24/01/2025 | 00:03 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ngành than và Quảng Ninh như hình với bóng

Phạm Học
Ngành than và Quảng Ninh như hình với bóng Những người thợ mỏ góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng bản sắc văn hóa tỉnh Quảng Ninh_Ảnh: P.H
Đó là nhận định của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngành than đã tạo cho người Quảng Ninh tác phong lao động công nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo. Ngược lại, người Quảng Ninh đã góp phần xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. 

Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội. Ở chiều ngược lại, ngành than đã đồng hành với sự phát triển của tỉnh, mang truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” làm giàu cho truyền thống văn hoá Quảng Ninh.

Ông Vũ Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết: TKV tiền thân là Tổng Công ty Than Việt Nam, được thành lập năm 1994. Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, TKV đã vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước chuyển mình và phát triển, từ nền tảng là một tổng công ty nhà nước, qua 30 năm đã trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mạnh, là 1 trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tổng tài sản của TKV tính đến cuối năm 2023 đã tăng hơn 97 lần so với năm mới thành lập, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; doanh thu tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Trong khi năm 1995 doanh thu 2.500 tỷ đồng, đến năm 2023 doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ 40 tỷ đồng năm 1995 đến năm 2023 đạt 6.000 tỷ đồng. Nhờ việc sản xuất kinh doanh hiệu quả, TKV đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh - địa bàn sản xuất chiến lược của TKV.

Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, nhưng ông Phạm Thế Duyệt trưởng thành từ một công nhân mỏ. Vì thế sau này, khi đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng hay như bây giờ về nghỉ hưu, vùng mỏ luôn ở trong trái tim ông với một niềm tự hào và biết ơn. 

Ông Phạm Thế Duyệt đánh giá gần 40 năm đổi mới, ngành than có những bước phát triển rất tốt. Nó tốt bởi đường lối đổi mới của Đảng đã được anh em trong ngành than nắm bắt vận dụng rất nhanh chóng, tích cực nên đem lại bước phát triển rất đồng đều. Không những thế, anh em còn biết vận dụng khoa học công nghệ vào khai thác, sản xuất. Tất cả các mỏ chứ không riêng gì mỏ nào đều đạt được thành tựu tích cực...

Trong ký ức của thợ lò Phạm Thế Duyệt, trước đây đào lò nhanh giàn khoan khoảng 30m là vất vả lắm. Đến bây giờ đào được hơn 100m, gần 200m không có gì khó. Ông Phạm Thế Duyệt nhớ lại: “hệ thống vận chuyển trước đây loanh quanh xe goòng 3 tấn, giờ là máng cào và băng tải rất nhẹ nhàng. Về giàn chống, trước toàn gỗ và chỉ có gỗ chống lò, giờ anh em sử dụng giàn chống thuỷ lực, giàn chống tự hành nên nhu cầu dùng gỗ trong khai thác than đã giảm hơn 4 lần so với trước đây. Trước đây cứ 1.000 tấn than cần 40m3 gỗ, bây giờ chỉ cần khoảng 10m3 là đủ. Tôi kể ra những con số ấy để thấy được sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật của anh em so với chúng tôi trước đây...”.

TKV đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và năm 2030 sẽ trở thành doanh nghiệp số. Hiện thực hóa mục tiêu này, TKV đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tận dụng sức mạnh công nghệ số, dữ liệu số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin, TKV đã ứng dụng hệ thống hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý khoa học, hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống kế toán với hóa đơn điện tử và phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Các mỏ than ở Quảng Ninh đã triển khai lắp đặt hệ thống GPS kết nối camera quan sát HD1080 trên phương tiện máy xúc, hệ thống GPS giám sát hành trình trên xe ô tô, máy gạt, máy xúc thủy lực. 

Hệ thống giao ca, nhận lệnh báo công trực tuyến, hệ thống cân ô tô điện tử, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh, giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính đã được thực hiện triển khai tại các đơn vị. TKV đang đẩy mạnh việc ứng dụng “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) trong các dây chuyền sản xuất, tập trung xây dựng hoàn thiện hạ tầng công nghệ số. 

Việc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số sẽ kết nối đồng bộ mục tiêu “3 hóa” giúp TKT nâng cao năng lực quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành than không chỉ là mối quan hệ giữa một ngành kinh tế nhà nước với địa bàn hành chính đứng chân, mà có sự gắn bó máu thịt, khăng khít. Thực ra đây là mối quan hệ giữa hình với bóng. 

Ngành than phát triển là Quảng Ninh phát triển, Quảng Ninh yên tâm, Đảng bộ Quảng Ninh vững mạnh hơn. Những nơi phát triển ở Quảng Ninh đều nhờ cơ sở vật chất của ngành than làm giàu cho đất nước đã đành, nhưng cũng góp phần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển vừa đóng góp xây dựng đội ngũ, chăm lo cho các gia đình công nhân. Những thành phố như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí đại bộ phận là gia đình thợ mỏ, con em công nhân mỏ.

Ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ: “bây giờ người ta đang quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch dịch vụ. Tôi không phủ nhận điều đó. Tôi vẫn cho rằng, đối với Quảng Ninh, ngành than vẫn là mũi nhọn, các ngành kinh tế khác phải xoay quanh nó để cùng phát triển. Quảng Ninh có lợi thế không nơi nào có được là tồn tại một ngành kinh tế không chỉ quyết định sự phát triển của tỉnh mà còn của đất nước. Tôi nói vậy từ góc độ một người đi lên từ ngành than, người trưởng thành từ Đảng bộ Quảng Ninh”.

Ngược lại, Quảng Ninh luôn là chỗ dựa cho ngành than thể hiện ở chỗ xây dựng cơ sở chính trị, các tổ chức quan tâm đời sống công nhân, đề xuất với Đảng và Nhà nước các chính sách cho công nhân mỏ. “Quảng Ninh và ngành than là quan hệ hình và bóng. Hình mà cao thì bóng sẽ dài...”, ông Phạm Thế Duyệt nhìn nhận./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện