Một thế giới đầy thách thức và cơ hội
Nhật Quang
Chính trường quốc tế nhiều biến động
Năm 2024, bối cảnh chính trị quốc tế tiếp tục có những điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Chiến dịch tranh cử đã diễn ra với sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về các vấn đề then chốt, như phục hồi kinh tế, chính sách nhập cư và biến đổi khí hậu; đồng thời, nhiều vụ bê bối và tranh cãi chính trị khác tiếp tục nổi lên, làm trầm trọng thêm sự phân cực chính trị ở Mỹ.
Tuy nhiên, vượt qua không ít khó khăn, ông Donald Trump đã giành chiến thắng, chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025, đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử Mỹ; đồng thời với đó là những dự báo biến động trên chính trường quốc tế thời gian tới.
Các nước châu Âu đang xem xét lại chiến lược an ninh và chính sách năng lượng, tìm kiếm sự tự chủ và ổn định cao hơn. Các cuộc bầu cử ở châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu và phong trào chủ nghĩa dân tộc, phản ánh sự thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị của khu vực.
Tại các quốc gia lớn như Pháp, Đức, các đảng phái chính trị theo xu hướng này đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri, nhất là trong bối cảnh những vấn đề liên quan đến di cư, an ninh và chủ quyền quốc gia ngày càng trở thành mối quan tâm lớn.
Sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu đã tạo ra những biến chuyển quan trọng trong chính sách và quyết định quốc gia, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU). Những thay đổi này không chỉ làm thay đổi cấu trúc chính trị nội bộ của từng quốc gia, mà còn gây ra những tranh cãi về tương lai của EU, đặc biệt trong các vấn đề như hội nhập và chính sách đối ngoại.
Tình hình địa - chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được các chuyên gia nhận định tiếp tục có nhiều phức tạp. Vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đã dịu bớt sau nhiều vòng đàm phán ngoại giao, nhưng vẫn cần những nỗ lực lâu dài để xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau.
Năm 2024 chứng kiến một giai đoạn đầy biến động trong quan hệ liên Triều; Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động quân sự, bao gồm thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình và các loại vũ khí mới.
Trong khi Nhật Bản chi tiêu mạnh cho ngân sách quốc phòng, Hàn Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng trở thành một cực quyền lực mới. Bên cạnh đó, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã biến khu vực trở thành một “điểm nóng” chiến lược toàn cầu, nơi cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn.
Xung đột khu vực và thách thức an ninh
Việc tiếp tục leo thang xung đột Nga - Ukraina, cũng như các thách thức an ninh ở Trung Đông đã gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Tháng 8-2024, Ukraina đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga, nhằm mở rộng chiến dịch phản công và tạo sức ép đối với quân đội Nga.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc tấn công này không đạt được như mong đợi, khi các lực lượng Ukraina không thể chiếm được những mục tiêu quan trọng hoặc làm suy yếu đáng kể quân đội Nga.
Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas đã bước sang năm thứ hai và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ dừng lại ở biên giới Israel, trong năm 2024, xung đột đã nhanh chóng lan rộng sang Lebanon - nơi quân đội Israel tấn công vào các vị trí của lực lượng Hezbollah. Chiến sự đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường ở Dải Gaza và Lebanon.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về ngừng bắn liên tục thất bại, khiến tình hình ngày càng căng thẳng và phức tạp hơn. Người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với hàng triệu người bị ảnh hưởng, thiếu thốn lương thực, thuốc men và các dịch vụ y tế cơ bản. Các tổ chức quốc tế liên tục kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhưng dường như chưa tìm thấy lối thoát trong cuộc xung đột này.
Thách thức và cơ hội của nền kinh tế toàn cầu
Nền kinh tế toàn cầu năm 2024 phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn. Một mặt, những điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục gây ra những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Việc tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất khiến các nước thị trường mới nổi phải đối mặt với các vấn đề, như dòng vốn chảy ra ngoài, đồng tiền mất giá và áp lực nợ gia tăng. Nhiều nước đang phát triển phải áp dụng chính sách tài khóa, thắt chặt tiền tệ để đối phó, điều này ở mức độ nhất định sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Mặt khác, chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu vẫn hiện hữu.
Xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và châu Âu vẫn xảy ra trên một số lĩnh vực. Các rào cản thuế quan, phong tỏa công nghệ và các biện pháp khác đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng cũng có những cơ hội mới. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nền kinh tế số đã trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự bùng nổ của các hình thức kinh doanh mới nổi như thương mại điện tử, làm việc từ xa, giáo dục trực tuyến không chỉ tạo ra các mô hình kinh doanh và không gian thị trường mới cho doanh nghiệp, mà còn mang lại trải nghiệm dịch vụ tiện lợi và đa dạng hơn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi kinh tế xanh cũng đang tăng tốc trên toàn cầu. Các quốc gia đã đưa ra những mục tiêu giảm phát thải carbon đầy tham vọng và các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch .
Đột phá đổi mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ
Lĩnh vực công nghệ đạt được những đột phá đổi mới ấn tượng vào năm 2024. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Thế hệ mô hình AI mới đạt được tiến bộ đáng kể về các khía cạnh, như hiểu ngôn ngữ, nhận dạng hình ảnh và ra quyết định nhanh chóng; mở rộng từ lĩnh vực internet và công nghệ sang lĩnh vực truyền thống khác, như ngành chăm sóc y tế, tài chính và sản xuất.
Lĩnh vực điện toán lượng tử mở ra những đột phá quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc gia tăng đáng kể số lượng qubit (điện toán lượng tử dựa trên bit điện tử) và cải tiến công nghệ sửa lỗi lượng tử, giúp máy tính lượng tử có tốc độ xử lý các vấn đề phức tạp nhanh hơn nhiều so với máy tính truyền thống.
Đây là bước đột phá mang tính cách mạng đối với nhiều lĩnh vực, như mật mã, khoa học vật liệu, nghiên cứu và phát triển thuốc, đồng thời được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khoa học mà máy tính truyền thống khó giải quyết.
Về công nghệ sinh học, công nghệ chỉnh sửa gene đã đạt được kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan trong điều trị các bệnh di truyền và ung thư. Các nhà khoa học đã mang lại hy vọng mới trong việc khắc phục một số căn bệnh khó chữa trị bằng cách chỉnh sửa chính xác trình tự gene. Đồng thời, sự phát triển của sinh học tổng hợp mở ra những con đường mới cho dược phẩm sinh học, năng lượng sinh học và các lĩnh vực khác.
Thông qua việc thiết kế và xây dựng các phân tử sinh học và hệ thống sinh học mới, việc chuyển đổi hiệu quả từ nguyên liệu thô sinh học sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã được thực hiện thành công.
Biến đổi khí hậu và lời kêu gọi khẩn thiết bảo vệ môi trường
Năm 2024, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên. Những đợt mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng đang hoành hành trên khắp thế giới, gây thiệt hại to lớn về con người, tài sản và môi trường sinh thái. Không chỉ vậy, những thảm họa này đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng toàn cầu.
Tại Tây và Trung Phi, mùa mưa kéo dài làm gia tăng tình trạng ngập úng, gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, lánh nạn trong các khu tị nạn tạm thời. Cơn bão Helene (tháng 10-2024), với sức tàn phá khủng khiếp, đã gây ra thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia, trong khi các trận lũ lớn tại Tây Ban Nha khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Thực trạng biến đổi khí hậu làm dấy lên lo ngại toàn cầu về khả năng thích ứng với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của thiên nhiên. Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường hợp tác và hành động trong bảo vệ môi trường.
Việc thực thi Thỏa thuận Paris đã bước vào giai đoạn quan trọng. Các nước tăng cường nỗ lực giảm khí thải, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và tăng cường bảo vệ và phục hồi tài nguyên rừng. Đồng thời, nhận thức về môi trường tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới, tiêu dùng xanh và lối sống bền vững dần trở thành xu hướng chủ đạo.
Như vậy có thể thấy, tình hình thế giới năm 2024 không chỉ đầy rẫy những thách thức, bấp bênh, mà còn ươm mầm những hy vọng và cơ hội. Trong thời đại thay đổi nhanh chóng này, các quốc gia cần tăng cường hợp tác, trao đổi để cùng ứng phó với các vấn đề toàn cầu và thúc đẩy xã hội loài người phát triển theo hướng hòa bình, thịnh vượng và bền vững hơn./.