15/01/2025 | 19:54 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Năm của xung đột và bất ổn

Vũ Thanh Vân
Năm của xung đột và bất ổn Người dân Palestine sơ tán ở Bắc Gaza, ngày 14-5-2024_Ảnh: Reuters/TTXVN
Các cuộc xung đột đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Trong năm 2024, số người thiệt mạng trong xung đột tăng 30% so với năm 2023, từ 179.099 người lên 233.597 người. Cuộc chiến tranh ở Ukraina gây thiệt hại nặng nề nhất về người, với hơn 67.000 trường hợp tử vong. Xung đột Israel và Palestine khiến khoảng 35.000 người thiệt mạng. Số liệu thống kê trong tháng 12-2024 của Tổ chức Dữ liệu sự kiện và địa điểm xung đột vũ trang (ACLED) nói trên phần nào cho thấy bức tranh xung đột căng thẳng trên phạm vi toàn cầu.

Đáng báo động

ACLED thống kê 50 cuộc xung đột đáng báo động nhất trên thế giới theo 3 cấp độ cực đoan, nghiêm trọng và hỗn loạn, đồng thời mô tả xu hướng của các xung đột này theo thời gian. 

Trong đó, 10 xung đột cực đoan tập trung ở Palestine, Myanmar, Syria, Mexico, Nigeria, Brazil, Lebanon, Sudan, Cameroon và Colombia. 20 xung đột nghiêm trọng diễn ra ở Haiti, Pakistan, Cộng hòa dân chủ Congo, Yemen, Ethiopia, Somalia, Mali, Kenya... 20 xung đột hỗn loạn diễn ra ở Nam Phi, Guatamala, Niger, Libya, Mozambique, Ecuardor, Ghana, Chad... 

Bảng thống kê này cho thấy xung đột chủ yếu diễn ra ở các quốc gia châu Phi vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.

Đáng lo ngại, theo phân loại của ACLED, trong 50 xung đột này chỉ có 4 xung đột có xu hướng cải thiện, trong khi các cuộc xung đột khác không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn xấu đi. Các cuộc xung đột không chỉ xảy ra trên phương diện chính trị mà còn leo thang thành xung đột vũ trang, gây thiệt hại về người và của. 

Thống kê của ACLED từ năm 2019 đến nay cho thấy, châu Âu và Trung Á là khu vực có sự gia tăng đột biến xung đột với điển hình là cuộc chiến tranh Nga - Ukraina, kế đó là Trung Đông với xung đột Israel và Palestine. Châu Phi không có sự gia tăng đột biến các xung đột, nhưng số lượng và phạm vi các xung đột luôn duy trì ở mức cao theo hướng tăng mà không giảm.

Thống kê của ACLED cho thấy, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi xung đột. Những người sống trong bán kính 5km của xung đột được tính là bị ảnh hưởng. Theo đó, 81% số người dân Palestine bị ảnh hưởng bởi xung đột. 

Clionadh Raleigh - Giáo sư địa lý chính trị và xung đột tại Đại học Sussex (Anh), người sáng lập ACLED - nhận định: các xung đột trên thế giới có xu hướng gia tăng và xung đột ở các quốc gia như Iran, Chad, Ecuador và Pakistan có nguy cơ leo thang. Nghiên cứu của các tổ chức theo dõi xung đột khác cũng chỉ ra xu hướng tương tự.

Theo Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), các cuộc xung đột và chiến tranh có xu hướng tăng từ năm 2012 sau khi có sự suy giảm trong những năm 1990 và 2000. Ban đầu, các cuộc xung đột tập trung ở Libya, Syria và Yemen, sau đó lan rộng ra các khu vực lân cận. Sự bất ổn ở một quốc gia hay khu vực kéo theo sự bất ổn ở các quốc gia và khu vực khác như phản ứng dây chuyền. 

Các chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, xung đột ở một quốc gia có khả năng ảnh hưởng đến mọi cá nhân trên thế giới đôi khi theo những cách mà ngay cả cá nhân đó không nhận ra. Như cuộc chiến Nga - Ukraina đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng dầu ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó làm tăng chi phí đầu vào của các loại hàng hóa, gây sức ép chi tiêu với người dân.

ICG cho rằng, triển vọng ổn định và hòa bình của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng không chỉ bởi các cuộc xung đột gia tăng về số lượng, phạm vi, mức độ mà còn bởi các nỗ lực hòa giải, gìn giữ hòa bình chưa được triển khai tích cực, hiệu quả. 

Một số nhà lãnh đạo trên thế giới không ngại ngần thể hiện thái độ và quyết định cứng rắn khi theo đuổi chiến dịch quân sự và đưa ra những điều khoản đàm phán mà đối phương không thể chấp nhận. Tồi tệ hơn, một số quốc gia thay vì hòa giải, xây dựng diễn đàn đối thoại lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách cung cấp vũ khí, khí tài và tạo ra các diễn ngôn thúc đẩy chiến tranh.

Giải pháp nào?

Là tổ chức quốc tế được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai với sứ mệnh gìn giữ hòa bình và phòng ngừa thế giới rơi vào cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, Liên hợp quốc được kỳ vọng là chủ thể tích cực trong việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, khuyến khích các bên liên quan tham gia đàm phán và kết thúc xung đột, chiến tranh một cách hòa bình. 

Trên thực tế, Liên hợp quốc đã tạo ra diễn đàn đối thoại hòa bình cho các bên liên quan, đồng thời gây sức ép theo những cơ chế thích hợp, buộc các bên liên quan chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, tình hình xung đột và chiến tranh trong những năm vừa qua cho thấy, những nỗ lực của Liên hợp quốc có hiệu quả khiêm tốn.

Tháng 3-2022, 140 trong 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraina. Nghị quyết yêu cầu Nga “thiết lập lệnh ngừng bắn và quay lại con đường đàm phán, đối thoại”. Đến tháng 2-2023, Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraina với mong muốn xây dựng “nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” tại Ukraina. 

Tháng 7-2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết yêu cầu Nga dừng các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina. Nghị quyết nhận được 99 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 60 phiếu trắng. Bất chấp những nỗ lực này, cuộc chiến Nga - Ukraina không hề có dấu hiệu suy giảm, nếu không nói là tiếp tục leo thang căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia về quan hệ quốc tế cho rằng, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp có vai trò quan trọng trong việc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Với ảnh hưởng kinh tế và thương mại trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia này có thể có tiếng nói trọng lượng đối với các bên xung đột. Tuy nhiên, bản thân các quốc gia này cũng phải đối mặt với những vấn đề nội bộ hoặc gián tiếp thúc đẩy các cuộc xung đột leo thang. 

Mỹ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraina. Ngày 12-12, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết “Mỹ đang cung cấp thêm gói viện trợ đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về vũ khí và đạn dược của Ukraina”. Gói viện trợ vũ khí này có giá trị 500 triệu USD.

Các xung đột bạo lực và chiến tranh bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối diện với khó khăn và lạm phát. Các cuộc xung đột càng khiến đời sống kinh tế và xã hội đi xuống, đe dọa tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. 

Kenneth Rogoff - Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ), từng là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho rằng, cuộc chiến Nga - Ukraina là “thảm họa không thể bù đắp đối với hòa bình toàn cầu và hòa bình ở châu Âu”. Cuộc chiến này đồng thời “làm gia tăng một số xu hướng tiêu cực của kinh tế toàn cầu như lạm phát nghiêm trọng, đói nghèo cùng cực, mất an ninh lương thực và sự xuống cấp của môi trường”.

Những xung đột hiện tại trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm và chấm dứt. Với những bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội hiện tại, các xung đột có xu hướng gia tăng về số lượng và diễn biến xấu hơn, trong khi các cơ chế ngoại giao và đối thoại chưa thực sự hiệu quả. 

Những người theo chủ nghĩa thực dụng cho rằng, phải phát động chiến tranh để thiết lập hòa bình, trong khi những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng, phải kết thúc chiến tranh thì mới có hòa bình. Mỗi bên đều có lý lẽ của mình và cuộc tranh luận giữa hai bên cũng dai dẳng như các cuộc xung đột hiện nay. Điều này cũng cho thấy, không dễ để có được hòa bình và an ổn, cho dù đó là khát vọng cháy bỏng, chính đáng của người dân.

Người dân cần và phải có tiếng nói quan trọng hơn trong các quyết định của quốc gia, các nhà lãnh đạo quốc gia cần chịu trách nhiệm trước người dân về những quyết định của mình. Khi khát vọng hòa bình chính đáng của người dân được tôn trọng và nhà nước thực sự đại diện cho nguyện vọng đó, những tham vọng bá quyền hay những lợi ích cục bộ của những thế lực quân sự sẽ lùi bước. 

Những xung đột hiện tại trên thế giới sẽ không sớm kết thúc, nhưng nếu giá trị của hòa bình và nguyện vọng hòa bình của người dân được thượng tôn, thế giới sẽ có hy vọng. Khi các thiết chế quốc tế không phát huy được sức mạnh bảo vệ và gìn giữ hòa bình, niềm hy vọng cuối cùng vẫn đặt ở nhân dân với tư cách đích thực là chủ nhân của quốc gia./.