ASEAN tăng cường phát triển tài chính xanh
Phạm Thị Thanh BìnhPGS, TS, Đại học Mở Hà Nội
Tạo tiền đề cho việc chuyển đổi tư duy đầu tư ở Đông Nam Á
Trong khu vực ASEAN, các dòng tài chính xanh ước đạt 40 tỷ USD/năm, quá nhỏ so với nhu cầu trung bình cần 200 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 - với tổng ước tính khoảng 3.000 tỷ USD[1], do các khoản đóng góp từ khu vực công trong tương lai được dự đoán sẽ giảm xuống 40%.
Điều này đồng nghĩa là các dòng tài chính xanh tư nhân sẽ cần phải mở rộng quy mô hơn 10 lần để đáp ứng đủ nhu cầu.
Năm 2019, Quỹ tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF) thành lập được xem là sáng kiến của Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN nhằm tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh Đông Nam Á. Quỹ ACGF cung cấp cho các chính phủ thành viên ASEAN hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận các khoản vay hơn 1 tỷ USD từ các đối tác đồng tài trợ.
Để được cấp vốn theo ACGF, các dự án phải có chủ quyền hoặc được nhà nước bảo đảm, đồng thời đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện: (i) Dự án phải có mục tiêu và chỉ tiêu môi trường rõ ràng; (ii) Có kế hoạch tài chính bền vững; (iii) Có lộ trình thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Tài chính xanh (Green Finance) là những hỗ trợ tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường; tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bằng cách tài trợ cho những dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, tài chính xanh giúp ngăn ngừa tác động của biến đổi khí hậu. |
Nhằm hỗ trợ Quỹ ACGF, 4 đối tác đã cam kết 665 triệu USD cho Quỹ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý với mục tiêu huy động 7 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp và chống chịu khí hậu ở Đông Nam Á, đẩy nhanh quá trình phục hồi khu vực sau đại dịch COVID-19.
Bốn đối tác góp vốn vào ACGF là Chính phủ Vương quốc Anh, Ngân hàng Đầu tư nhà nước Italia Cassa Depositie Prestiti (CDP); Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Nguồn vốn mới này sẽ bổ sung vào ngân sách đồng tài trợ trị giá 1,4 tỷ USD đã được cam kết cho ACGF từ năm 2019, nâng tổng số cam kết cho quỹ lên 2 tỷ USD.
Vốn của Quỹ ACGF tập trung vào các dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông đô thị bền vững, cấp nước, vệ sinh, quản lý chất thải và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài việc chuẩn bị dự án và hỗ trợ tài chính, Quỹ ACGF cung cấp các dịch vụ đào tạo kiến thức để tăng cường môi trường pháp lý và xây dựng năng lực thể chế cho ASEAN nhằm mở rộng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng xanh.
Dự báo, đến năm 2030, chỉ riêng các dự án năng lượng tái tạo giúp tăng thêm 25 tỷ USD vào GDP và tạo ra 1,7 triệu việc làm cho khu vực ASEAN[2].
Chương trình Phục hồi xanh sử dụng nguồn tài trợ của Quỹ GCF làm cơ sở huy động thêm nguồn tài trợ từ ADB, Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, các đối tác đồng tài trợ và các chính phủ.
Quỹ tín thác (quỹ đầu tư ủy thác) trị giá 134 triệu USD của ADB nhằm hỗ trợ những nỗ lực của ASEAN trong việc mở rộng quy mô tài chính xanh và chuyển sang phát triển phát thải thấp, chống chịu với biến đổi khí hậu.
Các khoản đầu tư của chương trình sẽ thúc đẩy hoạt động hỗ trợ quá trình phục hồi xanh, bằng cách tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế về tác động biến đổi khí hậu, từ đó mở đường cho việc phát triển các dự án carbon thấp trong dài hạn, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi sâu rộng về tư duy đầu tư ở Đông Nam Á.
Cơ chế của ACGF do ADB quản lý có mục tiêu thúc đẩy hơn 1,4 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh trên khắp Đông Nam Á. Sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư đến tài chính xanh tại khu vực được phản ánh qua sự tăng trưởng của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và trái phiếu xã hội GSS, đạt 24 tỷ USD năm 2021, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD năm 2020.
Chất xúc tác cho các khoản đầu tư giúp thích ứng với biến đổi khí hậu
ASEAN đang tập trung thực hiện các chiến lược, kế hoạch tận dụng tốt nguồn lực khác nhau từ cả khu vực công và khu vực tư, sử dụng các phương pháp tiếp cận tài chính xanh, sáng tạo làm xúc tác cho các khoản đầu tư cần thiết, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Thực tế, không có giải pháp duy nhất nào mang lại nguồn tài chính xanh cần thiết cho ASEAN. Các nước ASEAN đang tập trung vào một số giải pháp giúp tăng cường tài chính xanh, đầu tư xanh:
Thứ nhất, phát triển các nền tảng đầu tư xanh hỗ trợ sự hợp tác cần thiết cho nhiều đầu tư xanh. Đầu tư xanh có thể hợp nhất hệ sinh thái đa dạng của các tổ chức tài chính trong giao dịch phức tạp. Đầu tư xanh cũng có thể tập hợp một nhóm các bên liên quan, bao gồm các tổ chức thương mại, học viện và các tổ chức phi chính phủ (NGOs).
Khu vực ASEAN cần tận dụng tốt cơ hội đầu tư để bảo đảm rằng biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, tiêu dùng và sản xuất không bền vững, ô nhiễm và nhiều thách thức khác không kìm hãm được sự phát triển của khu vực năng động châu Á.
Thứ hai, đa dạng nhà đầu tư có hồ sơ trách nhiệm trung và dài hạn như các công ty bảo hiểm, lương hưu, giúp mở rộng quy mô đầu tư xanh. Các nhà đầu tư có thể cho vay trực tiếp những dự án xanh có nhu cầu đầu tư dài hạn, có thể tăng hệ thống tài chính hiệu quả bằng cách mua các tài sản xanh do ngân hàng chuyển vào thị trường vốn.
Giải pháp này có thể đạt được bằng cách chuyển đổi các tài sản như những khoản vay ngân hàng xanh thành thanh khoản, có thể giao dịch và các chứng khoán được xếp hạng, ví dụ như chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản hoặc ủy thác đầu tư.
Thứ ba, mở rộng các sáng kiến phát triển tài chính tự nguyện liên quan đến môi trường. Bằng cách thiết lập các quy định liên quan đến các sáng kiến tài chính bền vững, sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tạo cơ hội để biến đổi khí hậu được nghiên cứu, ứng phó, không làm tổn hại đến sức khỏe của con người và môi trường.
Chương trình Phục hồi xanh sẽ giúp các nước ASEAN thu hẹp khoảng cách đáng kể trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh với nhu cầu đầu tư hằng năm của khu vực ước lên tới 210 tỷ USD trước COVID-19.
Thứ tư, tài chính kỹ thuật số (Digital finance) kết nối những người sử dụng tài chính xanh nhằm giảm chi phí. Giải pháp công nghệ tài chính xanh giúp huy động các nguồn tiết kiệm trong nước để đầu tư xanh bằng cách khai thác khả năng thu nhận, xử lý thông tin với tốc độ cao hơn, chi phí thấp hơn, mức độ tin cậy tăng lên.
Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số của ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu trị giá 38 tỷ USD vào năm 2025, thậm chí, lên tới 60 tỷ USD trên toàn khu vực, đóng góp khoảng 17% tổng doanh thu của ngành dịch vụ tài chính, nếu các điều kiện nhất định được đáp ứng.
Thứ năm, phát triển phân loại tài chính bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy). Sự phát triển của phân loại tài chính bền vững ASEAN được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương khởi xướng vào tháng 3-2021; phát hành phiên bản đầu tiên của ASEAN Taxonomy tháng 11-2021, đáp ứng cả các mục tiêu quốc tế và nhu cầu cụ thể của ASEAN.
Phân loại tài chính bền vững giúp các nhà tài chính và nhà đầu tư hiểu được tác động bền vững của dự án hoạt động kinh tế. Cách tiếp cận theo cấp độ phân loại tài chính bền vững là cách tính đến các hoàn cảnh khác nhau của quốc gia và cho phép các thành viên ASEAN có nhiều lựa chọn để mở rộng quy mô theo mức độ phù hợp.
Như vậy, các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Tài chính xanh là cần thiết để ASEAN đạt được thành công trong mục tiêu khử carbon và phát triển bền vững./.
[1] OECD-ADB-ASEAN-Roundtable-agenda.pdf
[2] Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforAll -Sustainable Enery for All).