15/01/2025 | 20:05 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

ASEAN tăng cường xây dựng Cộng đồng kết nối và tự cường

Nguyễn Thanh Vân
Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, Ban Đối ngoại Trung ương
ASEAN tăng cường xây dựng Cộng đồng kết nối và tự cường Lãnh đạo các nước tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 chụp ảnh chung tại Thủ đô Vientiane, Lào, ngày 9-10-2024_Ảnh: TTXVN
Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn quan trọng và nhiều thách thức đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bối cảnh địa - chính trị toàn cầu đang chứng kiến những biến động sâu sắc, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những tác động lan rộng của tình trạng biến đổi khí hậu, cùng những bất ổn địa - chính trị đã tạo nên một không gian thử thách đối với sự hợp tác khu vực.

Quyết tâm nâng cao năng lực nội tại và tăng cường liên kết

Năm 2024, chủ đề “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN” được ASEAN lựa chọn nhằm nhấn mạnh quyết tâm nâng cao năng lực nội tại và tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia thành viên. Đây không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là một chiến lược toàn diện nhằm ứng phó với những thách thức đa chiều trong bối cảnh quốc tế đang biến chuyển nhanh chóng.

Chính vì vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đã xác định 9 nội dung ưu tiên cần triển khai, bao gồm: 1- Hội nhập và kết nối kinh tế; 2- Xây dựng tương lai toàn diện và bền vững; 3- Chuyển đổi số; 4- Văn hóa - nghệ thuật; 5- Xây dựng chiến lược tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; 6- Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN; 7- Thúc đẩy hợp tác về môi trường; 8- Phụ nữ - trẻ em; 9- Y tế. 

Để thúc đẩy thực hiện 9 nội dung ưu tiên này, Lào đã chủ trì tổ chức thành công khoảng 300/500 hội nghị và hoạt động của ASEAN ở cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về chính trị - an ninh, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Với chủ đề “Thúc đẩy kết nối và tự cường”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần “lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt”. 

ASEAN đã triển khai 98% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể của trụ cột Chính trị - An ninh, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 18, các nước thông qua Tuyên bố chung Vientiane với chủ đề “Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức. 

Đối với các nước ngoài khu vực, ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, bao gồm việc xem xét nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.

Các nước ASEAN cũng trao đổi về việc xây dựng Chiến lược hợp tác chính trị - an ninh cho giai đoạn mới, đề cao tính kế thừa, tiếp nối, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao của ASEAN trong môi trường an ninh quốc tế và khu vực nhiều biến động. 

Những thành tựu này phản ánh nỗ lực không ngừng của ASEAN trong việc củng cố đoàn kết, tăng cường kết nối và nâng cao khả năng tự cường, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.

Về kinh tế, năm 2024 chứng kiến những bước tiến đáng kể trong hợp tác kinh tế khu vực. ASEAN triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững, như Khung kinh tế biển xanh ASEAN và đàm phán Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA). 

ASEAN tiếp tục thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, với việc triển khai 88,3% các dòng hành động trong trụ cột AEC, góp phần tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế trong khu vực.

Theo Báo cáo tóm tắt Hội nhập kinh tế ASEAN năm 2024 của Ban Thư ký ASEAN, các nền kinh tế trong khu vực dự báo có thể tăng trưởng 4,7% vào năm 2025. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ phục hồi từ 4% vào năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025. 

Điều này cho thấy, ASEAN đang trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế năng động, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Về văn hóa - xã hội, năm 2024, ASEAN chứng kiến sự gia tăng các hoạt động giao lưu văn hóa và kết nối con người. Các chương trình trao đổi sinh viên, nghệ thuật và văn hóa được mở rộng, góp phần xây dựng sự hiểu biết và gần gũi giữa các quốc gia thành viên. 

Với vai trò Chủ tịch Hội Phu nhân ASEAN (ASC) tại Thủ đô Washington (Mỹ), Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện văn hóa sôi động và ý nghĩa. Đáng chú ý là Ngày Văn hóa ASEAN và Hội chợ ASEAN và những người bạn, nhằm giới thiệu văn hóa của các nước ASEAN đến với công chúng Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Dưới sự dẫn dắt của Lào, ASCC năm 2024 tập trung vào các định hướng như phát triển bền vững, tăng cường hợp tác văn hóa - nghệ thuật và thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em. Việt Nam đã tích cực phối hợp trong việc triển khai các sáng kiến, như hoàn thiện Tuyên bố về phòng, chống và xóa bỏ lao động trẻ em; tổ chức Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ 8. 

ASEAN triển khai nhiều dự án văn hóa lớn, như Liên hoan nghệ thuật ASEAN, dịch thuật các tác phẩm văn học, số hóa di sản và xuất bản sách, ảnh giới thiệu sự đa dạng văn hóa. Những hoạt động này góp phần gắn kết người dân trong khu vực và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Nhìn chung, ASEAN 2024 tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực, thể hiện năng lực lãnh đạo và điều phối. Sự kết nối kinh tế, chính trị và văn hóa được tăng cường một cách toàn diện. Khả năng tự cường của khu vực được nâng cao thông qua các nỗ lực hợp tác, đổi mới và thích ứng. 

Năm 2024 cũng đánh dấu bước chuyển của ASEAN trong việc hoàn thành các Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới đến năm 2045. 

Các chiến lược phát triển mới được kỳ vọng nâng tầm hợp tác và liên kết khu vực theo hướng đổi mới, sáng tạo và hành động. Sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên tiếp tục được củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho một Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Là một thành viên có trách nhiệm với vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng trên trường quốc tế, Việt Nam tích cực phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ Lào thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước. Việt Nam triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm, ưu tiên mà Lào đề xuất, thể hiện tinh thần chủ động thực thi, tham gia thực chất và đóng góp thực tâm.

Việt Nam chủ động tham gia xây dựng các chiến lược phát triển mới của ASEAN, nhằm nâng tầm hợp tác và liên kết khu vực theo hướng đổi mới, sáng tạo và hành động. Bên cạnh đó, Việt Nam đưa ra nhiều ý tưởng, đề xuất đối với hợp tác và liên kết khu vực, góp phần định hình tương lai ASEAN và định vị vị trí của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. 

Những đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong năm 2024 góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công chung của ASEAN, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục khẳng định tầm vóc ở khu vực và thế giới

Trên con đường hiện thực hóa “Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025”, ASEAN đang tiến tới một Cộng đồng hội nhập sâu rộng và có tính cạnh tranh cao, đoàn kết 10 nước Đông Nam Á, có trách nhiệm về xã hội, lấy người dân làm trọng tâm, hướng tới một khu vực tự cường và đóng vai trò ngày càng lớn trong việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu. 

Tuy nhiên, ASEAN cần có tầm nhìn xa hơn, với một Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển toàn diện hơn, hội nhập sâu rộng hơn, có khả năng tự cường mạnh hơn và có ảnh hưởng ở khu vực cũng như toàn cầu lớn hơn. Để tiếp tục phát huy thành quả, ASEAN cần tập trung vào một số định hướng trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư vào hợp tác kinh tế xanh; chủ động thúc đẩy chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết; xây dựng khuôn khổ hợp tác toàn diện về phát triển năng lượng tái tạo, quản lý carbon và chuyển đổi công nghiệp theo hướng bền vững; thiết lập cơ chế chia sẻ công nghệ, nguồn lực và tri thức chuyên môn, nhằm tạo nên một hệ sinh thái kinh tế xanh đồng bộ. 

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh được xác định là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, do đó, ASEAN cần xây dựng một chiến lược khu vực, tập trung vào phát triển hạ tầng số đồng bộ; nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số; xây dựng các quy chế an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu chung.

Thứ hai, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động địa - chính trị trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi ASEAN cần tăng cường cơ chế tham vấn và phối hợp giữa các quốc gia thành viên; phát triển năng lực ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống; xây dựng tiếng nói chung trong những vấn đề quốc tế; duy trì và phát huy vai trò trung gian của ASEAN trong tranh chấp khu vực.

Thứ ba, bảo đảm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên; tăng cường trao đổi về kinh tế, giáo dục và văn hóa; thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông, logistics và viễn thông; xây dựng các chiến lược phát triển khu vực, cùng nhau ứng phó với các vấn đề mới nảy sinh của khu vực và thế giới. 

Việc củng cố đoàn kết, duy trì nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng lẫn nhau sẽ là nền tảng để ASEAN tiếp tục phát triển. Sự linh hoạt và năng động sẽ giúp khu vực vượt qua những thử thách, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong bối cảnh địa - chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Năm 2024 là một năm đáng ghi nhận của ASEAN với những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng được một nền tảng vững chắc cho sự kết nối và tự cường khu vực. 

ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò then chốt trong quá trình dịch chuyển địa - chính trị toàn cầu, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, hợp tác và chia sẻ. Triết lý “cùng phát triển” tiếp tục được khẳng định qua từng hoạt động cụ thể, mở ra những triển vọng tích cực cho khu vực Đông Nam Á trong những năm tiếp theo./.