16/10/2024 | 00:58 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Lê Xuân Kiêu
TS, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đại biểu nghe giới thiệu về các nội dung trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháng 10-2022_Ảnh: VGP
Kể từ khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức năm 1075 dưới triều Vua Lý Nhân Tông cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 dưới triều Vua Khải Định, lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam đã trải qua hơn 800 năm với hàng trăm khoa thi được tổ chức và sự xuất hiện của nhiều bậc hiền tài, góp phần bảo đảm cho sự hưng thịnh của biết bao triều đại. Được triều đình trọng dụng với nhiều ân điển, kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng còn được tôn vinh trên những tấm bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.

Tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn

Hiện vật bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được bảo quản dưới mái che, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi môi trường tự nhiên. Do vậy, hằng năm, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (sau đây gọi tắt là Trung tâm) tiến hành vệ sinh cơ học bằng dụng cụ bàn chải mềm, nước sạch nhằm loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn gây hại trên bề mặt bia đá, không áp dụng phương pháp bảo quản hóa học trong quá trình bảo quản.

Trung tâm thường xuyên kiểm tra, đánh giá các dãy nhà che bia để kịp thời duy tu loại bỏ và thay thế ngói hỏng, vỡ; loại bỏ các cây dây leo, cây mọc trên mái nhà; gia cố hàng rào bảo vệ ngăn cách giữa hiện vật và khách tham quan để bảo đảm an toàn cho hiện vật cũng như khách tham quan. 

Các biện pháp phòng chống cháy nổ và phòng cháy chữa cháy cho bia Tiến sĩ cũng được thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ. Đối với những hoạt động văn hóa khoa học, những sự kiện lớn tập trung đông người tại khu vực vườn bia Tiến sĩ, Trung tâm có phương án bảo vệ cụ thể trong từng sự kiện, tránh gây hại cho hiện vật.

Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động quảng bá rộng rãi về giá trị bia Tiến sĩ tới công chúng trong và ngoài nước. Trung tâm thường xuyên tổ chức triển lãm về bia Tiến sĩ không chỉ tại di tích mà còn tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang... 

Triển lãm “Lung linh sao Khuê” tổ chức năm 2017 với gần 50 hình ảnh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đặc biệt là một số đồ án trang trí trên bia Tiến sĩ được giải nghĩa ngắn gọn, cô đọng. Trung tâm thiết kế pano giới thiệu về giá trị tiêu biểu của 82 bia đề danh Tiến sĩ; tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có tìm hiểu về bia Tiến sĩ và danh nhân được khắc tên trên bia, các chương trình Ký họa Văn Miếu trong đó có nhiều tác phẩm về bia Tiến sĩ.

Chương trình giáo dục di sản tại di tích là một trong những hoạt động nổi bật, thu hút sự tham gia của nhiều trường học ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Đồng thời, Trung tâm cho dịch các bài văn bia sang tiếng Việt và tiếng Anh, các ấn phẩm giới thiệu về bia Tiến sĩ được làm mới về cả nội dung và hình thức nhằm tạo ấn tượng cho du khách, công chúng về một di sản đặc biệt. 

Theo đó, Trung tâm xuất bản các cuốn sách giới thiệu về bia Tiến sĩ, đó là Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ (tiếng Việt), 82 Văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (tiếng Anh). Năm 2018, Trung tâm cho ra mắt sách Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long, trong đó có một phần riêng giới thiệu về 82 bia Tiến sĩ với tiêu đề “Những trang sử đá vĩnh hằng”... 

Trung tâm cũng phối hợp nhóm các nhà nghiên cứu hoàn thành cuốn sách “Nét Việt trên bia Tiến sĩ” - ấn phẩm mỹ thuật lấy hình ảnh làm trọng tâm giới thiệu đến công chúng đầy đủ hình ảnh 82 tấm bia Tiến sĩ như: bản ảnh, bản rập, bản phác họa đặc họa. Công trình đã được Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020...

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện lưu giữ và bảo quản hiện vật là 82 bia Tiến sĩ triều Lê và triều Mạc đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới; Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Trong quá trình phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới bia Tiến sĩ, Trung tâm nhận thấy rằng, những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của 1.304 vị tiến sĩ tiếp tục cần được giải mã và giới thiệu rộng rãi đến công chúng, khách tham quan.

Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đó không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng và câm lặng đó là hàng nghìn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của các vị tiến sĩ.

Xuất phát từ cơ sở đó, năm 2022, Trung tâm thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” và “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia Tiến sĩ sẽ mang đến trong thời gian tới. 

Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. 

Những câu chuyện thú vị về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên gần gũi, sinh động, hấp dẫn khi được giới thiệu bằng công nghệ 3D mapping trong chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt cuối năm 2023, đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng...

Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Những năm qua, Trung tâm luôn chủ động, tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia Tiến sĩ. Hằng năm Trung tâm khảo sát, chụp ảnh và đánh giá mức độ xuống cấp hiện vật và có so sánh đối chiếu giữa năm hiện tại với năm trước để có phương án bảo quản, bảo vệ kịp thời trong tương lai. 

Theo đó, Trung tâm có những định hướng bảo tồn và đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị của những tấm bia Tiến sĩ.

Một là, Trung tâm tiếp tục thực hiện bảo quản, vệ sinh thường xuyên, định kỳ hiện vật bia Tiến sĩ. Đồng thời, tiến tới thực hiện bảo quản một cách đầy đủ với các nội dung: khảo sát, nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ cụ thể của từng tấm bia về đặc điểm, tình trạng, các tác nhân gây hại; lập phương án phù hợp và hữu hiệu với đặc điểm, tình trạng của từng tấm bia đá, từ việc gia cố, tu bổ thể rắn đến bảo quản, chống xuống cấp lâu dài bề mặt của bia.

Hai là, bổ sung, xây dựng phương án bảo tồn tổng thể đối với hệ thống bia Tiến sĩ và bảo tồn riêng lẻ các bia theo thời kỳ tạo tác; chống xuống cấp 2 tòa đình bia, 8 dãy nhà che bia, hàng rào bảo vệ...

Ba là, nghiên cứu, sưu tầm nội dung tư liệu về bia Tiến sĩ và các danh nhân khoa bảng được khắc tên trên bia Tiến sĩ để tiến tới lập hồ sơ danh nhân khoa bảng có tên trên bia.

Bốn là, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị của bia Tiến sĩ trên các kênh phương tiện truyền thông và website, fanpage của Trung tâm tới công chúng trong và ngoài nước.

Năm là, xây dựng bản thảo và xuất bản bộ sách bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long giới thiệu đầy đủ, chi tiết, cập nhật các kết quả nghiên cứu và dịch thuật mới, cùng hệ thống bảng biểu tra cứu phong phú, đa dạng. Mỗi bia được trình bày theo bố cục thống nhất.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của bia Tiến sĩ trên nền tảng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; thực hiện số hóa 3D để xây dựng cơ sở dữ liệu di sản bia Tiến sĩ về vật thể và phi vật thể. 

Trên cơ sở đó, phát triển các sản phẩm văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu, phục vụ khách tham quan, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa./.

11 March 2024