20/09/2024 | 19:00 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Làm gì khi du lịch trở thành gánh nặng?

Thanh Nam
Làm gì khi du lịch trở thành gánh nặng? Du khách tham quan Venice, Italia_Ảnh: AFP/TTXVN
Thành phố Venice xinh đẹp và lãng mạn của Italia phải “gồng mình” chịu tải lượng du khách lớn hơn bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, với hơn 10 triệu người viếng thăm mỗi năm. Hệ quả tiêu cực của tình trạng quá tải du lịch những năm gần đây trở thành đề tài tranh cãi quyết liệt. Nhưng nhìn nhận kỹ, “vấn nạn” này thực tế còn phức tạp hơn nhiều thay vì chỉ xem xét một nguyên nhân duy nhất là lượng du khách vượt quá giới hạn.

Là hoạt động kinh tế chủ lực của Liên minh châu Âu (EU), theo thống kê của Hội đồng châu Âu (EC), tính đến tháng 4-2024, du lịch ước chiếm đến 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU với những tác động trên bề rộng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm và phát triển xã hội. Nó là công cụ đầy sức mạnh chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Trong năm 2023, doanh thu khu vực này đạt khoảng 2,25 nghìn tỷ euro (tương đương 2,43 nghìn tỷ USD) và dự kiến đạt 2,4 nghìn tỷ euro trong năm 2024.

Những cuộc thảo luận mới đây về “quá tải du lịch” đã trở nên ngày một gay gắt ngay tại châu Âu. Thuật ngữ này gắn liền với tình trạng chung xảy ra tại các thành phố châu Âu và trở nên thông dụng từ năm 2017, khi các cư dân Barcelona (Tây Ban Nha) và Venice (Italia) bắt đầu làn sóng biểu tình phản đối số lượng du khách tăng vọt ở các địa điểm công cộng. Dù vậy, người ta vẫn chưa thể nhất quán về một định nghĩa chung cho thuật ngữ này.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) mô tả thuật ngữ này là “những tác động của du lịch tới một điểm đến, hoặc một phần của điểm đến, gây chi phối quá mức tới chất lượng cuộc sống của các công dân/hoặc chất lượng trải nghiệm của du khách theo hướng tiêu cực”. Với nhà nghiên cứu du lịch Paul Peeters, thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Breda (Hà Lan), “quá tải du lịch” xảy ra chủ yếu khi các giới hạn tự nhiên và sinh thái của một điểm đến bị vượt quá, hoặc khi nó đi quá các khuôn khổ của năng lực xã hội.

Những “thủ phạm” vô hình?

Một trong những đặc điểm rõ ràng nhất của tình trạng quá tải du lịch là số lượng du khách quá cao ở cùng một địa điểm, nhưng nó không đồng nghĩa với lượng lớn du khách như được làm rõ trong nghiên cứu gần đây của Ủy ban châu Âu. Nghiên cứu này nhấn mạnh: “quá tải du lịch nên được hiểu đúng hơn theo cách tương đối, thay vì tuyệt đối”. Chắc chắn, một số điểm đến có thể đáp ứng tốt số lượng lớn du khách, nhưng ngược lại, những điểm đến nhỏ hơn hoặc điểm mới (hoặc các khu vực miền núi) thường sẽ đạt tới giới hạn lượng khách có thể đáp ứng.

Nguyên nhân của tình trạng vượt quá giới hạn này khá đa dạng, với sự xuất hiện của hàng không giá rẻ và các nền tảng đặt vé trực tuyến khiến mọi người có thể đi du lịch dễ dàng hơn và rẻ hơn. Các du thuyền có sức chứa lớn hơn bao giờ hết đi dọc ngang các đại dương, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của các kỳ nghỉ mang tính cá nhân cũng đóng vai trò quyết định.

Theo nhà kinh tế học địa lý Sina Hardaker thuộc Đại học Wurzburg (Đức), một nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng “những nền tảng như Airnb (mô hình start-up trực tuyến thuê phòng nghỉ ở khắp thế giới) không chỉ giúp gia tăng số lượng phòng lưu trú, mà còn thay đổi hình thái của một thành phố. Nói cách khác, nó thay đổi cách thức phát triển và cơ cấu của một thành phố. Vì thế, có quá nhiều việc cần làm để xử lý thực trạng những du khách ngày càng can thiệp vào cuộc sống bình thường tại các khu dân cư châu Âu”.

Quan điểm này dường như càng được củng cố khi đang có những ý kiến tương đối bất mãn trước hiện trạng quá tải du lịch ở các thành phố, trong đó có London (Anh). Nữ chuyên gia Hardaker quả quyết: “cư dân địa phương chưa tới mức phải đối mặt với thực trạng du lịch như kiểu ở Barcelona hay Lisbon”. Phần lớn người London cư trú xa các điểm đến du lịch ồn ào vì sống ở trung tâm thành phố từ lâu nay là quá đắt đỏ với phần lớn dân chúng. Cũng theo bà Hardaker, những nền tảng trực tuyến xuyên biên giới cũng gây ra một vấn đề khác. Bà giải thích: “những nền tảng như thế này tự coi họ chỉ là những bên môi giới trung gian, theo đó họ giảm thiểu tác động của mình tới các điểm đến và hợp pháp hóa một thực tế là họ luôn lẩn tránh bất kỳ một trách nhiệm nào với địa phương”.

Có một điều chính xác là những công ty công nghệ này thường “vô hình”. Một vài start-up này không hề sở hữu cơ sở lưu trú hay văn phòng “vật lý” nào để ai đó có thể thăm viếng và hỏi han. Cũng không thể đo đếm được những ảnh hưởng thực tế của họ. Trong một chừng mực nào đó, liệu Google Maps có thực sự rút bớt các danh lam thắng cảnh, cửa hiệu và dịch vụ được liệt kê trong ứng dụng? Có bao nhiêu người từng đi thăm các khu ruộng bậc thang ở Bali (Indonesia) chỉ vì họ đã nhìn ngắm các bức ảnh này trên ứng dụng Instagram? Có một điều chắc chắn là nhiều du khách trong thời gian qua thường xuyên tham khảo các phiên bản tương tự trên chuyên trang du lịch Lonely Planet, để rồi quyết định phải “phượt” tới các địa danh có sức hút tương tự. Chuyên gia Hardaker kết luận: “nhưng bạn không thể so sánh những độc giả tiềm năng của một cuốn sách hướng dẫn du lịch với tác động từ một nền tảng trực tuyến như Instagram”.

Giá bất động sản gia tăng, sinh hoạt phí đắt đỏ

Quá tải du lịch gây những tác động phức tạp không kém. Theo nhà nghiên cứu du lịch Fabian Weber thuộc Đại học Khoa học và Nghệ thuật ứng dụng Lucerne (Thụy Sĩ), tác động rõ nhất là những đám đông vây kín các không gian công cộng. Bánh pizza bị bán hết sạch, các bãi biển đông nghẹt người và những đoàn dài du khách xếp hàng rồng rắn trước cửa các viện bảo tàng.

Những hệ quả khác chưa thể thấy ngay, nhưng tất yếu sẽ tới. Đó là khi khu vực lân cận bỗng có hàng chục cửa hàng bán đồ lưu niệm xuất hiện ở nơi mà trước đây từng là cửa hàng bán thịt, hoặc cửa hiệu kinh doanh khác. Du lịch bùng nổ cũng tự nó dẫn tới tình trạng giá bất động sản gia tăng trong khi chi phí sinh hoạt cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Chính quyền nhiều thành phố lớn tại châu Âu vẫn phải đắn đo giữa ngành dịch vụ “con gà đẻ trứng vàng” và các tác động xã hội nghiêm trọng và những ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương. Cuộc tranh cãi vẫn chưa đi tới hồi kết, trong khi đã xuất hiện một vài ứng phó nhằm giảm thiểu tác động của “vấn nạn” quá tải du lịch. Đơn cử như quốc đảo Iceland mới đây đã áp dụng những quy định nghặt nghèo về khí phát thải và cho lắp đặt những hệ thống phát điện trên bờ để các du thuyền cỡ lớn không chạy động cơ khi cập cảng. Thành phố Barcelona đã không còn cấp giấy phép xây dựng mới khách sạn và siết chặt quản lý cho thuê phòng chung cư trong kỳ nghỉ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện