21/11/2024 | 16:46 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số quốc gia

Tiến Thắng
Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số quốc gia Dây chuyền sản xuất xe ô tô điện tại nhà máy của hãng General Motors ở Detroit, Michigan, Mỹ_Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ và chiến lược “tái công nghiệp hóa”

Mỹ là một trong số các quốc gia sớm tiếp cận với kinh tế xanh thông qua phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường... 

Theo đó, năm 2009, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chiến lược “tái công nghiệp hóa” trong 10 năm với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD nhằm phát triển các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng.

Trong chiến lược này, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%. 

Nhằm đạt được các mục tiêu này, Mỹ thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng có chức năng như một “ngân hàng xanh” để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. 

Với sự hỗ trợ này, hiện hàng chục thành phố đã sản xuất và sử dụng pin năng lượng Mặt trời. Điều này không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, mà còn mang lại hiệu quả trong sản xuất năng lượng theo hướng carbon thấp.

Mỹ coi chính sách biến đổi khí hậu là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia và thực hiện các biện pháp như hỗ trợ tài chính ở quy mô chưa từng có, cũng như các chính sách phát triển công nghệ đổi mới. Nước này cũng sử dụng Bộ chỉ số về phát triển kinh tế xanh để đánh giá và kiểm soát nền kinh tế xanh, bao gồm các tiêu chí đánh giá, cho điểm hành động và chính sách kinh tế xanh...

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu...

Đan Mạch và tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất châu Âu

Dù là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt nhưng Đan Mạch lại hướng tới phát triển xanh, với mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới; bảo đảm an ninh năng lượng; tạo nhiều việc làm.

Theo đó, Đan Mạch hướng tới chuyển đổi xanh với 3 trụ cột chính là phát triển xe đạp, năng lượng gió và xử lý rác thải. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thủ đô Copenhagen đã đưa ra sáng kiến xây dựng văn hóa đi xe đạp, thông qua việc hạn chế đậu xe trong trung tâm thành phố, tăng thuế xe hơi và khí đốt, đồng thời lắp đặt giá treo xe đạp, làn đường và đèn giao thông dành riêng cho loại phương tiện này. 

Đan Mạch cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ gió, với 20% tổng tiêu thụ năng lượng hiện nay từ năng lượng gió. Các nhà sản xuất cối xay gió cũng đạt được những bước đột phá về công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất nhiệt điện.

Đối với ngành xây dựng, Đan Mạch quyết tâm xây những tòa nhà có có lượng carbon dioxide vô hại đối với môi trường. Các công trình nhà ở, công sở được khuyến khích lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Người dân có thể tự tạo ra năng lượng xanh và bán năng lượng dư thừa cho hệ thống năng lượng quốc gia.

Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo...

Hàn Quốc và các mục tiêu đầy tham vọng

Hàn Quốc đã triển khai phát triển kinh tế xanh trên quy mô toàn quốc bằng cách thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng và những kế hoạch hành động cụ thể. Ngay từ năm 2008, nước này đã thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh với mục tiêu trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050. 

Chính phủ Hàn Quốc tiến hành một loạt hành động như đưa ra gói kích cầu “Hiệp định Tăng trưởng xanh mới” (năm 2009) trị giá 50.000 tỷ won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956.000 việc làm; “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh” (năm 2009) kêu gọi tăng 2 lần chi phí cho công nghệ xanh vào năm 2012, tập trung vào các lĩnh vực như: tái sử dụng rác thải, chế tạo và sử dụng pin năng lượng Mặt trời, dự đoán biến đổi khí hậu, lưu giữ carbon...

Tháng 1-2010, Hàn Quốc thi hành Luật khung về Tăng trưởng xanh. Trên tinh thần đạo luật này, Hàn Quốc tiên phong thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc thiết lập chính sách phát triển kinh tế xanh; cung cấp các kết quả nghiên cứu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế xanh.

Trong giai đoạn 2010 - 2011, Chính phủ Hàn Quốc tập trung thúc đẩy phát triển ngành năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp xanh và ban hành Luật Hạn chế khí thải và phát triển quản lý năng lượng. 

Đã có nhiều dự án xanh ở Hàn Quốc được người dân tích cực tham gia như “Thành phố mặt trời”, “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và dòng sông xanh hơn”... Cũng trong giai đoạn này, Hàn Quốc còn xây dựng hệ thống “thẻ thanh toán xanh” để kích thích tiêu thụ hàng hóa xanh./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện