15/01/2025 | 19:44 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc đan xen cạnh tranh và hợp tác

Lê Minh Quang
Tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc đan xen cạnh tranh và hợp tác Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc_Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong quan hệ quốc tế đương đại hiện nay, tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc được đánh giá có tầm ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến cục diện và sự phát triển của thế giới. Những diễn tiến các cặp quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc, Trung Quốc - Nga trong năm 2024 tiếp tục phức tạp, đan xen cả cạnh tranh và hợp tác.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga đứng trước “nguy cơ leo thang thành Chiến tranh thế giới thứ ba”

Cuộc xung đột Nga - Ukraina nổ ra vào tháng 2-2022 dường như đã trở thành cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ cùng các nước phương Tây với nòng cốt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm mục tiêu: 1- Làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga; 2- “Phương Tây hóa Ukraina”, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; 3- Củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; 4- Tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina leo thang để khiến các nước châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng. 

Bằng cách đó, Mỹ sẽ trở lại vị thế chi phối và vai trò lãnh đạo thế giới đơn cực đã hình thành kể từ sau Chiến tranh lạnh, ngăn chặn, đối phó với thách thức gia tăng từ những đối thủ chiến lược và các thách thức an ninh khác; khôi phục và củng cố hệ thống đồng minh, đối tác; định hình trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị chung.

Tuy nhiên, diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraina trong năm 2024 cho thấy, nền kinh tế Nga gặp khó khăn chồng chất, nhưng không sụp đổ, tiếp tục phát triển ổn định và vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Tình hình chính trị nội bộ của Nga ổn định. Về đối ngoại, Nga vẫn phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng ở khu vực Đông và Nam Bán cầu. 

Tuyên bố chung Kazan của Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra vào tháng 10-2024, do Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên với phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển công bằng và an ninh toàn cầu”, thể hiện rõ những nỗ lực của BRICS nói chung và Nga nói riêng nhằm tạo dựng một trật tự thế giới đa cực.

Tháng 11-2024 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraina, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer lần đầu tiên quyết định cho phép Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ và Anh cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga. 

Quyết định được đưa ra khi Nga, với sự hỗ trợ của quân đội bên thứ ba, chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào lực lượng Ukraina với hy vọng giành lại lãnh thổ ở tỉnh Kursk mà Ukraina đã chiếm được vào tháng 8-2024.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump coi hành động của Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga là hành động “không thể chấp nhận”, bởi có thể dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ ba. 

Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Nga ngày càng xấu đi, thậm chí nhiều chuyên gia gọi đây là phiên bản Chiến tranh lạnh 2.0. Cả hai bên vẫn đều xem nhau là đối thủ và tìm cách làm suy yếu lẫn nhau. Nga không chấp nhận mô hình, chuẩn mực Mỹ; muốn thay đổi trật tự do Mỹ nắm giữ. Còn Mỹ vẫn coi Nga là mối đe dọa hiện hữu, không thay đổi chính sách đối đầu Nga.

Cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong bối cảnh 2 nước gần như cắt đứt các kênh tiếp xúc cấp cao, tháng 11-2023, cuộc gặp giữa Tổng thống J. Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco, bang California (Mỹ) đã mở ra hy vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung Quốc. 

Lãnh đạo 2 nước nhất trí cho rằng Mỹ và Trung Quốc duy trì đối thoại là điều quan trọng với cả hai bên. Tuy nhiên, diễn biến tình hình giữa 2 nước trong năm 2024 chứng tỏ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng.

Tháng 4-2024, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra một số quan ngại về Trung Quốc. Thứ nhất, tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu tràn ngập các mặt hàng giá rẻ, đe dọa đến sự sinh tồn của các doanh nghiệp Mỹ. 

Thứ hai, doanh nghiệp Trung Quốc có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu ủng hộ vật chất cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina và đóng vai trò như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế cho Nga trong bối cảnh Nga phải hứng chịu các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây. 

Mặc dù Trung Quốc khẳng định hợp tác kinh tế giữa nước này và Nga chỉ nhằm đáp ứng lợi ích của hai bên, không nhằm chống lại nước thứ ba, song Mỹ đã áp đặt cấm vận và hạn chế đối với một số doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ coi là vi phạm lệnh cấm vận Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc quan ngại về chính sách của Tổng thống J. Biden khi mở rộng ảnh hưởng của NATO sang châu Á. Nếu NATO ở châu Âu là nhằm kiềm chế Nga thì “NATO châu Á” là nhằm kiềm chế Trung Quốc. 

Ngày 11-4-2024, Tổng thống J. Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Nhà Trắng, chính thức thiết lập liên minh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines. Tổng thống J. Biden đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đã trì hoãn hội nghị này.

Có thể thấy, trong tam giác Mỹ - Nga - Trung Quốc năm 2024, quan hệ Mỹ - Trung Quốc tuy vẫn duy trì sự hợp tác nhưng yếu tố cạnh tranh ngày càng gay gắt và mang tính hệ thống. Quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng hơn cả quan hệ Mỹ - Liên Xô trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột trực tiếp giữa Nga với NATO. Quan hệ Nga - Trung Quốc đã đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn. Và theo giới chuyên gia, trong tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhân tố quyết định trật tự quan hệ quốc tế hơn là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ tới mức 60% thay vì mức 10% như trong nhiệm kỳ đầu của ông (2017 - 2021).

Để ngăn chặn cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc leo thang, ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 7-11-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng và nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ đều phát triển khi cùng hợp tác và sẽ thất bại nếu đối đầu. 

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc và Mỹ nên tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”. Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 300% lên hàng nhập khẩu vào Mỹ của Trung Quốc nếu Trung Quốc tiến vào vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt và một làn sóng kiềm chế mới đối với Trung Quốc.

Quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Nga - Trung Quốc

Quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Nga - Trung Quốc trong năm 2024 nhằm hiện thực hóa những nguyên tắc cơ bản trong Tuyên bố chung giữa 2 nước về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới và phát triển bền vững toàn cầu được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống V. Putin ngày 4-2-2022. Tháng 5-2024, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống V. Putin, lãnh đạo 2 nước khẳng định quan hệ song phương đang phát triển ổn định và tốt đẹp.

Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2024, kim ngạch thương mại song phương Nga - Trung Quốc đạt 240 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. 

Hai bên đã thành công trong việc tạo dựng cơ chế thanh toán thuận lợi giữa các chủ thể kinh tế mà không phụ thuộc vào hệ thống Hiệp hội viễn thông liên Ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT) do Mỹ kiểm soát; bảo đảm việc vận chuyển năng lượng không bị cản trở; đẩy mạnh phát triển sự liên kết giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc; mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nông sản của các bên.

Trong lĩnh vực chính trị, Nga và Trung Quốc tiếp tục phối hợp nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia; không phân biệt chế độ chính trị và mô hình phát triển; lên án các âm mưu chiếm đoạt tài sản của Nga ở nước ngoài; phản đối các biện pháp chính trị hóa thể thao và phân biệt đối xử với các vận động viên. Nga hoan nghênh sáng kiến của Trung Quốc trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraina thông qua đối thoại.

Trong lĩnh vực quân sự, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác quân sự, trong đó tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung; hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa; coi chiến lược của Mỹ và NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gây bất ổn tình hình an ninh khu vực và toàn cầu; lên án hành động của một số quốc gia kích động đối đầu vũ trang trong quan hệ quốc tế; phản đối các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; phản đối sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào vấn đề hóa giải tình hình bất ổn ở Biển Đông; hợp tác chống khủng bố quốc tế. Hai bên cùng hợp tác để xây dựng hệ thống an ninh bình đẳng, cởi mở, bao trùm, không nhằm chống bên thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện