Ngoại giao Việt Nam: Đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Linh AnQuan hệ ngoại giao, đối ngoại tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc hơn trên cả kênh song phương và đa phương
Năm 2024, ngoại giao, đối ngoại Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước; đón nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao nhiều nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam; làm sâu sắc hơn quan hệ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và an ninh; tiếp tục đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, đối tác quan trọng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững.
Quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ; quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga đều có những bước phát triển quan trọng.
Quan hệ với các nước Đông Nam Á, đối tác quan trọng khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất hơn.
Quan hệ hợp tác với các đối tác, bạn bè truyền thống tiếp tục được thúc đẩy và có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, đáng chú ý là việc nâng cấp quan hệ với Australia (tháng 3-2024), Pháp (tháng 10-2024) và Malaysia (tháng 11-2024) lên Đối tác chiến lược toàn diện; cùng Mông Cổ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện (tháng 10-2024).
Quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông có nhiều bước tiến mới, mở ra động lực quan trọng thúc đẩy các quan hệ song phương với các nước trong khu vực Trung Đông đi vào chiều sâu, đáp ứng được tiềm lực sẵn có của cả hai bên.
Thông qua các hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã nâng tầm vị thế và tạo nên những đột phá trong quan hệ song phương với các nước, tạo tiền đề tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, thực chất trong thời gian tới.
Cục diện đối ngoại của đất nước đã không ngừng được củng cố, phát triển với nhiều kết quả ấn tượng. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 32 quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) và là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Hiện có 9 quốc gia có khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia.
Việc củng cố, mở rộng, nâng cấp, nâng tầm quan hệ, cả trên bình diện đa phương và song phương đã tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, toàn diện, vững chắc, khẳng định tầm vóc, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trên hết, đó là việc giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam trong năm 2024
Việc củng cố, nâng cấp, nâng tầm quan hệ ngoại giao, nhất là với các đối tác chiến lược toàn diện đã tạo nền tảng chính trị quan trọng, thúc đẩy mở rộng, đưa hợp tác kinh tế phát triển vào chiều sâu, thiết thực, gắn với các cam kết, thỏa thuận, dự án, sản phẩm cụ thể, thu hút nguồn tài chính, đầu tư; với nhiều nội hàm phù hợp với xu thế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học - công nghệ, bán dẫn, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới...
Các hoạt động trao đổi đoàn các cấp đã trở thành cầu nối hỗ trợ, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ “nút thắt”, rào cản thương mại, khôi phục, mở rộng thị trường, tìm kiếm hướng đi mới, xây dựng, phát triển, bảo hộ thương hiệu,... cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, doanh nghiệp; hỗ trợ khắc phục những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp, quan trọng vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó nổi bật là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được cải thiện. Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của các dự án công nghệ cao, bao gồm cả các ngành công nghiệp tiên phong.
Theo đó, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực mới, như bán dẫn, năng lượng sạch, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm đạt nhiều giá trị gia tăng,... đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong thời gian qua.
Việc tiếp tục là điểm đến hàng đầu khu vực với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn có thể nói là kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự hiệu quả của công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng của Việt Nam thời gian qua.
Đối ngoại đa phương được triển khai hiệu quả, thực chất
Với tinh thần chủ động, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời thúc đẩy các lợi ích chính đáng của Việt Nam, việc các nhà lãnh đạo chủ chốt, cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam tham dự các sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng, có quy mô toàn cầu đã khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào tiến trình hợp tác quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thông điệp này được truyền tải mạnh mẽ thông qua các hoạt động, như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 (tháng 9-2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 (tháng 10-2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Kazan (Nga, tháng 10-2024); Chủ tịch nước Lương Cường dự Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 31 tại Peru (tháng 11-2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Brazil (tháng 11-2024).
Việt Nam cũng đã chủ động tham gia và có nhiều sáng kiến đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong các vấn đề chung của khu vực; tích cực hỗ trợ Lào thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò tại một số cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc và tiếp tục được tín nhiệm bầu vào các cơ quan của Liên hợp quốc, như trúng cử Hội đồng chấp hành cơ quan về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027; tích cực cử đoàn tham dự các hoạt động của các cơ chế đa phương như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị An ninh Munich; góp phần thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác song phương cũng như mở rộng thêm cơ hội, dư địa trong các lĩnh vực hợp tác an ninh và phát triển.
Có thể nói, bối cảnh xung đột leo thang, thế giới chia rẽ sâu sắc đã đặt Việt Nam trước những tình huống phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, với cục diện mới của đất nước cùng chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt, khôn khéo, những kết quả tích cực, đa dạng trong hợp tác đa phương đã góp phần rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng, củng cố hình ảnh và niềm tin của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Tình hình thế giới và khu vực đang đứng trước những chuyển biến to lớn với cơ hội và thách thức đan xen. Với nền tảng là thành tựu vĩ đại của gần 40 năm đổi mới và tâm thế của một dân tộc đang khát khao vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, đối ngoại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa, có những bước phát triển mạnh mẽ hơn để nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đóng góp cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.