Chính sách tài chính phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Nguyễn Thường LạngPGS, TS, Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Sự hình thành bước đầu
Bộ Tài chính là cơ quan chức năng hoạch định chính sách tài chính phát triển kinh tế xanh. Những nhiệm vụ trực tiếp bao gồm là: rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng, hoàn thiện các công cụ tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường; thành lập thị trường carbon hướng tới thị trường trao đổi phát thải theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, ngày 26-7-2023, “Về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với tăng trưởng xanh, điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phục vụ tăng trưởng xanh, huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực và đẩy mạnh truyền thông phục vụ tăng trưởng xanh.
Đồng thời, khái niệm trái phiếu xanh được đề cập trong Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường là căn cứ pháp lý để các chủ thể liên quan triển khai phát hành trái phiếu xanh, nhằm huy động nguồn đầu tư vào tăng trưởng xanh.
Các công cụ thuế, phí bảo vệ môi trường, thị trường tín chỉ carbon được hình thành gần đây với giá 5 USD/1 tấn phát thải cũng góp phần hình thành nguồn tài chính tập trung để đầu tư bảo vệ môi trường. Cơ chế tài chính để phục vụ tăng trưởng xanh từng bước được xây dựng, hoàn thiện.
Nhiều ngân hàng đã có các gói tín dụng xanh, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị khoản tín dụng 22 nghìn tỷ đồng sẵn sàng cung cấp cho các dự án đáp ứng tiêu chuẩn xanh với lãi suất ưu đãi. Các ngân hàng thương mại khác cũng đều có khoản tín dụng này. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng của nguồn vốn tín dụng xanh. Định hướng phát hành trái phiếu xanh cũng đã hình thành.
Như vậy, có thể thấy chủ trương và khuôn khổ nhận thức, định hướng chính sách tài chính phục vụ phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam đã được hình thành, bước đầu khẳng định sự phù hợp định hướng phát triển kinh tế xanh nói chung của thế giới.
Một số thuận lợi và khó khăn
Việc hoạch định chính sách tài chính phục vụ kinh tế xanh ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Về thuận lợi, phát triển kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới, mặc dù có sự khác nhau về mức độ quyết tâm và quyết liệt, song có thể khẳng định đó là xu hướng không thể đảo ngược. Ở mức độ cao hơn, phát triển kinh tế xanh, ở giai đoạn ban đầu, tăng trưởng xanh đang tạo động lực mới cho sự phát triển.
Bước đầu đã có sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang châu Âu coi trọng chuyển đổi xanh để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của Liên minh châu Âu (EU).
Về khó khăn, Việt Nam vẫn chưa có danh mục phân loại xanh được công bố chính thức và rộng rãi làm căn cứ để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng hiểu cụ thể và có giải pháp để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể, áp dụng trong chính sách tài chính, tín dụng.
Do đó, nhiều khoản đầu tư chưa giải ngân được, đang chờ quy định. Bên cạnh đó, các hướng dẫn chi tiết và cơ chế vận hành thị trường tài chính phục vụ kinh tế xanh chưa được triển khai đồng bộ. Nhận thức của các nhà hoạch định chính sách mới đang tập trung chủ yếu vào tăng trưởng xanh, chưa chú ý nhiều đến kinh tế xanh như mong đợi.
Khó khăn này có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, mô hình kinh tế xanh là mô hình mới, đang trong quá trình định hình nên chưa thể nhận thức đầy đủ. Tiến bộ công nghệ trong phát triển kinh tế xanh đạt được tốc độ nhanh chóng. Sự phát triển tư duy hoạch định chính sách giữa các khu vực khá khác nhau.
Hiện nay, EU có những bước phát triển quan trọng về nhận thức, thậm chí đi trước so với các khu vực khác về phát triển kinh tế xanh, với việc liên tục đưa ra các yêu cầu mới về chuyển đổi xanh. Nhưng điều này lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn với EU khi chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn đặt ra tăng.
Về chủ quan, do thiếu nhận thức đầy đủ về kinh tế xanh, hệ thống phổ biến kiến thức còn hạn chế, công tác thông tin, tuyên truyền chưa được đầu tư tương xứng với sự thay đổi của yêu cầu chuyển xanh với tốc độ nhanh chóng cho nên cả doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu dường như bị chậm so với sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Để hoàn thiện chính sách tài chính xanh
Để hoàn thiện chính sách tài chính phục vụ phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, cần có các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và cần xác định phát triển kinh tế xanh là phương thức tổ chức kinh tế của tương lai mà tất cả các quốc gia đều phải đạt tới. Do đó, cần đầu tư vào công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải có chính sách tài chính hữu hiệu để phát triển kinh tế xanh.
Các phương thức thông tin, tuyên truyền cần đa dạng, như thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tập huấn, đối thoại chính sách với doanh nghiệp và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thứ hai, làm tốt công tác dự báo, lộ trình vận hành từ tăng trưởng xanh đến kinh tế xanh và lượng hóa quy mô nguồn tài chính để có giải pháp huy động phù hợp. Theo đó, cần phát triển các mô hình dự báo nguồn tài chính phát triển kinh tế xanh khoa học, hiệu quả và có thể xây dựng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ ba, ban hành danh mục phân loại xanh và văn bản hướng dẫn thi hành để tạo cơ sở pháp lý cho ban hành chính sách, thống kê, định mức kinh tế - kỹ thuật - tài chính và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn tài chính thích hợp, khoa học, phù hợp với điều kiện đất nước, xu hướng quốc tế và có tiếp nhận thực tiễn tốt.
Đồng thời, cần có các văn bản hướng dẫn quy trình áp dụng và tài liệu tập huấn cả trực tiếp và trực tuyến để phổ biến nhanh chóng danh mục phân loại xanh hiệu quả.
Thứ tư, đầu tư phát triển các công cụ tài chính phục vụ tăng trưởng xanh như chính sách thuế, phí, lãi suất, các công cụ trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thị trường tín chỉ carbon, mô hình và quy trình cấp chứng chỉ xanh cho nhân lực đào tạo, tư vấn và điều chỉnh chương trình đào tạo nhân lực kinh tế xanh.
Trước mắt, cần chú ý nguồn cấp từ ngân sách nhà nước, song song đó, hình thành cơ chế vận động nguồn tài chính xã hội hóa và sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.
Thứ năm, đầu tư phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh. Các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục cần phát huy vai trò của mình. Đặc biệt, coi trọng học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về đào tạo, chương trình, tài liệu, cũng như phát triển thị trường lao động hiệu quả theo chuẩn mực kinh tế xanh./.