Trung Đông: Con đường tới hòa bình đi vào ngõ cụt?
Lê Xuân ThuậnVụ Trung Đông - châu Phi - Mỹ Latin, Ban Đối ngoại Trung ương
Sự co kéo lực lượng tới từ các nước lớn, khác biệt về lợi ích giữa các cường quốc khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, thu hẹp con đường đi tới hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Xung đột, đối đầu, chia rẽ bao trùm khu vực
Nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế đánh giá tình hình an ninh, ổn định tại khu vực Trung Đông trong năm 2024 rơi vào một trong những giai đoạn mong manh nhất, tiềm ẩn nguy cơ cao về một cuộc xung đột khu vực toàn diện, thể hiện qua 3 điểm chính sau:
Thứ nhất, xung đột quân sự giữa Israel với lực lượng Hamas tại Palestine, lực lượng Hezbollah tại Lebanon và lực lượng Houthi tại Yemen tiếp tục leo thang, kéo dài sang năm thứ 2, mở rộng và gia tăng cường độ trên các mặt trận ở Dải Gaza, khu vực Bờ Tây và phía Nam Lebanon với những hệ lụy nhân đạo nghiêm trọng.
Trên thực địa, với tiềm lực quân sự mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ Mỹ cùng một số nước phương Tây, Israel nhanh chóng kiểm soát và duy trì ưu thế trên chiến trường, quản lý chặt chẽ Dải Gaza và những khu vực chiếm đóng.
Không chỉ liên tục mở rộng các chiến dịch quân sự quy mô lớn truy quét và tiêu diệt lực lượng Hamas cùng đồng minh tại Dải Gaza và khu vực Bờ Tây, Israel còn phát động chiến dịch mới tại khu vực phía Nam Lebanon nhằm phá hủy các căn cứ của lực lượng Hezbollah tại đây, đồng thời thực hiện nhiều chiến dịch truy sát lãnh đạo cấp cao giữ những vị trí quan trọng của các lực lượng này.
Trong khi đó, mặc dù chịu tổn thất nặng nề, song lực lượng Hamas, Hezbollah và đồng minh vẫn vừa tiếp tục duy trì các cuộc không kích chống lại Israel, vừa nỗ lực bảo toàn lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao nhằm lên án Israel.
Kể từ khi cuộc xung đột bùng phát vào tháng 10-2023 đến nay, chiến sự leo thang đã khiến hơn 50.000 người thiệt mạng. Ngày 20-11-2024, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Dải Gaza, Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết, hầu hết 2,3 triệu người dân tại Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa và cần có sự gia tăng viện trợ rất lớn.
Thứ hai, Iran và Israel lần đầu tiên thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau, tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện tại khu vực. Xung đột mở rộng giữa Israel và các lực lượng thuộc “trục kháng chiến” thân Iran tại Trung Đông khiến quan hệ thù địch giữa Iran và Israel leo thang nghiêm trọng.
Sau khi cáo buộc Israel thực hiện cuộc không kích vào Đại sứ quán Iran tại Syria ngày 1-4-2024 khiến một số tướng lĩnh cấp cao của quân đội thiệt mạng, Iran lần đầu tiên phát động cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel vào ngày 13-4-2024, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh khu vực.
Tiếp đó, ngày 1-10-2024, Iran thực hiện cuộc tấn công trực tiếp lần thứ 2 tới Israel nhằm đáp trả việc Israel đưa quân vào miền Nam Lebanon từ giữa tháng 9-2024. Đáp trả, ngày 26-10-2024, Israel lần đầu tiên phát động cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran khi tập kích các mục tiêu tại Iran bằng máy bay quân sự.
Căng thẳng leo thang với những tuyên bố mạnh mẽ đến từ cả hai bên về các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau đã đẩy khu vực vào tình trạng mất an ninh nghiêm trọng. Một cuộc chiến trực tiếp nếu xảy ra giữa Iran và Israel sẽ khiến khu vực lún sâu vào khủng hoảng và vòng xoáy bạo lực.
Thứ ba, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước khu vực đối mặt với nhiều thách thức, xoay quanh sự phản đối của các nước với các chiến dịch quân sự do Israel thực hiện.
Nhiều quốc gia, tổ chức khu vực, như Ai Cập, Jordan, Bahrain, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên đoàn Arab (AL) mạnh mẽ lên tiếng phản đối các chiến dịch tấn công của Israel tại Dải Gaza, khu vực Bờ Tây hay miền Nam Lebanon và cho rằng các hành động gây hấn của Israel là nguyên nhân leo thang tình trạng bất ổn tại khu vực.
Iran thậm chí còn đẩy mạnh kêu gọi các nước Arab khu vực đoàn kết, thành lập mặt trận cô lập Israel. Không chỉ khẳng định sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel cho đến khi một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền được thành lập, Saudi Arabia tích cực thúc đẩy thành lập Liên minh Toàn cầu thực thi giải pháp 2 Nhà nước (GAITTS) nhằm gia tăng sự ủng hộ quốc tế thúc đẩy thành lập Nhà nước Palestine.
Đàm phán hòa bình Israel - Palestine ngày càng bế tắc sau khi Quốc hội Israel thông qua luật không chấp nhận thành lập 1 Nhà nước Palestine vào tháng 7-2024. Phong trào bài Do Thái, phản đối chiến dịch quân sự và sáp nhập các khu vực chiếm đóng do Israel thực hiện của nhân dân các nước Hồi giáo, Arab tiếp tục gia tăng. Biểu tình xuất hiện với quy mô lớn tại ngay cả các nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel, như Jordan, Bahrain hay Morocco.
Le lói một số điểm sáng
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình an ninh bất ổn, trong năm qua, khu vực Trung Đông vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực.
Một là, kinh tế khu vực tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là tại các quốc gia Vùng Vịnh. Theo báo cáo cập nhật tăng trưởng kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tháng 10-2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) thực tế của khu vực trong năm 2024 đạt khoảng 2,4%.
Tháng 9-2024, Quỹ Tiền tệ Arab (AMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2024 của các nước Arab khu vực đạt 2,8% và các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ đạt 3,7%. Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nước Vùng Vịnh là những quốc gia đi đầu đóng góp cho tăng trưởng chung của cả khu vực trong năm 2024.
Xu hướng đa dạng hóa kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, công nghiệp năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, xe điện được đẩy mạnh, nhất là tại Saudi Arabia và UAE. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được tăng cường. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khởi động và thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, như Trung Quốc, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự gia tăng trao đổi thương mại - đầu tư tại Trung Đông.
Hai là, xu thế ủng hộ, theo đuổi hòa bình, mở rộng hợp tác quốc tế tiếp tục được thúc đẩy. Dù đối mặt với nhiều thách thức về an ninh cũng như sự lôi kéo, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các quốc gia khu vực vẫn ưu tiên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, mở rộng hợp tác quốc tế với tất cả các nước, các khu vực.
Một số quốc gia, như Iran, Saudi Arabia, UAE tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các diễn đàn do các nước lớn dẫn dắt, như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tiến trình bình thường hóa quan hệ, cải thiện quan hệ giữa Iran và các nước khu vực có nhiều bước tiến mới. Không chỉ mở rộng hợp tác toàn diện với Saudi Arabia và tăng cường quan hệ với các quốc gia Vùng Vịnh khác, Iran còn đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Ai Cập và Bahrain. Tháng 10-2024, Ngoại trưởng Iran lần đầu tiên thăm Ai Cập sau gần 12 năm, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của chính quyền mới tại Iran trong bình thường hóa quan hệ với Ai Cập.
Triển vọng nhiều bất trắc
Với những diễn biến bất ổn trong năm 2024, nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế dự báo tình hình Trung Đông trong năm 2025 sẽ có nhiều diễn biến mới, nhất là xoay quanh các điểm nóng chiến sự và quan hệ giữa các nước có ảnh hưởng tại khu vực, như Israel, Saudi Arabia và Iran.
Việc chính quyền tổng thống đương nhiệm bị lật đổ tại Syria trong tháng cuối cùng của năm 2024 khiến tình hình Trung Đông càng trở nên phức tạp, khó đoán định. Chính sách đối với khu vực Trung Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ có tác động lớn, thậm chí mang tính quyết định tới nhiều vấn đề của khu vực. Các nước lớn khác, như Nga, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác, can dự vào khu vực để duy trì ảnh hưởng, vai trò, bảo vệ lợi ích tại khu vực.
Vị thế, vai trò của Trung Đông trong cục diện an ninh - chính trị quốc tế sẽ tiếp tục được coi trọng và nâng cao. Vấn đề hạt nhân Iran và những thách thức an ninh phi truyền thống sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nước trong và ngoài khu vực.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn, bình thường hóa quan hệ sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Mặc dù còn đối mặt với nhiều hoài nghi và thách thức trong triển khai, song thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày đạt được giữa Israel và lực lượng Hezbollah cũng tạo ra động lực, mở ra hy vọng mới cho các bên để sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại Dải Gaza, thúc đẩy không khí hòa bình, hợp tác trong bối cảnh khu vực còn tiềm ẩn nhiều bất ổn./.