.
Quan điểm đó thoáng nghe có vẻ rất công bằng, nhưng trong thực tế kết quả sẽ ngược lại: khi tài nguyên trở nên hạn chế và mức tăng trưởng thấp hơn, các nước giàu sẽ chi li hơn, chứ không hào phóng hơn.
Ngay cả bây giờ, khi các nước có nền kinh tế phát triển đang mở rộng tăng trưởng, việc kêu gọi đóng góp cho Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cũng đang rất khó khăn. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước giàu giảm đi, việc thu hút cho Quỹ sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Ở cấp độ xã hội, các nhà hoạt động chống tăng trưởng kêu gọi một sự thức tỉnh đạo đức tập thể. Họ tin rằng khi ý thức được tác hại của mô hình kinh tế hiện tại, xã hội sẽ nhanh chóng thay đổi và hướng tới một lối sống lành mạnh hơn. Người tiêu dùng sẽ giảm ăn thịt, không đi máy bay, từ chối các sản phẩm và dịch vụ xả thải nhiều vào khí quyển...
Mặc dù bức tranh đó vô cùng đạo đức, nhưng như nhà triết học người Mỹ Emrys Westacott nhận xét, phần lớn các tôn giáo trên thế giới như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo,... đã tuyên truyền lối sống giản tiện như vậy từ lâu, nhưng kết quả không khả quan lắm.
Con người vẫn muốn tiêu dùng nhiều hơn và sự tăng trưởng kinh tế là giải pháp, có thể thỏa mãn những nhu cầu chính đáng đó của họ.
Chính sách môi trường và chống biến đổi khí hậu khó ở chỗ nó phải cân bằng được nhu cầu chính đáng của con người về chất lượng cuộc sống, năng lượng có thể khai thác được một cách kinh tế và mức độ an toàn kinh tế trong dài hạn.
Nói như nhà báo Ezra Klein trên tờ The New York Times (Mỹ), phong trào chống tăng trưởng chỉ là sự “đánh đu từ chính sách này sang chính sách khác. Họ phê phán những thiếu sót của một chiến lược, rồi đề ra một chiến lược khác với nhiều thiếu sót hơn”.
Thay vì ngăn chặn tăng trưởng, chúng ta cần tư duy lại, định hướng lại mô hình tăng trưởng kinh tế vốn chưa chú ý đầy đủ đến môi trường và công bằng xã hội, tìm kiếm sự cân bằng giữa nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng với những lựa chọn hợp sinh thái hơn. Tiến bộ công nghệ, đổi mới nguồn năng lượng và kinh tế tuần hoàn đang là những giải pháp khả thi nhất cho bài toán đó.
Nói tóm lại, tăng trưởng và xanh hoàn toàn có thể đồng hành. Nhưng sự đồng hành đó đòi hỏi một chiến lược cân bằng và uyển chuyển, cũng như cần những tiến bộ công nghệ chú trọng môi trường.
Nhân loại, bằng trí tuệ của mình, chắc chắn sẽ vượt qua được thách thức hiện nay. Và tăng trưởng xanh sẽ trở thành cụm từ chìa khóa cho cuộc vượt qua đó./.