Tác động nào từ Syria đến Ukraina?
Phan LươngTrách nhiệm của Moscow?
Đợt tấn công chớp nhoáng thành công ở Syria của lực lượng vũ trang đối lập khiến tất cả các nước Arab phải chấn động và dấy lên quan ngại về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực vốn đã đầy rẫy bất ổn. Phe đối lập Syria đã tận dụng triệt để sự thay đổi cán cân sức mạnh bị ảnh hưởng bởi những cuộc xung đột khác, từ Ukraina đến Lebanon và Dải Gaza.
Gần như chắc chắn chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza và Lebanon đã gây thiệt hại đáng kể cho “trục kháng chiến” của Iran trong khu vực, đặc biệt là lực lượng Hezbollah - vốn cũng là lực lượng hỗ trợ rất lớn cho chính quyền Damascus suốt thời gian qua.
Không ít chuyên gia phương Tây khẳng định Nga - một bên liên quan quan trọng khác ở Syria - đã quá tập trung đến cuộc chiến của mình ở Ukraina và không thể bảo vệ chế độ của Tổng thống al-Asssad. Chính quyền Ukraina đã tuyên bố sự sụp đổ chế độ Syria, đồng minh quan trọng của Nga ở Trung Đông, cho thấy Moscow không thể cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraina Heorhii Tykhyi khẳng định, “tổn thất đáng kể” của Nga ở Ukraina khiến Moscow phải rút phần lớn binh sĩ và khí tài khỏi Syria, khiến đồng minh “không có sự hỗ trợ cần thiết”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều báo cáo cho thấy, kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina vào năm 2022, Nga không thay đổi đáng kể sự hiện diện quân sự ở Syria. Các lực lượng Nga vẫn tiến hành không kích những cứ điểm của lực lượng đối lập ở Ukraina và không mấy can dự vào các chiến dịch tác chiến mặt đất.
Trong khi đó, chắc chắn những tổn thất nặng nề của Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon trong cuộc xung đột tiếp diễn với Israel cũng đã làm giảm thiểu khả năng hỗ trợ cho đồng minh Syria. Bên cạnh đó, tinh thần chiến đấu của quân đội Syria cũng là một yếu tố quan trọng khác, khi lực lượng đối lập tiến quân thần tốc vào Damascus mà gần như không vấp phải bất cứ sự kháng cự nào.
Bước lùi chiến lược?
Theo nhận định chung của giới phân tích, việc sụp đổ chế độ ở Syria chắc chắn là một bước lùi về chiến lược của Moscow. Trong hơn 1 thập niên qua, Nga đã được không ít quốc gia Trung Đông xem như một đồng minh đáng tin cậy và thường được so sánh với Mỹ. Chính bởi vậy, thất bại này không chỉ đe dọa uy tín của Nga trong thế giới Arab mà còn cả vị thế quân sự của nước này ở Đông Địa Trung Hải.
Tại Syria, Nga có căn cứ hải quân Tartus và xa hơn về phía Bắc là căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia, cả 2 đều có hợp đồng thuê 49 năm với chính quyền bị lật đổ. Những cơ sở quân sự này không chỉ được sử dụng để bảo vệ chế độ Damascus, mà còn nhằm mục đích khẳng định vai trò của Moscow như một cường quốc thế giới với những lợi ích quan trọng trong khu vực.
Đặc biệt, việc mất quyền kiểm soát căn cứ hải quân Tartus nói riêng sẽ là một “tổn thất cực kỳ to lớn đối với Nga”, bởi đây là cảng nước ấm duy nhất mà Moscow có thể sử dụng cho hoạt động hải quân và phô diễn sức mạnh của mình ở Trung Đông. Giờ đây, khi chế độ Tổng thống al-Assad sụp đổ, Nga đang đối mặt với nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát cả 2 căn cứ quan trọng này.
Đến nay, việc bố trí lực lượng Nga thế nào tại Syria trong dài hạn vẫn chưa rõ ràng. Thông tin ban đầu cho thấy Nga đang tái điều chuyển các căn cứ tiền phương về lại 2 căn cứ Khmeimim và Tartus, và có thể sẽ rút hoàn toàn khỏi Syria, dù chưa rõ trong bao lâu.
Khả năng cao điều này sẽ phụ thuộc vào quan hệ giữa Điện Kremlin và lực lượng vũ trang đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) sẽ phát triển đến đâu. Hiện HTS đã thể hiện việc sẵn lòng đàm phán với thế giới bên ngoài, và duy trì hiệu lực của thể chế nhà nước. Họ hiểu rõ tương lai của đất nước Syria hậu xung đột là không chắc chắn và muốn Moscow, nếu không phải là bạn, thì hãy là một bên trung lập. Và có thể điều này sẽ phụ thuộc vào hành động của cả Mỹ và Israel trong thời gian sắp tới.
Tập trung hơn ở Ukraina
Thực tế cho thấy, cuộc chiến của Nga ở Ukraina đã tác động không nhỏ đến tình hình Syria và bản thân nó cũng sẽ có ảnh hưởng ngược. Đã có rất nhiều nhà phân tích phương Tây nhận định, việc chính quyền Syria bị lật đổ sẽ làm suy yếu đòn bẩy của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm tàng nào với Ukraina.
Neil Quilliam - chuyên gia Viện Chatham House - nhận định, việc Damascus thất thủ sẽ là động lực chính cho những quốc gia phản đối cuộc xung đột của Nga ở Ukraina tiếp tục ủng hộ Kiev với “niềm tin mới rằng Nga có thể bị đánh bại”, khi điểm yếu của cả Nga trong khu vực bị phơi bày.
Tuy nhiên, theo không ít chuyên gia, tác động từ sụ sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad đến tình hình ở Ukraina là khá nhỏ. Trên thực tế, Ukraina mới là mối quan tâm thực sự của Moscow ở thời điểm này.
Sử gia Sergey Radchenko - Giáo sư Đại học John Hopkins, Bologna (Italia) - đánh giá, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định Nga đã phải hứng chịu một thất bại chiến lược, bởi đến nay Moscow vẫn đang duy trì lực lượng cũng như 2 căn cứ quân sự ở Syria. Nếu người Nga thật sự phải rời Syria, đó mới thật là thất bại chiến lược, thậm chí còn có thể chấm dứt tham vọng của Moscow ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cũng cảnh báo phương Tây cần cẩn trọng khi quá tập trung vào ý tưởng rằng Nga đã không thể duy trì chế độ Tổng thống al-Assad. Đơn giản là bởi dường như Moscow đã thay đổi tính toán về khoản đầu tư của mình ở Trung Đông. Phí tổn để tiếp tục duy trì các lợi ích dường như là quá lớn.
Trong suốt mối quan hệ giữa Tổng thống al-Assad và Điện Kremlin, chế độ Damascus dường như tỏ ra là đối tác hay thay đổi và gây khó khăn cho Moscow, không sẵn lòng giao tiếp với lực lượng đối lập và tìm mọi cách để có được sự cân bằng giữa Nga và Iran. Dường như Điện Kremlin sẽ áp dụng chiến thuật “chờ đợi và quan sát” ở Syria.
Mục tiêu chính của Moscow ít nhất sẽ là duy trì mức độ ảnh hưởng tối thiểu ở quốc gia Trung Đông, thông qua sự hiện diện quân sự tại các căn cứ hiện có, hoặc thông qua mối liên lạc với các cường quốc khác trong khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ. Syria vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng không còn là ưu tiên trong chiến lược của Nga trong khu vực.
William Freer - một nhà nghiên cứu về an ninh quốc gia tại Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại Anh - nhận định rằng ở bất kỳ mức độ chính trị, kinh tế hoặc quân sự nào của Nga chuyển hướng khỏi cuộc xung đột Ukraina đều có lợi cho Kiev. Nhưng theo ông Freer, tác động sẽ rất hạn chế. Diễn biến ở Syria có thể ảnh hưởng tới Ukraina dưới biểu hiện ở việc Moscow từ chối ngừng bắn hoặc hòa đàm với Kiev.
Nga sẽ có thể thể hiện lập trường cứng rắn hơn, tin rằng chỉ có áp đặt những điều kiện riêng của mình thì mới có thể bảo đảm kết quả chiến lược tích cực lâu dài. Sự sụp đổ của chế độ ở Syria có thể là một bước lùi với Nga, nhưng bản thân nó cũng cho thấy tính linh hoạt chiến lược của Điện Kremlin./.