23/01/2025 | 05:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Liên minh châu Âu - một năm nhiều sóng gió

Hiền Anh
Liên minh châu Âu - một năm nhiều sóng gió Tân Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies (trái) cùng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Thủ tướng Olaf Scholz tại phiên họp Quốc hội ở Berlin, ngày 7-11-2024_Ảnh: Reuters/TTXVN
Năm 2024 được xem là năm đầy thử thách và khó khăn đối với cả “lục địa già” nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng. Đó là hậu quả của sự đan xen giữa các yếu tố kinh tế trì trệ, lạm phát gia tăng, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn, những biến động trên chính trường tại các quốc gia “đầu tàu” của EU và cuộc xung đột Nga - Ukraina leo thang chưa có hồi kết. Các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa tìm được phương hướng để dẫn dắt, khẳng định EU tiếp tục là một “cực” kinh tế và quyền lực của thế giới.

Kinh tế khó khăn, chính trường nhiều bất ổn

Nền kinh tế của EU đang đối mặt với giai đoạn khó khăn chưa từng có. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đi kèm với chỉ số lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập niên qua. Theo Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế EU dự kiến chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2024 và 1,3% vào năm 2025. 

Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hai nền kinh tế trụ cột của EU là Đức và Pháp “lao đao” cùng những bất ổn trên chính trường đã và đang tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng chung của Khối.

Tháng 11-2024, nước Đức chứng kiến sự rung chuyển trên chính trường khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ do tranh cãi về vấn đề ngân sách, dẫn đến các cuộc bầu cử sớm ở nước này vào tháng 2-2025. 

Chính phủ mới của Đức có thể nhậm chức vào giữa năm 2025, song từ nay đến khi đó, Chính phủ Đức đương thời được cho là sẽ gặp một số hạn chế trong việc đưa ra những chính sách quan trọng. 

Về kinh tế, Đức bước vào năm thứ hai suy thoái liên tiếp. Ngành công nghiệp ô tô vốn là niềm tự hào của quốc gia này đang lao dốc do cạnh tranh từ bên ngoài. Trong những tháng gần đây, hãng ô tô nổi tiếng thế giới Volkswagen của Đức đã phải lên kế hoạch đóng cửa nhiều nhà máy, cắt giảm hàng chục nghìn nhân công. 

Trong khi đó, cuối năm 2024, tại Pháp, Thủ tướng Michel Barnier từ chức sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua, một Chính phủ Pháp sụp đổ theo cách này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron buộc phải bổ nhiệm ông Francois Bayrou - một chính trị gia trung dung kỳ cựu - làm thủ tướng mới, mà không có sự ủng hộ của đa số cơ quan lập pháp. 

Pháp cũng đang gánh khoản nợ công lên tới 3.200 tỷ euro do thực hiện các biện pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19 cùng những khoản viện trợ lớn cho Ukraina. Dự báo, kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2024 và 0,9% trong năm 2025.

“Điểm nóng” an ninh ở châu Âu là cuộc xung đột Nga - Ukraina bước sang năm thứ 3 liên tiếp và vẫn đang leo thang, gây ra những quan ngại trong một bộ phận lớn người dân châu Âu về tình hình an ninh khu vực. 

Một khảo sát của Eurobarometer cho thấy, hơn 75% số người dân châu Âu ủng hộ việc EU cần có chính sách quốc phòng và an ninh chung, đồng thời tăng cường quân sự trong Khối. Trên thực tế, ý tưởng này không mới, mà đã được EU đưa ra từ cách đây một vài năm, khi 2 quốc gia “đầu tàu” (Đức, Pháp) phát triển ổn định và sự đoàn kết nội Khối cao. 

Điều đó đồng nghĩa với việc EU cần dành khoảng 500 tỷ euro để đối phó với các mối đe dọa bên ngoài, khiến từng quốc gia thành viên đều phải tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của EU phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay, chưa kể đến việc gia tăng ngân sách quốc phòng, chỉ tính đến khoản viện trợ dành cho Ukraina cũng đủ để gây ra bất đồng giữa một số quốc gia thành viên EU.

Sức ép từ nhiều phía

Giá năng lượng tăng cao là một trong những yếu tố tác động mạnh đến giá cả các mặt hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân EU, nhất là những người dân có thu nhập thấp. Các cuộc đình công liên tiếp nổ ra trong nhiều ngành, nghề. Nông dân đình công vì Thỏa thuận Xanh về biến đổi khí hậu đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng lại không có biện pháp hỗ trợ cụ thể, trong khi công nhân lái tàu đình công bởi mức lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. 

Cảm giác bất an về kinh tế cùng những chính sách có phần không được lòng người dân đang đẩy cử tri EU tìm đến phía đối lập, dọn đường cho các đảng cực hữu lên ngôi tại nhiều nước châu Âu. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong chính sách của EU khi điều này có thể thúc đẩy chương trình nghị sự đi ngược lại với những giá trị chung trước đó, giảm bớt sự hội nhập của EU đưa ra các biện pháp bảo hộ kinh tế và tăng cường quyền lực của từng quốc gia riêng lẻ, làm suy yếu giá trị và sự đoàn kết của EU với tư cách là một liên minh.

Các đảng phái cực hữu trỗi dậy cũng làm gia tăng sự phân cực trong việc triển khai và đưa ra những chính sách quan trọng, không chỉ đối với Thỏa thuận Xanh mà còn cả với chính sách nhập cư, an ninh, quốc phòng. Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người luôn hoài nghi về vai trò của EC - đã mở rộng chương trình đơn giản hóa thị thực và kiểm tra an ninh đối với những người lao động đến từ Nga. Về cơ bản, điều này cho phép công dân Nga được tự do đi lại trong khu vực Schengen.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trên lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị và công nghệ, cùng mối quan ngại có thể bị Mỹ “cắt ô an ninh” khi Tổng thống đắc cử  Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu các nước thành viên EU không đáp ứng cam kết của NATO về chi tiêu quốc phòng, khiến EU cùng lúc phải ứng phó với áp lực đến từ nhiều phía.

Mối lo lắng lớn nhất của châu Âu hiện nay là cuộc xung đột ở Ukraina, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai  tại Nhà Trắng, có thể sẽ đưa ra những thỏa thuận bất lợi đối với châu Âu. EU vốn đã chia rẽ về cách tiếp cận trong cuộc xung đột tại Ukraina, nay khủng hoảng lãnh đạo tại Pháp và Đức càng khiến EU khó đạt được sự thống nhất, dẫn đến nguy cơ suy giảm vị thế toàn cầu trên trường quốc tế.

Năm 2025 có những chuyển dịch?

Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp nếu không được giải quyết triệt để có thể gây ra hiệu ứng lan rộng, làm bùng phát biểu tình và xung đột ở các quốc gia khác trong EU, cũng như suy giảm vị thế toàn cầu của EU.

Quyền lực ở một số quốc gia thành viên trụ cột của EU được dự báo có thể sẽ dịch chuyển sang các quốc gia có tốc độ tăng trưởng khả quan và ổn định hơn, như Hà Lan, Tây Ban Nha. Trên thực tế, Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực đồng euro - hiện nằm trong số ít nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tây Ban Nha với mức tăng 2,9% trong năm 2024 và 2,1% trong năm 2025, vượt xa mức 0,8% của Đức.

Một vấn đề nữa đó là một số quốc gia EU đang xích lại gần nhau để cân bằng với vai trò “đầu tàu” truyền thống của Đức và Pháp trong EU, định vị mình là những nhân tố chủ chốt trong an ninh châu Âu, ủng hộ cơ cấu lãnh đạo đa dạng hơn và hành động mạnh mẽ hơn của EU đối với các vấn đề địa - chính trị. 

Sự chia rẽ trong chính sách ngân sách và quốc phòng giữa các nước thành viên EU, những tranh luận về việc ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng “nghĩa vụ NATO” hoặc tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra đã làm lộ rõ sự bất đồng giữa các nước EU, nhất là tại Đức và Pháp.

Bên ngoài EU, Anh cùng các quốc gia vùng Baltic và Trung - Đông Âu cũng có thể hưởng lợi từ tình hình này. Thêm vào đó, nhiều ý kiến quan ngại, Tổng thống đắc cử D. Trump với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, sẽ tìm cách khai thác sự “phân mảnh” của EU để tiến hành các cuộc đàm phán song phương có lợi cho Mỹ, thay vì đối thoại với một khối EU thống nhất. 

Ngoài ra, mức thuế 10% mà ông D. Trump đề xuất đối với tất cả hàng hóa của EU xuất khẩu sang Mỹ có thể làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu của khu vực châu Âu và mối quan hệ thương mại lớn nhất giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Để ứng phó thách thức về kinh tế, mới đây, EC ban hành gói chính sách “thắt lưng buộc bụng mùa thu”. Theo đó, EC đề cập việc triển khai Quy trình thâm hụt quá mức đối với 8 quốc gia thành viên, gồm Bỉ, Pháp, Hungary, Italia, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia. Các quốc gia này được yêu cầu giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% GDP theo Hiệp ước ổn định và tăng trưởng. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này trong thời gian quy định, họ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính.

Như vậy, với những khó khăn hơn trong quan hệ thương mại với Mỹ, yêu cầu phục hồi kinh tế, nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, sự “phân mảnh” chính trị nội bộ, EU có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện nếu không tìm được con đường để vượt qua thử thách này./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện