24/01/2025 | 02:51 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành hàng không: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

Nguyễn Minh Phong
Phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển ngành hàng không: Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam Ngành hàng không có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia (Trong ảnh: Đài Kiểm soát không lưu tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất)_Ảnh: vietnamplus.vn
Nhà nước có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển và bảo đảm sự an toàn, hiệu quả hoạt động của ngành hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế, xã hội, an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia.

Vai trò của nhà nước đối với ngành hàng không

Trước hết, nhà nước luôn có vai trò thiết yếu trong thiết lập, duy trì và giám sát các luật lệ, tiêu chuẩn an toàn, chính sách bảo vệ người tiêu dùng cho hoạt động hàng không; đề ra chiến lược hợp tác, phát triển và sử dụng hiệu quả vùng trời với các quốc gia khác; xây dựng, tạo lập hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không phù hợp và hiện đại; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và chủ quyền trên không phận quốc gia; giám sát các tác động về xã hội, môi trường cũng như sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường hàng không. 

Đồng thời, nhà nước khuyến khích phát triển các mối liên kết hợp tác cùng có lợi giữa hàng không với các ngành kinh tế khác, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Đặc biệt, trong thời điểm nhất định, như giai đoạn dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thu hẹp thị trường.

Một mặt, nhà nước vừa giảm thuế và các chi phí cất hạ cánh, nới lỏng các quy định về khai thác và giá vé máy bay, vừa trực tiếp hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp hàng không để trả nợ gốc và lãi vay, trợ cấp lương cho nhân viên; mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu để tăng vốn hoạt động cho các doanh nghiệp. 

Mặt khác, nhà nước thực hiện những giải pháp nhằm thúc đẩy cơ cấu lại theo hướng hiện đại hơn, cải thiện năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hàng không.

Nhà nước bảo hộ phá sản để tổ chức lại, như trường hợp của Aero Mexico nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cơ cấu lại tài chính; hoặc thực hiện mua bán, sáp nhập, như trường hợp Korean Air quyết định mua lại Asiana Airlines với sự trợ giúp tài chính của ngân hàng nhà nước để giảm cạnh tranh đối đầu khi nhu cầu đi lại sụt giảm.

Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, nhà nước còn trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ hàng không thông qua việc tài trợ ngân sách thành lập và quản lý giám sát, vận hành với tư cách chủ sở hữu đối với doanh nghiệp hàng không quốc gia.

Hơn nữa, nhà nước cũng có vai trò ngày càng quan trọng trong kiểm soát lượng khí thải từ hoạt động máy bay vốn rất khó giảm.

Nâng cao vai trò của Nhà nước đối với phát triển ngành hàng không Việt Nam

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng trưởng khoảng 1% - 1,5%.

Trong 5 năm tới, thị trường hàng không Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình gần 14% và cán mốc 150 triệu hành khách vận chuyển vào năm 2035. Theo thỏa thuận quốc tế, thị trường vận tải nội địa hoàn toàn do các hãng hàng không trong nước khai thác. 

Hiện nay, thị trường hàng không nội địa Việt Nam vẫn do các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chiếm ưu thế cạnh tranh độc quyền.

Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động chủ sở hữu nhà nước trong ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới, cần chú ý triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần ưu tiên cao nhất cho đầu tư vào các cảng hàng không chính và phân bổ thêm ngân sách cho việc tăng công suất các sân bay địa phương, cho phép các sân bay quốc tế lớn tự đáp ứng những nhu cầu của mình bằng cách thu hút thêm vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài qua hình thức xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO). 

Ngoài ra, các cảng hàng không cần duy trì phí sử dụng sân bay ở mức thấp, mở rộng hoạt động thuê ngoài và duy trì số lượng nhân viên thấp, sử dụng hệ thống đấu thầu khi cho thuê các không gian thương mại, thu nhận và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, Chính phủ cần đưa ra những định hướng chính sách rõ ràng và thực thi các quy định hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế; tiếp tục đặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia; xây dựng hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; đồng thời, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo cạnh tranh thực sự trong ngành hàng không; đồng thời, tiếp tục cấp phép mới cho một số hãng bay có năng lực thật sự, có tiềm lực tài chính để đầu tư về máy bay, đội ngũ nhân lực và các dịch vụ phụ trợ...; khuyến khích các hãng bay tư nhân khác cơ cấu lại hoạt động và liên kết với nhau để tăng năng lực cạnh tranh thị trường, hướng tới yêu cầu phát triển bền vững...

Thứ tư, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn thị thực lên 45 ngày với không chỉ 13 quốc gia và tiếp mở rộng số lượng quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam; đơn giản hóa, tự động hóa các thủ tục liên quan đến cấp thị thực và nhập cảnh. 

Những chính sách hỗ trợ ngành hàng không và du lịch sau đại dịch cần được tiếp tục quan tâm và duy trì, trước mắt đến hết năm 2025.

Thứ năm, Chính phủ cần sớm ban hành “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Đồng thời, xây dựng khung pháp lý đồng bộ, các chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống logistics liên quan đến các ngành từ sản xuất, thương mại đến giao thông, trong đó có vận tải hàng không, bảo đảm hệ thống cảng hàng không, sân bay được tính toán dựa trên các tiêu chí phù hợp cũng như bảo đảm kết nối có hiệu quả hệ thống cảng hàng không với các loại hình phương tiện giao thông khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm thiểu tình trạng quá tải, ách tắc ở một số cảng hàng không, sân bay như hiện nay.

Thứ sáu, đồng hành cùng tăng trưởng xanh trong nền kinh tế, Chính phủ cũng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu về vận tải xanh đối với vận tải hàng hóa bằng hàng không; xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình và chương trình phát triển vận tải xanh đối với vận tải hàng hóa bằng đường hàng không; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với vận tải xanh nói chung và vận tải xanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không nói riêng./.


 

Chuyên mục: Bên lề sự kiện