21/11/2024 | 16:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thỏa thuận xanh châu Âu và thương mại toàn cầu

Tường Linh
Thỏa thuận xanh châu Âu và thương mại toàn cầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trình bày về Thỏa thuận xanh châu Âu trong buổi họp báo tại Brussels, Bỉ, ngày 1-2-2023_Ảnh: Reuters
Là gói chính sách định hình chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) hướng EU tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. Tuy nhiên, EGD đang gây nhiều tranh cãi bởi những quy định có thể tác động nhiều mặt tới thương mại toàn cầu.

Mục tiêu “xanh hóa” nền kinh tế

Được thông qua ngày 15-1-2020, EGD hướng đến tham vọng một môi trường không ô nhiễm, năng lượng sạch và an toàn với giá thành phù hợp, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ đa dạng sinh học, nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững, hệ thống sản xuất thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả và có trách nhiệm với các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên...

Để hiện thực hóa EGD, hàng loạt chiến lược, kế hoạch đã được đưa ra. Trước hết là Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới bằng cách áp thuế carbon với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. 

Tiếp đó là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 với mục tiêu thúc đẩy các nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm không ảnh hưởng đến nạn phá rừng. Còn Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn đặt mục tiêu làm cho thực phẩm trở nên thân thiện với môi trường, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng vào năm 2030. 

Cuối cùng là Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn nhằm tái chế, tái sử dụng các vật liệu và sản phẩm càng lâu càng càng tốt, giảm chất thải đến mức tối thiểu.

Theo ước tính, châu Âu sẽ phải chi 2% tổng GDP của châu lục để “xanh hóa” nền kinh tế, bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng mới, mua sắm công, tái cơ cầu nền công nghiệp... Ủy ban châu Âu ước tính phải huy động trong 10 năm tới khoảng 1.000 tỷ euro giúp các nước thành viên EU chuyển đổi xanh và không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. 

Số tiền này sẽ được lấy từ Kế hoạch phục hồi, ngân sách EU cũng như các khoản tài trợ từ các nhà đầu tư công và tư nhân. Trong giai đoạn tiếp theo, số tiền cần huy động sẽ lên tới 1.500 euro nếu như EU muốn đạt được mục tiêu cuối cùng là cắt giảm 55% lượng khí thải của khu vực so với mức của năm 1990 vào năm 2030.

Với tính chất là gói chính sách nội bộ của EU, EGD về lý thuyết chỉ áp dụng cho các chủ thể EU và các đối tượng (hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) trên thị trường EU. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính sách của thỏa thuận này tác động đến các chủ thể kinh tế ngoài EU nhưng có liên quan tới các hoạt động kinh tế của EU. 

Chẳng hạn, các nhà nhập khẩu EU và tương ứng với đó là các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài các sản phẩm liên quan sẽ là đối tượng phải tuân thủ các chính sách của EGD. Chính vì thế, EGD được cho là sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ từ tất cả các nơi trên thế giới vào EU, khu vực có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Mỹ.

Chiến lược khí hậu hay tham vọng “đế chế”?

Như vậy, phạm vi ảnh hưởng của EGD sẽ bao trùm toàn cầu và đây chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi, thậm chí là chỉ trích. Có 2 công cụ chính trong EGD đang gây lo ngại cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. 

Đó là Quy định chống phá rừng (EUDR) và Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). EUDR yêu cầu tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu của EU phải được truy xuất nguồn gốc là “không phá rừng”, trước mắt áp dụng với các mặt hàng như dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, cà phê... 

Còn CBAM quy định áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon hoặc có giá carbon thấp hơn Hệ thống thương mại khí thải của EU. Trước mắt, CBAM sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro vốn là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu.

Với các quy định này, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải mua giấy chứng nhận, khai báo nguồn gốc “không phá rừng” và lượng khí thải có trong các sản phẩm nhập khẩu. Đây là những điểm gặp phải sự chỉ trích của nhiều thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Nhiều nước cho rằng EU xây dựng CBAM như là một biện pháp thương mại đơn phương, mà chưa tính đến nguyên tắc công bằng và trách nhiệm chung “dù có phân biệt” trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Họ cũng chất vấn về tính phù hợp của CBAM với các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN), đối xử quốc gia (NT), các điều khoản về thuế quan, phi thuế quan trong Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch của WTO. 

Quan trọng hơn, người ta lo ngại khi đi vào thực hiện, CBAM sẽ tạo ra rào cản thương mại lớn với xuất khẩu từ các nước thứ ba vào EU, thông qua gia tăng phí tổn trực tiếp (phí mua tín chỉ) và gián tiếp (thủ tục hành chính phức tạp theo quy định của CBAM).

Để chứng minh cho lập luận của mình, các nước phản đối đã đưa ra bằng chứng và các con số thống kê cho thấy CBAM có thể tạo ra những bất công ngay giữa các nước thành viên EU và giữa EU với các nước đang phát triển ở Nam bán cầu. 

Trong EU, không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế lớn nhất liên minh là những nhà sản xuất chính các sản phẩm sắt và thép, nhôm và phân bón. Về cường độ phát thải, họ hoạt động tốt hơn các quốc gia Đông Âu thuộc EU. 

Phụ phí phát thải (ETS) tăng mạnh có thể thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất từ các quốc gia gây ô nhiễm tương đối cao như Romania, Slovakia, Ba Lan và Séc sang các nền kinh tế xanh hơn. Điều này rất có thể sẽ có lợi cho các nền kinh tế lớn nhất của EU và nếu không có một số cơ chế bù đắp thích hợp, có thể làm trầm trọng thêm sự phân cực trong EU.

Với các nước đang phát triển, theo ước tính, CBAM có thể gây tổn thất hằng năm là 9 tỷ USD, trong khi lại mang lợi hằng năm tới 11 tỷ USD cho các nước phát triển vào năm 2030. 

Ở mức độ tác động cao hơn, ước tính tổng chuyển giao phúc lợi ròng từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển qua cơ chế CBAM sẽ ở mức 20 tỷ USD vào năm 2030, như vậy gần như vô hiệu hóa khoản tài trợ khí hậu trị giá 25 tỷ USD mà EU cam kết hồi năm 2021 dành cho các nước đang phát triển. 

1/3 số công nhân làm việc trong ngành nông nghiệp ở hầu hết các nước đang phát triển cho rằng họ không thu được lợi ích đáng kể từ việc giao dịch với EU khi buộc phải tuân thủ các quy tắc có trong EGD, không chỉ khó thực hiện mà còn đe dọa đến sinh kế của họ.

Bằng cách xây dựng các liên minh khí hậu có tham vọng cao về đầu tư, ưu tiên theo ngành và công nghệ phi carbon hóa, EU đang hướng tới mục tiêu dẫn đầu thế giới về kinh tế tuần hoàn và công nghệ sạch, trở thành “đế chế” khí hậu. 

Từ đó, thông qua việc áp các điều khoản về môi trường vào chương thương mại và phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại, EU sẽ trở nên cạnh tranh hơn, chiếm ưu thế trong cuộc đua toàn cầu với các khu vực khác trên thế giới. 

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến những tác động có hại về mặt môi trường và xã hội đối với Nam bán cầu và làm trầm trọng thêm, thay vì xóa bỏ bất bình đẳng và nghèo đói, ở khu vực này.

Điều cấp thiết là EU cần chia sẻ công nghệ và khuôn khổ kinh tế của thế giới phi carbon cho các nước đang phát triển, để quá trình chuyển đổi xanh không trở thành cuộc đua loại trừ Nam bán cầu. 

EU cũng cần thực hiện đúng những cam kết cung cấp tài chính cho Quỹ thiệt hại và mất mát nhằm bồi thường thiệt hại cho các nước phải gánh chịu hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, có nguyên nhân từ phát thải trong quá trình công nghiệp hóa của các nước giàu./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện