Nhìn lại năm 2024
Theo nhận định của các nhà phân tích, có thể coi sự thất bại của hệ thống quốc tế trong việc duy trì hòa bình là “điểm thấp đáng lo ngại” trong năm 2024. Tuy nhiên, đây cũng là năm của “những đỉnh cao lịch sử”, điển hình như việc “Hiệp ước cho tương lai” được đa số các thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9, với những giải pháp có tính đột phá, nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường cũng như những thách thức công nghệ mà nhân loại đang phải đối mặt... Điều đó cũng cho thấy, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và khó lường như hiện nay, hợp tác vẫn là xu thế và yêu cầu cần thiết cho sự phát triển.
I. NĂM CỦA NHỮNG THAY ĐỔI
Năm 2024 có thể được gọi là “năm của những thay đổi”, khi 2 tỷ cử tri ở hơn 60 quốc gia đi bỏ phiếu. Với những lo lắng về tình hình chính trị hiện tại hay tình trạng giá cả tăng cao, sự chia rẽ về các vấn đề văn hóa..., thông qua lá phiếu, cử tri ở nhiều nước đã khiến không ít chính trị gia và đảng phái chính trị truyền thống phải “trả giá”.
Năm khó khăn cho những đảng cầm quyền
Trong cuộc bầu cử gây chú ý nhất của năm - cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump - cựu Tổng thống của Đảng Cộng hòa - đã đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa cũng giành được đa số ở cả 2 viện của Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp mà đảng cầm quyền đương nhiệm thua cuộc. Và đây cũng là một trong nhiều thất bại đáng chú ý của những đảng đương nhiệm trên toàn thế giới vào năm 2024.
Tại Vương quốc Anh, Đảng Lao động giành được đa số phiếu áp đảo trong Quốc hội, chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ. Thất bại thảm hại nhất của một đảng cầm quyền lâu năm cũng xảy ra ở Botswana, nơi Đảng Dân chủ Botswana mất quyền lực lần đầu tiên sau gần 60 năm.
Vào tháng 4, cử tri Hàn Quốc đã trao cho đảng Dân chủ đối lập đa số ghế trong Quốc hội - một động thái được coi là để kiểm tra Tổng thống Yoon Suk Yeol của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP). Vào đầu tháng 12, Tổng thống Yoon đã áp đặt thiết quân luậtvà cáo buộc các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ có các hoạt động “chống nhà nước”. Tuy nhiên, quyết định này đã đẩy Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng chính trị gây nhiều lo ngại.
Chỉ qua 1 đêm sau khi bị Quốc hội bãi bỏ thiết quân luật, sáng ngày 4-12, một loạt quan chức cấp cao của dưới quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đệ đơn xin từ chức; ông Kim Yong Hyun - cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị cơ quan công tố bắt giữ. Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc do đảng đảng Dân chủ (DP) đối lập kiểm soát cũng đã thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt thường trực để điều tra Tổng thống và các quan chức cấp cao liên quan. Ngày 14-12, Quốc hội Hàn Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, đình chỉ chức vụ của ông này; đồng thời trao Thủ tướng Han Duck Soo trách nhiệm quyền Tổng thống. Tuy nhiên, đến ngày 27-2, quyền Tổng thống Han Duck Soo cũng bị luận tội do ông này trì hoãn thủ tục phế truất ông Yoon; quyền lãnh đạo tạm thời được chuyển giao cho Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Choi Sang Mok... Theo đánh giá, những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc không chỉ thể hiện sự chia rẽ gay gắt giữa các đảng phái mà còn gây nhiều ảnh hưởng xấu tới hợp tác trên nhiều lĩnh vực của nước này với các đồng minh và đối tác cũng như với bản thân nền kinh tế Hàn Quốc. |
Tại Ghana, Panama, Bồ Đào Nha và Uruguay, các đảng đối lập có nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau cũng đã giành được quyền lực. Ở một số quốc gia khác, các đảng đương nhiệm dù vẫn nắm giữ quyền lực nhưng phải chịu những thất bại đáng kể, như Đảng Đại hội dân tộc Phi (Nam Phi) không giành được đa số ghế trong Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata dù giành chiến thắng thứ ba liên tiếp nhưng buộc phải thành lập chính phủ liên minh; còn liên minh Ensemble trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại mất đi sự ủng hộ vào tay Mặt trận Bình dân mới cánh tả và Đảng Tập hợp quốc gia cánh hữu...
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu
Một số cuộc bầu cử năm 2024 ở châu Âu đã nêu bật xu hướng này. Chẳng hạn như nhiều đảng dân túy cánh hữu vận động tranh cử theo đường lối phản đối nhập cư gay gắt giành được nhiều ủng hộ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay.
Tại Pháp, dù Đảng National Rally theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu của bà Marine Le Pen không nắm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội nhưng vẫn tăng đáng kể số ghế mà đảng này đang nắm giữ tại Quốc hội.
Ở Áo, Đảng Tự do cực hữu giành được 29% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng 9 - tỷ lệ cao nhất và là kết quả tốt nhất từ trước đến nay.
Tại Romania, 3 đảng cực hữu thu được kết quả vượt trội trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 12. Ngoài ra, ứng cử viên cánh hữu Calin Georgescu đã nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống của đất nước. Tuy nhiên, ngày 6-12, Tòa án Hiến pháp Romania đã hủy bỏ kết quả vòng bỏ phiếu này.
Trước đó, trong cuộc bầu cử tháng 3, đảng cánh hữu Chega tại Bồ Đào Nha cũng đã giành được 50 trong số 230 ghế trong Quốc hội, tăng từ chỉ 12 ghế vào năm 2022 và 1 ghế vào năm 2019.
Trong khi đó, Đảng Reform UK giành được 14% số phiếu bầu, cao thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử của Vương quốc Anh; lãnh đạo đảng này cũng giành được 1 ghế trong Quốc hội. Tại Đức, Đảng Alternative for Germany cũng đã trở thành đảng chính trị cực hữu đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở nước này kể từ sau Thế chiến II.
Nguồn cơn của những thay đổi
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), mặc dù mọi cuộc bầu cử đều được định hình bởi các yếu tố địa phương, nhưng những thách thức về kinh tế là chủ đề nhất quán trên toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Cuộc khảo sát của Pew tiến hành tại 34 quốc gia vào đầu năm 2024 cho thấy, ở một số quốc gia tổ chức bầu cử như Pháp, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc và Vương quốc Anh, hơn 70% số người được hỏi cho biết nền kinh tế quốc gia của họ đang trong tình trạng tồi tệ.
Nhưng những yếu kém của nền kinh tế không phải là lý do duy nhất khiến cử tri bất mãn. Các cuộc khảo sát toàn cầu của Pew trong vài năm qua cũng đã ghi nhận sự thất vọng lớn của người dân với cách thức nền dân chủ đang hoạt động tại quốc gia của họ. Nhiều người cảm thấy xa cách với các nhà lãnh đạo và thể chế chính trị hay việc các viên chức được bầu không có cùng mối quan tâm với cử tri...
Chính vì vậy, dù là cánh hữu hay cánh tả, các đảng dân túy đều có thể tận dụng sự thất vọng của cử tri đối với giới tinh hoa và niềm tin mà nhiều người chia sẻ rằng các đảng phái và nhà lãnh đạo không đồng cảm với người dân.
Không riêng châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân túy cũng đã thành công tại Mỹ và nhiều quốc gia ở các châu lục khác. Chẳng hạn như phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Donald Trump đã trở thành lực lượng thống trị trong Đảng Cộng hòa, khiến đảng này trở nên rất khác so với trước năm 2015.
Theo Pew, sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy cũng trùng hợp với sự chia rẽ chính trị sâu sắc về văn hóa và bản sắc ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như tại Pháp, Đảng National Rally của bà Le Pen thường xuyên đưa ra lập luận về việc bảo vệ nền văn hóa và nền văn minh Pháp khỏi những người nhập cư và người ngoài.
Đảng Tự do Áo, Alternative for Germany, Đảng Tự do tại Hà Lan và Brothers của Italia cũng đã đưa mối quan tâm về vấn đề nhập cư, đặc biệt là nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo, vào trọng tâm các cương lĩnh của họ...
Bên cạnh đó, mặc dù cử tri hầu như luôn ưu tiên các vấn đề trong nước hơn những thách thức quốc tế, nhưng các cuộc xung đột quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến Nga - Ukraina và Israel - Hamas vẫn đóng vai trò quan trọng trong năm bầu cử 2024.
Đơn cử như tại Vương quốc Anh, một số ít thất bại của Đảng Lao động bắt nguồn từ việc các ứng viên cánh tả chỉ trích sự ủng hộ của Thủ tướng Keir Starmer đối với Israel. Tại Mỹ, nhiều cuộc thăm dò cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa những người ủng hộ Đảng Dân chủ, đặc biệt là nhiều người trẻ tuổi theo chủ nghĩa tự do phản đối cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với cuộc chiến Israel - Hamas. Đây cũng là một vấn đề ở Pháp, nơi nhiều người cáo buộc các nhà lãnh đạo của France Unbowed - vốn chỉ trích mạnh mẽ Israel - là có tư tưởng bài Do Thái...
II. XUNG ĐỘT DAI DẲNG VÀ NHỮNG “ĐIỂM NÓNG” MỚI
Không chỉ là một trong những nguyên nhân tạo ra sự “phân cực” của các cuộc bầu cử, những cuộc xung đột lớn và diễn biến chính trị phức tạp trên thế giới trong năm 2024 tiếp tục gây ra nhiều mất mát, đau thương và lo ngại.
Cuộc chiến hơn 1.000 ngày
Ngày 19-11-2024 đánh dấu ngày thứ 1.000 kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành tại Ukraina bắt đầu và trở thành cuộc xung đột toàn diện giữa hai bên. Cuộc chiến đã không chừa một khu vực hay khu định cư nào ở Ukraina, để lại đằng sau những đống đổ nát và nước mắt.
Vào tháng 2-2024, Tổng thống Ukraina tuyên bố, tính đến ngày 25-2, quân đội Ukraina đã mất khoảng 31.000 binh sĩ. Trong khi đó, Phái bộ Giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraina ghi nhận, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đến ngày 31-8, ít nhất 11.743 dân thường thiệt mạng và 24.614 người bị thương ở Ukraina. Các quan chức Liên hợp quốc và Ukraina cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều, do khó khăn trong việc xác minh số người chết và bị thương.
Vào tháng 9-2024, tạp chí Wall Street Journal của Mỹ công bố một báo cáo cho biết, số thương vong của quân đội Ukraina đã lên tới 80.000 người.
Nếu không tính tới những số liệu thương vong không nhỏ nhưng hạn chế về độ chính xác do cả Ukraina và Nga đều không tiết lộ đầy đủ, những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng triệu người dân Ukraina bởi cuộc chiến này là thực tế không thể phủ nhận.
Chỉ tính riêng tháng 8-2024, hơn 170.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa ở miền Đông Ukraina do các cuộc giao tranh, đưa tổng số người phải trốn chạy, tìm kiếm sự an toàn ở các khu vực khác của Ukraina hoặc các quốc gia khác từ đầu cuộc chiến đến thời điểm này lên hơn 10,7 triệu người. Tính chung từ đầu năm 2024, gần 400.000 người Ukraina đã vượt biên giới vào Liên minh châu Âu (EU).
Trong những tháng gần đây, nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khởi xướng một hiệp ước hòa bình giữa Ukraina và Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh những động lực địa - chính trị cũng như vai trò của các tác nhân quốc tế trong việc định hình tương lai của cuộc xung đột vẫn khá phức tạp, sự thiếu nhất quán trong cách hành xử của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng như lập trường “không nhượng bộ” của Nga vẫn khiến tương lai cuộc chiến chưa thực sự rõ ràng. |
Cũng trong năm 2024, hệ thống các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công của quân đội Nga. Đặc biệt, ngành năng lượng nước này tiếp tục chịu tổn thất đáng kể, với khoảng 65% công suất phát điện bị phá hủy. Mối đe dọa vẫn ở mức cao khi các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn, làm phức tạp thêm các nỗ lực khôi phục hệ thống năng lượng và đảm bảo sự ổn định khi những tháng lạnh hơn bắt đầu.
Cuộc chiến cũng đã gây ra thiệt hại to lớn về môi trường đối với Ukraina, với những hậu quả lâu dài và khó có thể đánh giá đầy đủ. Do các hành động quân sự, hàng nghìn héc-ta diện tích tự nhiên đã bị biến thành những cánh rừng và cánh đồng bị thiêu rụi. Theo Bộ Nội vụ Ukraina, tính đến đầu tháng 7-2024, hơn 144.000km2 đất của quốc gia này được coi là có khả năng nguy hiểm đối với con người và môi trường do còn sót lại các vật liệu gây nổ.
Hơn 1 năm xung đột Israel - Hamas
Ngày 7-10-2024 đánh dấu 1 năm xung đột Israel - Hamas nổ ra ở Dải Gaza, sau khi phong trào Hamas mở cuộc tấn công bất ngờ với quy mô lớn vào Israel, khiến khoảng 1.200 người ở Israel thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin. Đây là lý do khiến Israel tổ chức các cuộc phản công và phát động một cuộc chiến toàn diện để tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin.
Sau những cuộc giao tranh trên bộ và các đợt ném bom không ngừng nghỉ, chỉ nới lỏng một chút lệnh bao vây để cho phép một lượng viện trợ và hàng hóa thương mại không đủ vào Gaza, năm 2024, các vòng đàm phán ngừng bắn đã không đạt được kết quả, phần lớn do Thủ tướng Netanyahu kiên quyết muốn đạt được “chiến thắng hoàn toàn” trong việc tiêu diệt Hamas.
Theo thống kê, đến nay các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến hơn 41.000 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng, trong đó có hơn 16.000 trẻ em; gần 100.000 người bị thương; hơn 10.000 người khác mất tích. Xung đột giữa Israel và Hamas cũng đẩy Gaza vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo và y tế nghiêm trọng: khoảng 1,9 triệu người, tương đương 90% dân số khu vực này, đã phải rời bỏ nhà cửa nhiều lần, di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác trong cảnh hỗn loạn, khiến trẻ em không thể đến trường; hơn 2 triệu người Palestine phải sống trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng, không được tiếp cận với các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước, vệ sinh, nơi trú ẩn an toàn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho rằng, nạn đói tại Gaza hoàn toàn do con người gây ra, khi gần 70% diện tích trồng trọt đã bị tàn phá. Toàn bộ người dân phải trông cậy hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo, điều này chỉ càng tồi tệ hơn khi thực phẩm không được phân phát đến người dân Gaza do những hạn chế về tiếp cận và tình hình an ninh bất ổn. |
Không dừng lại ở đó, cuộc chiến Israel - Hamas còn lan rộng ra khu vực Trung Đông. Theo đó, trong năm qua, Israel đã tiến hành nhiều cuộc giao tranh với các lực lượng nằm trong “trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt, bao gồm lực lượng Houthi tại Yemen và phong trào Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon.
Các nhóm này đã tuyên bố tấn công nhắm vào mục tiêu Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza. Dù một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah do Mỹ và Pháp làm trung gian đã được thực hiện từ ngày 27-11, đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi động thái hòa giải hiếm hoi sau hơn 14 tháng giao tranh ác liệt trong khu vực, nhưng ít nhiều rủi ro vẫn hiện hữu, làm tăng khả năng thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời.
Tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn đòi hỏi nỗ lực phối hợp lớn từ tất cả các bên để đảm bảo các thỏa thuận hiện tại và tương lai không bị phá vỡ.
Bất ổn ở Syria
Từ nhiều năm nay, Syria luôn là một trong những điểm nóng hàng đầu tại khu vực Trung Đông. Cuộc nội chiến từ năm 2011 ở quốc gia này đã giết chết hàng trăm nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Tuy nhiên, kể từ khi Iran và Nga giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ và tất cả các thành phố lớn, hầu hết các cuộc giao tranh lớn đã được dập tắt.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 11, lực lượng phiến quân do nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động các cuộc tấn công chống lại Chính phủ Syria. Những cuộc tấn công chớp nhoáng đã đưa các lực lượng nổi dậy ở Syria tiến vào chiếm Thủ đô Damascus ngày 8-12, buộc ông Assad chạy trốn sang Nga, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia đình ông Assad.
Theo các chuyên gia, sự kiện chuyển giao quyền lực bất ngờ ở Syria từ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sang liên minh các lực lượng nổi dậy do HTS dẫn đầu đã góp một “mảnh ghép” giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể đang định hình về một trật tự Trung Đông mới.
Trong đó, sự sụp đổ ảnh hưởng của gia tộc Assad, có đường lối kiên trì chống Israel tại Syria, đã chính thức “hạ nhiệt” mối đe dọa giáp biên giới cuối cùng còn sót lại của “trục kháng chiến” do Iran điều phối đối với khu vực lãnh thổ phía Bắc của Israel.
Tuy nhiên, biến động ở Syria cũng dẫn đến việc tăng cường sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhằm chiếm giữ các vị trí mới thuộc vùng đệm giữa Israel và Syria ở khu vực Cao nguyên Golan - hành động đi ngược lại với thỏa thuận giữa hai bên vào năm 1974; đồng thời tiến quân và tấn công nhiều khu vực trong lãnh thổ Syria với lý do bảo đảm an ninh cho Israel.
Điều này khiến nhiều nước như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ,... lo ngại, đặc biệt là khi đây được xem là cơ hội để quân đội Israel tiếp tục tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran.
Bên cạnh đó, mặc dù phe nổi dậy ở Syria cam kết nhanh chóng hòa giải và tái thiết đất nước sau nội chiến, nhưngnhiều ý kiến cho rằng, quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra những mâu thuẫn mới có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc nội chiến mới ở Syria.
Do vậy, chính phủ chuyển tiếp ở nước này cần thúc đẩy một tiến trình chuyển đổi chính trị bao trùm hơn, với sự tham gia của các đảng phái và cộng đồng khác nhau, nhằm tránh làn sóng xung đột mới. Tất nhiên, việc giải quyết những vấn đề phức tạp của quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào cuộc cạnh tranh quyền lực chồng chéo giữa các nước lớn tại Syria nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung.
III. NGHÈO ĐÓI VẪN LÀ NỖI LO
Mặc dù xóa đói, giảm nghèo là một trong những mục tiêu phát triển bền vững được tập trung thực hiện trong năm 2024, nhưng thế giới vẫn còn 1,1 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đói đa chiều, trong đó gần 40% sống ở các quốc gia có xung đột.
Xung đột - nguyên nhân của đói nghèo
Chiến tranh, xung đột và tình trạng bất ổn đã gây ra nhiều hệ lụy, cản trở tiến trình phát triển của thế giới và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói. Điều này được nhận diện khá rõ, qua báo cáo về hậu quả của cuộc chiến ở Dải Gaza, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (UNESCWA) công bố cuối tháng 10-2024.
Báo cáo nhận định, cuộc chiến đã kéo lùi sự phát triển ở Gaza tới 69 năm; đồng thời ước tính rằng tỷ lệ nghèo đói ở Palestine tăng lên 74,3% vào năm 2024, ảnh hưởng đến 4,1 triệu người. “Đánh giá của chúng tôi nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo về hàng triệu sinh mạng đang bị hủy hoại và hàng thập niên nỗ lực phát triển đang bị xóa sổ”, Tổng thư ký ESCWA Rola Dashti cho biết.
Cụ thể, theo báo cáo này, đến cuối năm 2024, Chỉ số phát triển con người (HDI) tại Palestine nói chung có thể giảm xuống mức chưa từng thấy, chỉ còn 0,643, khiến sự phát triển bị chậm lại 24 năm, trong đó riêng HDI ở khu vực Gaza chỉ là 0,408, tương đương với mức ước tính vào năm 1955.
Đánh giá của UNDP và UNESCWA cũng cho thấy, chiến tranh đã làm trầm trọng thêm mức độ nghèo đói được đo bằng Chỉ số nghèo đa chiều (MPI). Theo đó, tất cả các chỉ số như điều kiện nhà ở, khả năng tiếp cận dịch vụ và an toàn đều xấu đi đáng kể.
Sự gia tăng lớn nhất về tỷ lệ thiếu thốn trong các chỉ số MPI được ghi nhận là quyền tự do đi lại, nguồn lực tiền tệ, thất nghiệp, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhập học... Số người sống trong tình trạng nghèo đa chiều tại Palestine đã tăng gấp đôi trong giai đoạn chiến tranh, từ 24,1% lên 55,4%.
Không riêng chất lượng cuộc sống của người dân Palestine bị giảm sút nghiêm trọng do chiến tranh, mà bản cập nhật mới nhất về MPI toàn cầu do UNDP và Sáng kiến Phát triển con người và Nghèo đói Oxford (OPHI) thực hiện cũng cho thấy, có tới 455 triệu trong tổng số hơn 1,1 tỷ người nghèo trên thế giới đang sống ở các quốc gia xảy ra xung đột bạo lực. Tỷ lệ đói nghèo ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột cao gần gấp 3 lần so với các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong báo cáo mới này, dữ liệu về tình trạng nghèo đói của mỗi quốc gia được đối chiếu với tình trạng xung đột ở của quốc gia đó tại thời điểm khảo sát, từ đó đưa ra những hiểu biết mới về liên quan giữa xung đột và nghèo đói. |
“Xung đột đã gia tăng và nhân lên trong những năm gần đây, đạt đến mức thương vong kỷ lục mới, di dời hàng triệu người và gây ra sự gián đoạn rộng rãi đối với cuộc sống và sinh kế”, ông Achim Steiner - Tổng Giám đốc UNDP - cho biết.
Theo tổ chức này, các quốc gia có chiến tranh có mức độ thiếu thốn cao hơn trên tất cả 10 chỉ số MPI. Chẳng hạn, ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, hơn 1/4 số người nghèo không được tiếp cận với điện, so với chỉ hơn 1/20 người ở các khu vực ổn định hơn. Sự chênh lệch tương tự cũng thấy rõ trong các lĩnh vực như giáo dục trẻ em (17,7% so với 4,4%), dinh dưỡng (20,8% so với 7,2%) và tỷ lệ tử vong ở trẻ em (8% so với 1,1%)...
Giảm nghèo cũng có xu hướng chậm nhất ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột - nơi tình trạng nghèo đói thường cao nhất. Ví dụ như trong giai đoạn hỗn loạn 2015 - 2016 và 2022 - 2023, tại Afghanistan đã có thêm 5,3 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói đa chiều. Riêng trong năm 2022 - 2023, gần 2/3 dân số Afghanistan là người nghèo.
Trong khi đó, theo Chương trình Dữ liệu xung đột Uppsala, ở các quốc gia có chiến tranh, cứ 3 người thì có hơn 1 người nghèo (34,8%), trong khi ở các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi xung đột, tỷ lệ này là 1 trong 9 người (10,9%).
Lo ngại và hy vọng
Ngoài những phân tích chuyên sâu về tình trạng nghèo đói trong bối cảnh xung đột, báo cáo MPI mới nhất còn cho biết, trong năm 2024, hơn một nửa trong số 1,1 tỷ người nghèo là trẻ em dưới 18 tuổi (584 triệu). Trên toàn cầu, 27,9% số trẻ em sống trong cảnh nghèo đói, cao hơn 2 lần so với tỷ lệ nghèo đói của người lớn.
Cùng với đó, một tỷ lệ lớn trong số 1,1 tỷ người nghèo không có điều kiện vệ sinh đầy đủ (828 triệu người), nhà ở (886 triệu người) hoặc nhiên liệu nấu ăn (998 triệu người).
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận những bước tiến tích cực trong vấn đề này, đó là việc 76 trong số 86 quốc gia có dữ liệu thống nhất đã giảm đáng kể tình trạng nghèo đói theo giá trị MPI trong ít nhất một khoảng thời gian.
Đặc biệt, một “điểm sáng” trong những diễn biến toàn cầu trong năm 2024 là tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 diễn ra vào tháng 9, các thành viên Liên hợp quốc đã thông qua “Hiệp ước cho tương lai” nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường cũng như những thách thức công nghệ mà nhân loại đang phải đối mặt.
Tổ chức đa phương này đánh giá đây là bản kế hoạch tương lai “mang tính đột phá”, là bước thay đổi hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và có tính tương tác, kết nối cao hơn.
Hiệp ước nêu rõ 56 hành động, trong đó có các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình. Hiệp ước cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời thực hiện những nỗ lực mới để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ vũ khí và nêu định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Nội dung hiệp ước còn nhấn mạnh niềm tin vào “con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại”. |
IV. KINH TẾ TOÀN CẦU: NHỮNG BƯỚC CHUYỂN TÍCH CỰC
Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu năm 2024 có những bước tiến tích cực với việc lạm phát giảm và thương mại tăng trưởng tích cực.
Tăng trưởng vững chắc
Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, OECD nhận định, kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển mình khi tăng trưởng vẫn vững chắc trong nửa đầu năm 2024, với lạm phát giảm, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại, thu nhập thực tế được cải thiện và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn ở nhiều nền kinh tế...
Cụ thể, lạm phát tại các nền kinh tế G-20 dự kiến sẽ giảm xuống còn 5,4% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 6,1% vào năm 2023, trong khi lạm phát cơ bản tại các nền kinh tế tiên tiến G-20 giảm xuống còn 2,7% vào năm 2024.
Tăng trưởng GDP tại Mỹ dự kiến sẽ chậm lại, nhưng sẽ được hỗ trợ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ, nên mức tăng trưởng dự kiến là 2,6% vào năm 2024. Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng dự kiến là 0,7%, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thu nhập thực tế và những cải thiện về khả năng tiếp cận tín dụng.
Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến giảm xuống còn 4,9% vào năm 2024, với các chính sách kích thích được bù đắp bởi nhu cầu tiêu dùng yếu và sự điều chỉnh sâu đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản... Từ các dự báo trên, OECD cho rằng, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ duy trì ở mức 3,2% cao hơn mức 3,1% của năm 2023.
Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 đã có sự cải thiện, với mức tăng trưởng cả năm đạt 3,2%. Trong đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể đạt 3,1%, cải thiện đáng kể so với mức tăng 0,8% của năm 2023. Cuộc chiến chống lạm phát cũng đã “giành được chiến thắng” ở hầu hết các quốc gia, mở đường cho việc các ngân hàng trung ương lớn nới lỏng tiền tệ.
Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2024 công bố hồi tháng 10, IMF cho biết, triển vọng tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn duy trì ở mức ổn định khoảng 4,2% trong năm 2024, với hiệu suất mạnh mẽ liên tục từ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2024 được điều chỉnh tăng từ 2,6% lên 2,8%, chủ yếu do tiêu dùng mạnh hơn dự kiến.
Trong khi đó, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, dự báo tăng trưởng bị điều chỉnh giảm từ 5% xuống còn 4,8%, trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản vẫn còn yếu và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á và nhập khẩu của các nước Bắc Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến. Trong khi đó, dòng chảy thương mại châu Âu tiếp tục giảm ở cả phía xuất khẩu và nhập khẩu, làm giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2024, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới đã có quý thứ 5 tăng trưởng liên tiếp và đạt mức tăng dự kiến cả năm khoảng 2,7% so với năm 2023. |
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, do các nền kinh tế lớn như Đức và Italia gặp nhiều khó khăn. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng dự kiến mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn là 7% vào năm 2024.
Những băn khoăn còn lại
Dù đã đạt được những bước chuyển tích cực, nhưng một số diễn biến kinh tế toàn cầu trong năm 2024 cũng đã và đang gây ra nhiều lo ngại. Đó là việc các chính phủ mới được thành lập tại một số nước trên thế giới đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại và tài khóa.
“Hơn nữa, sự quay trở lại của những biến động thị trường tài chính vào mùa hè đã khơi dậy lo ngại về những lỗ hổng tiềm ẩn. Điều này làm gia tăng sự lo lắng về lập trường chính sách tiền tệ, nhất là ở các quốc gia nơi lạm phát dai dẳng và các dấu hiệu suy thoái đang xuất hiện”, báo cáo của IMF phân tích.
Bên cạnh đó, sự gia tăng các rạn nứt địa - chính trị cũng ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa kể việc một số quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp và người lao động trong nước.
IMF cũng cảnh báo, việc thị trường đánh giá thấp những rủi ro bắt nguồn từ các đợt xung đột quân sự và những cuộc bầu cử là điều đáng lo ngại, bởi nó làm gia tăng khả năng xảy ra những biến động lớn và đột ngột trên thị trường tài chính, tương tự như hồi tháng 8, sau khi Nhật Bản tăng lãi suất.
Ngoài ra, việc nới lỏng các điều kiện tài chính thông qua mức lãi suất thấp hơn cũng kéo căng định giá tài sản ở một số phân khúc, làm gia tăng nợ và đòn bẩy tài chính phi ngân hàng.
Trong khi đó, WTO cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng về các chính sách thương mại hướng nội có thể tạo ra thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới. Theo báo cáo tháng 12 của tổ chức này, từ giữa tháng 10-2023 đến giữa tháng 10-2024, các biện pháp hạn chế thương mại của các thành viên WTO tăng mạnh.
Giá trị thương mại chịu sự chi phối của 169 biện pháp hạn chế thương mại mới do các thành viên WTO đưa ra trong 12 tháng qua ước tính là 887,7 tỷ USD, cao hơn khoảng 500 tỷ USD so với giá trị thương mại chịu sự chi phối của các hạn chế được đưa ra trong năm trước (337,1 tỷ USD).
Tính chung, các chính sách hạn chế nhập khẩu có hiệu lực đã ảnh hưởng đến khoảng 2.942 tỷ USD, chiếm 11,8% lượng nhập khẩu của thế giới. Điều đó cho thấy môi trường thương mại toàn cầu ngày càng trở nên mong manh, không chắc chắn và bấp bênh!
V. VIỆT NAM SẴN SÀNG CHO KỶ NGUYÊN MỚI
Năm 2024, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam đã có những giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, qua đó đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tạo cơ sở cho việc hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới...
Chủ động vượt khó
Việt Nam thực hiện kế hoạch năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở Ukraina, Trung Đông...; giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu cơ bản và cước vận tải biến động mạnh; kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp...
Ở trong nước, nền kinh tế còn những hạn chế, bất cập nội tại; đồng thời phải tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh, như ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, nhận rõ những khó khăn, thách thức, trên cơ sở các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 cơ bản hoàn thành và vượt so với chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều điểm sáng tích cực... “Những thành tựu quan trọng đó đã củng cố thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới để chúng ta có thể tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. |
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho. Lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để kịp thời tháo gỡ nhữngđiểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” và “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”.
Tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan tâm, triển khai tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024, diễn ra ngày 7-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số. |
Những kết quả tích cực
Với những biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; các địa phương động lực, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai,... dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, 11 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch.
Đặc biệt, các động lực tăng trưởng phục hồi tích cực. Tính chung 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký khoảng 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% - cao nhất trong nhiều năm qua.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%. Du lịch phục hồi mạnh; khách quốc tế khoảng 15,8 triệu lượt người, tăng 41%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng 14,4% (khu vực trong nước tăng 20%, khu vực FDI tăng 12,4%); hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao; xuất siêu trên 24,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu thế giới...
Với những kết quả đạt được và giải pháp điều hành phù hợp, các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao, liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn, trong đó IMF đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút FDI tốt; quy mô xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 23 thế giới, nhập khẩu thứ 22 thế giới.
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước càng thêm tin tưởng và đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi). Trong tháng 11, có 96,2% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ...
Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Về phát triển bền vững, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với thứ hạng tăng mạnh, từ 88/149 vào năm 2016 lên 56/166 năm 2024.
Năm 2024 cũng để lại nhiều dấu ấn trong công tác cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị - xã hội ổn định; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên...
Có thể nói, những thành tựu được tiếp nối trong năm 2024 chính là những tiền đề quan trọng để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng./.
Duy Anh - Thành Nam - Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên (thực hiện)