15/11/2024 | 00:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hàn thử biểu về tính thức thời, đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại

Phạm Nhẫn
Hàn thử biểu về tính thức thời, đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại Phát triển bền vững và kinh tế xanh là những vấn đề chung của thế giới, cần sự hợp tác, cùng nhau giải quyết_Ảnh minh họa/T.H
Thế giới hiện đại là thế giới của toàn cầu hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và kinh tế xanh đều trở thành những vấn đề chung của thế giới, buộc thế giới phải lưu tâm thỏa đáng, phải hợp tác cùng nhau giải quyết. Đối ngoại vừa có thể tham gia và đóng góp rất quan trọng, đồng thời vừa không thể đứng ngoài cuộc chơi này.

Trong báo cáo chuyên đề “Trên con đường tiến tới nền kinh tế xanh - Những phương cách phát triển bền vững và xóa nghèo” công bố năm 2011, tổ chức Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa kinh tế xanh là “một mô hình lý thuyết của phát triển kinh tế dựa trên tăng cường hạnh phúc của con người và công bằng xã hội, đồng thời có thể bảo đảm giảm đáng kể những rủi ro đối với môi trường, giảm khan hiếm về tài nguyên sinh thái”.

Ở đây hàm ý kinh tế xanh vừa là một dạng phát triển bền vững, vừa là một cách thức phát triển bền vững; vừa là một bộ phận không thể thiếu, vừa là động lực và sự bảo đảm cho phát triển bền vững. Ngày nay, những nội hàm cụ thể của kinh tế xanh và phát triển bền vững đều đã được xác định rõ, được nhận thức thống nhất trên thế giới. 

Tất cả những nội hàm ấy đều bộc lộ, hay ẩn hiện mối liên quan trực tiếp giữa phát triển kinh tế xanh và đối ngoại, cũng như mối liên quan giữa phát triển kinh tế xanh và đối ngoại thông qua phát triển bền vững.

Phát huy vai trò trên bình diện hợp tác

Đối ngoại hiện hữu, thực thi sứ mệnh và phát huy vai trò của nó trong phát triển kinh tế xanh trên bình diện hợp tác song phương, đa phương. Thông qua sự hợp tác song phương và đa phương, đối ngoại trước hết mở lối cho các quốc gia, nền kinh tế tận dụng, khai thác triệt để những cái lợi có được từ sự hợp tác với bên ngoài nhằm phục vụ cho phát triển nền kinh tế xanh ở bên trong. 

Hợp tác phát triển kinh tế xanh - dù là hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế xanh, hay trợ giúp lẫn nhau trên những phương diện cần thiết đối với việc phát triển kinh tế xanh, hoặc có thể hợp tác với nhau để phát triển kinh tế xanh - trở thành một trong những lĩnh vực trọng tâm của hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia và đối tác nói riêng.

Phát triển kinh tế xanh liên quan trực tiếp đến con người và môi trường sinh thái, qua đó đều bao hàm những vấn đề tuy trên danh nghĩa là của từng quốc gia, thuộc chủ quyền quyết định của từng quốc gia, nhưng động chạm đến lợi ích và chủ quyền của các quốc gia khác. 

Việc giải quyết bất cứ vấn đề gì với tác động, ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới, ranh giới của quốc gia đều cần đến sự can dự kịp thời và sự tham gia chủ động của đối ngoại như nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, giao thông - vận tải xanh, du lịch xanh... 

Ở đây có mối tương tác hữu cơ giữa phát triển kinh tế xanh và đối ngoại: đối ngoại phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xanh và phát triển kinh tế xanh phục vụ đắc lực cho đối ngoại.

Phát triển kinh tế xanh là bước chuyển rất cơ bản cả về định hướng phát triển kinh tế và về chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Để thành công không chỉ cần nhận thức đúng đắn, kịp thời về sự cần thiết phải phát triển kinh tế xanh, cách tiếp cận đúng đắn, thích hợp về phát triển kinh tế xanh, mà còn cần vốn đầu tư phát triển, tri thức và công nghệ cao, kinh nghiệm quốc tế và chuyển giao công nghệ, viện trợ phát triển và hợp tác phát triển song phương, đa phương. 

Đối ngoại giúp các nền kinh tế tranh thủ được những tiền đề thuận lợi từ bên ngoài, bổ sung cho những tiền đề cần thiết được gây dựng ở bên trong để có thể phát triển kinh tế xanh. Trên phương diện này, thành tựu đối ngoại sẽ giúp các nền kinh tế rút ngắn thời gian, mở rộng quy mô phát triển thành công kinh tế xanh ở quốc gia. 

Mặt khác, thông qua việc hợp tác, trợ giúp các nền kinh tế phát triển kinh tế xanh, các đối tác thu về được hiệu ứng đối ngoại đặc thù rất quan trọng là gây dựng, gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế quốc tế ở các nơi nhận sự trợ giúp và hợp tác, gia tăng sức mạnh và tập hợp được lực lượng nhằm tới cả nhiều mục tiêu chiến lược trước mắt cũng như lâu dài khác.

Thu về hiệu ứng đối ngoại đặc thù quan trọng

Nhìn từ giác độ đối ngoại, việc phát triển kinh tế xanh là một bằng chứng về hội nhập quốc tế, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế xanh giúp nền kinh tế quốc gia nhanh chóng trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thế giới, vừa dựa vào nền kinh tế thế giới để phát triển, vừa gây dựng trọng lực lớn hơn cho nền kinh tế quốc gia trong nền kinh tế thế giới. Có thể thấy được rõ điều này ở trường hợp Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Từ nhiều năm nay, Liên hợp quốc đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở các quốc gia thành viên với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể dài hạn và ngắn hạn cho mục tiêu này. 

Khi tham gia vào các chương trình, kế hoạch ấy của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên tận lợi được sự trợ giúp giá trị của Liên hợp quốc về tài chính và kỹ thuật, về tư vấn và kinh nghiệm để phát triển kinh tế xanh ở các quốc gia thành viên. 

Đồng thời, tham gia như thế cũng còn là đóng góp thiết thực của các quốc gia thành viên vào công cuộc phát triển Liên hợp quốc, nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Liên hợp quốc trên thế giới, thúc đẩy sự gắn kết trong nội bộ Liên hợp quốc, qua đó đóng góp vào việc giúp Liên hợp quốc thành công trong công cuộc thực hiện những mục tiêu lớn lao như chống biến đổi khí hậu Trái đất, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội...

Cũng từ nhiều năm nay, EU đưa ra chiến lược thực thụ về phát triển kinh tế xanh ở các nước thành viên, chính thức coi đó là một sứ mệnh lịch sử bắt buộc (vì tương lai chung của nhân loại trên Trái đất), đồng thời là một trong những động lực cho phát triển bền vững của EU; giúp EU không chỉ phát triển mạnh mẽ theo hướng trở thành mẫu mực trên thế giới về hợp tác, liên kết khu vực và châu lục, mà còn dẫn đầu cả thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao phục vụ việc phát triển kinh tế xanh.

Toàn cầu hóa càng phát triển, hội nhập quốc tế càng sâu rộng, các nền kinh tế càng cần tăng cường đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế xanh; và việc phát triển kinh tế xanh càng có thể tham gia được nhiều hơn, đóng góp thiết thực hơn cho đối ngoại. 

Nhìn ở giác độ hẹp, một khi đã xác định sứ mệnh của đối ngoại trong bối cảnh tình hình hiện tại là phục vụ đắc lực như có thể được công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đối ngoại không thể không phục vụ phát triển kinh tế xanh. 

Đồng thời, phát triển kinh tế xanh và hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế xanh là chủ đề nội dung có tính thời sự, quan trọng trong đối ngoại, giúp đối ngoại phong phú, đa dạng hơn về nội dung và thực chất, thiết thực hơn trong hiệu quả đối ngoại. 

Cho nên mức độ phát triển của kinh tế xanh cũng còn có thể được coi là một chiếc hàn thử biểu về tính thức thời và đúng đắn của đường lối, chính sách đối ngoại nói chung, hội nhập và hợp tác quốc tế nói riêng./.