Quy định về thiết kế sinh thái của Liên minh châu Âu: Cơ sở thúc đẩy nền kinh tế xanh
Tuệ MinhQuy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực vào ngày 18-7-2024. Quy định này được coi là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy sự tuần hoàn và bền vững của các sản phẩm đối với môi trường của Ủy ban châu Âu (EC), giúp EU đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
ESPR là một trong những biện pháp trọng tâm của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), được EC thông qua vào tháng 3-2020, nhằm mục đích tăng gấp đôi tỷ lệ tái chế sử dụng vật liệu và giúp EU đạt được các mục tiêu về hiệu quả năng lượng vào năm 2030.
ESPR nhằm mục đích cải thiện tính tuần hoàn và hiệu quả của các sản phẩm trên thị trường EU. Bởi thị trường năng lượng và sự bền vững về môi trường chính là một trong những cơ sở bảo vệ hành tinh của chúng ta tốt hơn, thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững hơn, góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi chung của nền kinh tế EU.
Thay thế cho Chỉ thị Ecodesign hiện tại
ESPR thay thế Chỉ thị Ecodesign (2009/125/EC), bởi Chỉ thị Ecodesign chỉ là một chỉ thị khung xác định các yêu cầu thiết kế sinh thái cho các thông số môi trường mà các nhà sản xuất phải đáp ứng để sản phẩm của họ có dấu CE[1].
ESPR còn yêu cầu các nhà sản xuất phải xem xét đến cả tác động môi trường trong giai đoạn thiết kế sản phẩm, bao gồm việc lựa chọn nguyên liệu thô, quy trình sản xuất, hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sử dụng và thải bỏ cuối cùng.
Các quy định của EU về thiết kế sinh thái có nguồn gốc từ những năm 90 của thế kỷ XX, ban đầu nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính. Theo thời gian, phạm vi áp dụng các quy định tiếp tục mở rộng và hiện nay bao gồm thiết bị điện tử, sản phẩm chiếu sáng, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác.
Các nguyên tắc cốt lõi của những quy định này dựa trên 3 điểm chính: phòng ngừa, người gây ô nhiễm phải trả tiền và tư duy vòng đời sản phẩm. Trong đó, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên trong giai đoạn thiết kế sản phẩm; chi phí môi trường của sản phẩm phải do nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng gánh chịu và phải xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khi thu mua nguyên liệu thô cho đến lúc sản phẩm thải bỏ cuối cùng.
Tại EU, một sản phẩm được coi là bền vững cần có những đặc điểm sau: sử dụng ít năng lượng hơn; thời gian sử dụng kéo dài lâu hơn; có thể dễ dàng sửa chữa; các bộ phận có thể dễ dàng tháo rời và sử dụng tiếp; chứa ít chất gây hại; có thể dễ dàng tái chế; có nhiều bộ phận có thể tái chế hơn; có lượng khí thải carbon và môi trường thấp hơn trong suốt vòng đời.
Vì vậy, ESPR cho phép thiết lập các điều kiện về hiệu suất và thông tin - được gọi là “yêu cầu thiết kế sinh thái” - cho hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, bao gồm: cải thiện độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng nâng cấp và sửa chữa của sản phẩm; làm cho sản phẩm tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên hơn; giải quyết tồn tại của các chất cản trở sự tuần hoàn; gia tăng hàm lượng tái chế; làm cho sản phẩm dễ dàng tái sản xuất và tái chế hơn; thiết lập các quy định liên quan đến lượng khí thải carbon và môi trường; cải thiện tính sẵn có của thông tin về tính bền vững của sản phẩm.
Những điểm mới của ESPR
ESPR đưa ra hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP), coi như một chứng chỉ số cho các sản phẩm, linh kiện và vật liệu, lưu trữ thông tin liên quan để hỗ trợ tính bền vững của sản phẩm, thúc đẩy tính tuần hoàn và tăng cường tuân thủ pháp luật.
Những thông tin này có thể truy cập được bằng điện tử, giúp người tiêu dùng, nhà sản xuất và cơ quan chức năng dễ dàng đưa ra các quyết định sáng suốt hơn liên quan đến tính bền vững, tính tuần hoàn và tuân thủ quy định, cho phép cơ quan hải quan sản xuất hộ chiếu kỹ thuật số các sản phẩm nhập khẩu một cách tự động.
ESPR lần đầu tiên đưa ra các quy tắc xử lý việc tiêu hủy hàng tiêu dùng không bán được, trong đó ngăn cấm tiêu hủy hàng dệt may và giày dép không bán được, đồng thời đặt nền tảng cho các lệnh cấm tương tự trong những ngành công nghiệp khác.
ESPR yêu cầu các công ty vừa và lớn trên tất cả các lĩnh vực hằng năm phải công bố thông tin trên trang web của họ, chẳng hạn như số lượng và trọng lượng sản phẩm bỏ đi cũng như lý do làm như vậy.
ESPR đưa ra một loạt yêu cầu cụ thể đối với thiết kế sản phẩm, bao gồm: sản phẩm nên tiết kiệm năng lượng tối đa trong quá trình sử dụng; ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể tái chế hoặc phân hủy; thiết kế sản phẩm phải dễ sửa chữa, nâng cấp để kéo dài tuổi thọ; giảm tối thiểu hoặc loại bỏ hẳn việc sử dụng các chất độc hại.
Thực thi và giám sát
EU bảo đảm thực hiện hiệu quả các quy định về thiết kế sinh thái bằng cách xây dựng các biện pháp thực hiện và cơ chế quản lý cụ thể, bao gồm: xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết và phương pháp thử nghiệm bảo đảm tuân thủ thông qua giám sát thị trường; yêu cầu nhà sản xuất công bố thông tin môi trường của sản phẩm để nâng cao tính minh bạch.
Quy định về thiết kế sinh thái sản phẩm bền vững là một bộ luật khung, có nghĩa là các quy tắc sản phẩm cụ thể sẽ được xác định dần dần theo thời gian, trên cơ sở của chính sản phẩm hoặc dựa trên các nhóm sản phẩm có đặc điểm tương tự.
Quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc thiết lập các ưu tiên, sau đó là công bố kế hoạch làm việc, trong đó nêu rõ các đối tượng sản phẩm và biện pháp cần được giải quyết theo công ước về trách nhiệm môi trường và xã hội trong một giai đoạn cụ thể.
Sau đó, việc phát triển các quy tắc sản phẩm sẽ bắt đầu dựa trên việc lập kế hoạch toàn diện, đánh giá tác động chi tiết và tham vấn thường xuyên với các bên liên quan. Quá trình này được thực hiện thông qua các diễn đàn thiết kế sinh thái.
Triển vọng và thách thức
Quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững đã có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường. Bằng cách tối ưu hóa thiết kế sản phẩm, mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể và thúc đẩy tái chế tài nguyên.
Thiết kế sinh thái này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho nhà sản xuất. Bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và độ bền của sản phẩm, chi phí vận hành sẽ giảm và khả năng cạnh tranh trên thị trường được nâng cao.
Việc thực hiện quy định này giúp nâng cao nhận thức của người dân về phát triển bền vững, thúc đẩy tiêu dùng xanh, mang lại lối sống lành mạnh và bền vững hơn cho xã hội.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, các quy định về thiết kế sinh thái vẫn cần được cập nhật liên tục để thích ứng với các sản phẩm, công nghệ mới. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải tiếp tục đổi mới và phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường hơn.
Trong thị trường toàn cầu hóa, các quy định về thiết kế sinh thái của EU phải đối mặt với vấn đề phối hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần khắc phục sự khác biệt về nhận thức môi trường và thực thi quy định giữa các quốc gia và khu vực khác nhau.
Không thể phủ nhận rằng, các quy định về thiết kế sinh thái mang lại cho các công ty EU cơ hội chuyển đổi xanh bằng cách cải thiện hiệu suất môi trường của sản phẩm, họ có thể mở ra các thị trường và nhóm người tiêu dùng mới.
ESPR là công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh. Bằng cách tối ưu hóa thiết kế sản phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường và thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, quy định này không chỉ giúp đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích hữu hình cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Đối mặt với những thách thức và cơ hội trong tương lai, EU cần tiếp tục tăng cường thực hiện và đổi mới các quy định về thiết kế sinh thái, xây dựng hình mẫu điển hình cho sự phát triển bền vững toàn cầu./.
[1] Chứng nhận CE là chỉ thị an toàn của EU thể hiện sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm nhất định và được phép bán trên thị trường EU và khu vực kinh tế châu Âu.