21/11/2024 | 14:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Báo chí và vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Trần Văn Thư
TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Báo chí và vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xanh Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23-9-2023_Ảnh: vntravel.org.vn
Kinh tế xanh đang là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Mặc dù Việt Nam đang dần nhận thức được về tầm quan trọng của kinh tế xanh, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần đối mặt để thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển. Để vượt qua những thách thức này, báo chí có vai trò không nhỏ.

Nhận thức: Rào cản lớn đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Bối cảnh mới khiến kinh tế xanh trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. 

Ở Việt Nam, quan điểm về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã sớm được đề cập trong các văn kiện của Đảng, trước hết là quan điểm về phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Mặc dù phát triển kinh tế xanh đạt được một số tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh còn hạn chế. 

Do đó, quá trình phát triển kinh tế xanh còn thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện và gặp phải những rào cản về nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học và công nghệ. 

Mặc dù người dân Việt Nam ngày càng nhận ra tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và sự cần thiết của việc phát triển kinh tế một cách bền vững để bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường sống, nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ bản chất của kinh tế xanh và cách thức thực hiện nó trong cuộc sống hằng ngày.

Việc tuyên truyền trong toàn xã hội để có nhận thức về sự cần thiết của phát triển kinh tế xanh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững còn nhiều bất cập. 

Người dân chưa thực sự cảm nhận được mức độ tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người mà các hoạt động kinh tế truyền thống, như sản xuất công nghiệp, giao thông và năng lượng có thể gây ra. 

Nếu công tác truyền thông để người dân hiểu biết rõ hơn về vấn đề này thì sẽ hạn chế được các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. 

Sự hạn chế trong nhận thức về kinh tế xanh trong xã hội còn thể hiện ở việc các cơ chế, chính sách khuyến khích từ phía Chính phủ và các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế và hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số nhóm cộng đồng và cá nhân tự phát tham gia các hoạt động kinh tế xanh, từ việc tái chế chất thải, sử dụng năng lượng sạch đến hỗ trợ các doanh nghiệp và những sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường. Tuy nhiên, những phong trào này chưa được tuyên truyền để tạo lan tỏa trong toàn xã hội.

Báo chí với việc nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng

Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học, nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. 

Đây là lực lượng hùng hậu và quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời còn tham gia phản biện xã hội, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề đang đặt ra trong xã hội.

Đối với việc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế xanh, vai trò của báo chí thể hiện trên các khía cạnh sau:

- Cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, từ các chính sách, dự án tiên tiến đến những công nghệ mới. Thông qua việc giáo dục cộng đồng, báo chí giúp tạo ra sự nhận thức và hiểu biết sâu hơn về ý nghĩa và lợi ích của việc thúc đẩy kinh tế xanh.

- Tạo sức ép để các cơ quan quản lý và các tổ chức có hành động trách nhiệm và thúc đẩy các biện pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, báo chí còn có vai trò trong việc giám sát quá trình thực hiện và đánh giá hiệu quả của các chính sách và dự án liên quan.

- Truyền cảm hứng và tạo môi trường đồng thuận. Báo chí cung cấp các bài viết, báo cáo và phóng sự về các thành công và những hành động tích cực trong lĩnh vực kinh tế xanh, từ đó truyền cảm hứng và tạo động lực cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia hoạt động này. 

Đồng thời, báo chí có thể giúp tạo ra một cộng đồng kinh tế xanh thông qua việc kết nối các nhà hoạt động, chuyên gia và nhà quản lý thông qua các diễn đàn, sự kiện và trao đổi thông tin.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế xanh, từ việc phát hiện những hành vi gây ô nhiễm môi trường đến việc tôn vinh các hành động có ý nghĩa và bền vững trong bảo vệ môi trường.

Để đóng góp thiết thực hơn cho phát triển kinh tế xanh

Phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế tất yếu hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai. Với vai trò của mình, báo chí cần có những đóng góp thiết thực nhất, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. 

Để làm tốt vai trò của mình, hoạt động báo chí cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng công tác đào tạo và nâng cao năng lực. Cung cấp các khóa đào tạo và huấn luyện cho các nhà báo về kỹ năng phát triển và phổ biến thông tin về kinh tế xanh, bao gồm việc hiểu biết về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững, cũng như kỹ năng nắm bắt thông tin và giao tiếp hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng mạng lưới liên kết. Khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí, Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài nguyên trong việc tuyên truyền về kinh tế xanh.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nội dung và tính hấp dẫn, gần gũi bạn đọc của sản phẩm báo chí. Báo chí cần tạo ra các bài viết, phóng sự và chương trình có chất lượng cao, mang tính giáo dục và tạo động lực. 

Việc sử dụng câu chuyện, ví dụ cụ thể và dữ liệu số cũng giúp làm tăng tính hấp dẫn và minh bạch của thông tin. Đồng thời, tạo cơ hội cho độc giả hoặc người xem để chia sẻ ý kiến, góp ý và thảo luận về các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và giao diện trực tuyến khác.

Thứ tư, tạo ra tiêu đề và nội dung dễ tiếp cận. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, trực quan và không kỹ thuật hóa quá mức để giúp đối tượng đọc rộng rãi hiểu và tương tác với thông tin một cách dễ dàng.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ. Sử dụng công nghệ số và các nền tảng truyền thông mới để phổ biến thông tin về kinh tế xanh một cách hiệu quả và rộng rãi hơn, bao gồm việc tạo ra các ứng dụng di động, trang web và podcast.

Thứ sáu, có cơ chế đánh giá để điều chỉnh. Thiết lập các tiêu chí và chỉ số để đo lường hiệu quả của các giải pháp truyền thông về kinh tế xanh và thực hiện đánh giá định kỳ để điều chỉnh và cải thiện trong tương lai./.