21/11/2024 | 14:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Triển vọng hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh

Phan Lương
Triển vọng hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh Hội thảo “Việt Nam - Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh” tại Hà Nội, ngày 12-9-2023_Ảnh: TTXVN
Đức đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản để mất vị trí thứ ba xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản thời gian gần đây đã nỗ lực đưa ra một tầm nhìn mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó chuyển đổi xanh là một trụ cột.

Tầm nhìn mới

Nhật Bản là nền kinh tế trưởng thành và có tính đa dạng hóa cao, một siêu cường công nghiệp, dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất, cũng như trong nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp truyền thống Nhật Bản hiện chật vật tìm cách bắt kịp các xu hướng hiện đại, trong bối cảnh dân số già, lực lượng lao động thu hẹp, cũng như nước này đang gánh chịu một trong những khoản nợ công lớn nhất thế giới - hơn 250% GDP. 

Ngoài ra, việc đồng yên mất 30% giá trị trong 2 năm qua, dù có lợi cho xuất khẩu nhưng lại gây tổn hại cho người tiêu dùng, cũng như nhập khẩu ròng thực phẩm và năng lượng.

Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản hồi giữa năm 2023 đã đưa ra một kế hoạch điều chỉnh mới, tăng cường đầu tư vào con người, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội và biến đổi khí hậu. 

Phiên bản cập nhật cho đề xuất kinh tế trước đó của Thủ tướng Fumio Kishida được đánh giá sẽ thiết lập một chiến lược vững chắc để thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng bền vững, cải cách thị trường lao động, cũng như khả năng chuyển đổi sang các lĩnh vực tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Có thể nói, chuyển đổi xanh đang gắn chặt với mục tiêu tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản, trong đó chuyển đổi năng lượng sẽ giúp vừa xanh hóa nền kinh tế vừa hướng tới các mục tiêu lớn về khí hậu. 

Cụ thể, Nhật Bản đã đưa ra khái niệm chuyển đổi xanh (GX) - một chương trình cải cách sâu rộng do nhà nước đảm nhận vai trò chủ đạo. Được nêu chi tiết trong chính sách cơ bản của chính phủ, GX là một chiến lược để “chuyển đổi toàn bộ cấu trúc công nghiệp và xã hội của chúng ta xoay quanh các nguồn năng lượng hóa thạch,... thành các cấu trúc dựa trên năng lượng sạch”.

Bùng nổ tài chính chuyển đổi

Là nỗ lực nghiêm túc của Chính phủ Nhật Bản, nhưng rõ ràng ngân sách cho quá trình chuyển đổi năng lượng là không hề nhỏ. Chính vì thế, Chính phủ Nhật Bản đã ra mắt trái phiếu chủ quyền về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào tháng 2-2023. 

Được gọi là “Trái phiếu chuyển đổi khí hậu Nhật Bản”, đây là một phần của chiến lược GX, nhằm mục đích thúc đẩy cả chi tiêu công và tư để hỗ trợ triển khai những giải pháp công nghiệp sạch.

Nguồn vốn trên nằm trong Đạo luật thúc đẩy GX được thông qua hồi năm 2023 và khoản đầu tư trả trước trị giá 20.000 tỷ yên (khoảng 130 tỷ USD) trong 10 năm của Chính phủ Nhật Bản. 

Tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy là rất lớn so với chỉ 7 tỷ USD huy động được kể từ năm 2020. Rõ ràng GX không chỉ là một khái niệm rộng, mà còn là một khung đầu tư quốc gia được xác định về mặt pháp lý.

Thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, giới hoạch định chính sách Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút tổng vốn công và tư lên tới 150.000 tỷ yên (1.000 tỷ USD) để triển khai các dự án cần thiết nhằm đạt được mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế. 

Hình thức tài chính này có thể giúp xây dựng niềm tin của nhà đầu tư vào những công nghệ chuyển đổi năng lượng mới nổi, trấn an các nhà đầu tư thường hoài nghi về các giải pháp mới vốn được hứa hẹn quá mức trong khi triển khai kém trên thực tế.

Chiến lược GX của Nhật Bản có thể cung cấp các cơ chế hỗ trợ có mục tiêu nhằm tăng tốc đổi mới và phát triển công nghệ ở giai đoạn đầu, đồng thời khuyến khích triển khai các công nghệ đã có hiệu quả theo cách cân bằng giữa khử carbon, khả năng thanh toán, khả năng cạnh tranh và các mối bận tâm về an ninh. 

Đáng chú ý, Chính phủ Nhật Bản cũng xác định một chiến lược phát triển quốc tế, như thúc đẩy một cộng đồng châu Á không phát thải là một nền tảng hợp tác để giúp các nước đối tác ở châu Á đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của mình.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác hơn nữa

Không phải ngoại lệ, các nước ASEAN cũng đang đối mặt với khoảng cách thực tế giữa tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 và tiến triển thực sự trong quá trình chuyển đổi năng lượng và xanh hóa nền kinh tế. 

Về tổng thể, những thách thức lớn của khu vực gồm hạn chế về cấu trúc, với thách thức kép là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi năng lượng, sự không tương thích giữa cung và cầu do sự phân tán về địa lý của các nguồn tài nguyên tái tạo, những ưu đãi hạn chế trong nỗ lực giảm thiểu carbon và khả năng tiếp cận tài chính không hoàn thiện.

Ngoài ra, khoảng cách đầu tư lớn trong nỗ lực cấp vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn tồn tại khi ước tính ASEAN cần tới 1.500 tỷ USD đến năm 2030, trong khi khu vực hiện mới chỉ có 45 tỷ USD cho các khoản đầu tư xanh chuyên dụng kể từ năm 2021. 

Trong bối cảnh đầy thách thức đó, theo các chuyên gia, các nước ASEAN vẫn có cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh cho tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh vượt ra ngoài quá trình khử carbon của nền kinh tế, thông qua nhiều biện pháp.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, các bên liên quan, gồm cả khu vực công và tư, cần có hành động tập thể để đi đúng hướng mục tiêu phát thải và hướng tới doanh thu 300 tỷ USD cho kinh tế xanh vào năm 2030. 

Có 5 hành động cần ưu tiên, gồm chú trọng các ý tưởng phi carbon hóa mà có thể đầu tư; mở rộng chính sách và đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng; thúc đẩy đổi mới trong tài chính để thúc đẩy đầu tư; thúc đẩy các kế hoạch quốc gia và khu vực cho lộ trình chuyển đổi; hành động ngay để giải quyết các hạn chế về mặt cấu trúc.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản chắc chắn là đối tác quan trọng với nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, khi Nhật Bản là nền kinh tế hiện đại, nhiều kinh nghiệm và vốn đầu tư cần thiết. 

Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã xác định Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng và là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 9-2023, các đại biểu tham dự cũng nhận định hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong phát triển tăng trưởng xanh - nền tảng trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước trong tương lai, vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với tổng vốn 7,4 tỷ USD. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của nước ta hiện đứng thứ 4 thế giới. 

Còn theo Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), thúc đẩy tăng trưởng xanh, chỉ riêng việc chuyển đổi năng lượng gió và Mặt trời có thể đóng góp 70 - 80 tỷ USD vào GDP hằng năm và tạo ra khoảng 90.000 - 105.000 việc làm; trong khi hệ sinh thái hydro dựa trên năng lượng tái tạo cũng có thể đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP và tạo ra 40.000 - 50.000 việc làm ở Việt Nam./.