24/01/2025 | 02:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cần thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt

Bùi Đức Triệu
PGS, TS, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội
Cần thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt Công nhân Điện lực Trường Sa, Công ty Điện lực Ninh Thuận bảo trì thiết bị trên Nhà giàn DK1_Ảnh: evn.com.vn
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần thể hiện vị trí, vai trò nòng cốt, dẫn dắt, mở đường trong nền kinh tế; là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị, cơ cấu lại nguồn vốn, các chuỗi sản xuất, cung ứng... Muốn đạt mục tiêu đó, cần triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp.

Một số vấn đề đặt ra

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2024, Việt Nam có 671 DNNN, trong đó gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng của nền kinh tế. 

Trong số 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gồm 35 doanh nghiệp thuộc các cơ quan trung ương, 126 doanh nghiệp thuộc địa phương), có 3 tập đoàn kinh tế, 17 tổng công ty nhà nước; 6 công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 172 công ty độc lập. 

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành nông, lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất, kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng).

Vốn chủ sở hữu của các DNNN hơn 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ. Doanh nghiệp nhà nước vẫn là đầu tàu, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Một số lĩnh vực họ có vai trò chủ đạo, như an ninh năng lượng, lương thực, viễn thông, xăng dầu, tài chính. Các doanh nghiệp cũng tích cực cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh và đóng góp của DNNN vào phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận: tổng doanh thu khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp khoảng 28% thu ngân sách nhà nước, giải quyết khoảng 0,7 triệu lao động... 

Các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy có sự tăng trưởng, phản ánh hiệu quả hoạt động của DNNN ngày càng tăng. Năm 2023, tổng lãi phát sinh trước thuế của các DNNN tiếp tục tăng lên 125.847 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch.

Trong năm 2023, các DNNN nói chung đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, kinh doanh. Các dự án cơ bản được khẩn trương thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Tuy nhiên, thực tế những năm qua khu vực DNNN cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Một là, về quy mô tổng thể. Tỷ trọng của khu vực nhà nước là quá cao so với các nước, kể cả các nước có tính định hướng xã hội cao như các nước Bắc Âu. Tính đến cuối năm 2023, vẫn còn 676 DNNN. Đây là con số lớn so với số lượng DNNN từ 10 tới 120 tại các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 240 DNNN tại Ấn Độ.

Hai là, cơ cấu bất hợp lý. Hiện, cơ cấu khu vực DNNN còn bất hợp lý về ngành, vùng, quy mô và mặc dù đã có rất nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa được chuyển dịch thích đáng. Tình trạng manh mún, chồng chéo, trùng lặp, các DNNN trên cùng một địa bàn mang tính phổ biến dẫn đến đầu tư của Nhà nước bị dàn trải, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNNN, thậm chí giữa các đơn vị của cùng một tổng công ty, gây lãng phí nguồn lực.

Ba là, hiệu quả hoạt động thấp. Năm 2023, 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng 115.270 tỷ đồng, tương đương 4,6 tỷ USD. Mức lỗ lũy kế này gấp 1,7 lần so với ghi nhận cuối năm 2022 (gần 69.900 tỷ đồng). Trong đó, 72 doanh nghiệp lỗ phát sinh hơn 33.700 tỷ đồng.

Bốn là, trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu. Đến nay, nhiều DNNN được trang bị máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, có những thiết bị lạc hậu, tốn năng lượng và ô nhiễm cao. Đầu tư cho công nghệ cao, hiện đại cũng không được quan tâm thích đáng. 

Như vậy, DNNN khó có thể thực hiện được vai trò tấm gương về năng suất, chất lượng làm đầu tàu về khoa học - công nghệ trong điều kiện cạnh tranh hiện nay và tương lai.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Trên cơ sở quan điểm định hướng phát triển kinh tế nhà nước, đổi mới của DNNN, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”. 

Để tiếp tục đổi mới, phát triển DNNN trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Thứ nhất, xác định DNNN chỉ là một bộ phận cấu thành của kinh tế nhà nước, do đó để bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, DNNN không nhất thiết phải có vai trò chủ đạo, càng không cần nắm tỷ trọng cao và áp đảo ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. 

Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo một cách đồng bộ, toàn diện thể chế, chính sách cho việc phát triển các DNNN phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm kiểm soát độc quyền trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cần được xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Thứ hai, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong các DNNN đối với vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, để có thể vừa bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; vừa bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước. 

Hoàn thiện việc giám sát, đánh giá các DNNN; thiết lập hệ thống các tiêu chí đánh giá hiệu quả của DNNN. Việc giám sát và đánh giá các DNNN cần và phải đặt trong kết cấu chặt chẽ của hệ thống giám sát thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. 

Bảo đảm tính minh bạch, công khai của DNNN và trách nhiệm giải trình của người quản lý DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.                            

Thứ ba, cần phân định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần. Đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. 

Kiên quyết sắp xếp, xóa bỏ các DNNN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng nhiều DNNN mở quá rộng ngành, nghề mới nhưng không liên quan đến ngành, nghề chính, không góp phần làm cho ngành, nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh. 

Có biện pháp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, giá trị thương hiệu để đẩy mạnh việc thoái vốn, cổ phần hóa của DNNN.

Thứ tư, đổi mới quản trị của DNNN theo các chuẩn mực quốc tế, xây dựng đội ngũ quản lý của DNNN chuyên nghiệp, có năng lực và phẩm chất cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn, sức cạnh tranh của DNNN. 

Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa của DNNN hiệu quả, công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. 

Hoàn thiện cơ chế sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước.

Thứ năm, phát triển đội ngũ cán bộ của DNNN, xây dựng cơ chế bảo đảm để các DNNN hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, nhưng đào tạo và tuyển chọn cho được đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ngang tầm cũng rất cần thiết. 

Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương áp dụng cơ chế giao khoán, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong phạm vi toàn bộ khu vực của DNNN; thực hiện giao khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất, kinh doanh, ngành, nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. 

Thực hiện cơ chế tuyển dụng, thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DNNN./.