16/10/2024 | 01:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thách thức đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa

Hồng Dương
Thách thức đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa Du khách và người dân tham dự lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc tại thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị_Ảnh: vietnam.vn
Phát triển nóng du lịch có thể gây ra những tác động tiêu cực khá nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa và lối sống của cộng đồng địa phương. Đây cũng là thách thức mà Việt Nam - quốc gia sở hữu đa dạng văn hóa và thiên nhiên phong phú - đang phải đối mặt.

Tác động đến bản sắc văn hóa

Những bức ảnh đẹp và trải nghiệm du lịch được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã làm tăng sự hấp dẫn của các điểm đến du lịch, góp phần vào hiện tượng phát triển nóng du lịch (overtourism) trên phạm vi toàn cầu. 

Tính phổ biến của du lịch giá rẻ như hàng không giá rẻ, các hình thức lưu trú giá rẻ, sự mở rộng cơ sở hạ tầng du lịch,... bùng nổ, việc đi du lịch trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn bao giờ hết, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho quốc gia, địa phương. 

Nhưng quy mô của điểm đến du lịch lớn hơn khả năng phục vụ của địa phương sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội, kinh tế, trong đó đặc biệt đặt ra thách thức đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt.

 Chính sách khuyến khích phát triển du lịch của quốc gia, nhất là của các địa phương, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu không lường trước những tác động tiêu cực sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc không thể đong đếm được, cả hữu hình và vô hình. 

Về khía cạnh môi trường, phát triển nóng du lịch dẫn đến quá tải lượng du khách có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên và làm suy giảm đa dạng sinh học. Ví dụ, các rạn san hô có thể bị phá hủy do du khách lặn biển không đúng cách hoặc các khu rừng bị chặt phá để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. 

Về khía cạnh kinh tế, mặc dù du lịch có thể đem lại lợi ích kinh tế, nhưng phát triển nóng có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào ngành này, gây ra những rủi ro kinh tế nếu lượng du khách giảm đột ngột. Ngoài ra, lợi ích kinh tế từ du lịch nếu không được phân phối công bằng, chỉ tập trung vào một số ít doanh nghiệp lớn, sẽ là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng xã hội. 

Về khía cạnh xã hội, một trong những tác động đáng lo ngại nhất của phát triển nóng du lịch là có thể làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương, gây ra xung đột giữa du khách và người dân địa phương, làm cho cộng đồng cư dân có thể cảm thấy bị xâm phạm không gian sống truyền thống và những giá trị, chuẩn mực của cộng đồng.

Khi du khách đến tham quan với số lượng lớn, họ thường mang theo lối sống và phong cách tiêu dùng riêng, tạo ra áp lực thay đổi đối với văn hóa bản địa. Các biểu hiện văn hóa, phong tục, tập quán và nghi lễ truyền thống của cộng đồng địa phương có thể dần bị thay đổi, mai một. Chẳng hạn, các lễ hội truyền thống có thể bị thương mại hóa để thu hút du khách, làm mất đi ý nghĩa và giá trị nguyên gốc của chúng.

Hơn nữa, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí có thể dẫn đến việc hủy hoại các di tích lịch sử văn hóa, dù cố ý hay vô tình. Các khu vực di sản có thể bị biến đổi để đáp ứng nhu cầu của du khách, làm hài lòng du khách, nhưng lại làm mất đi tính nguyên bản và đặc sắc của chúng.

Lối sống của cộng đồng địa phương cũng chịu tác động mạnh mẽ từ quá tải du lịch. Sự gia tăng đột ngột về số lượng du khách có thể dẫn đến tắc nghẽn giao thông, áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng như điện, nước, y tế và giáo dục. 

Điều này làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Ngoài ra, sự hiện diện của đông đảo du khách có thể tạo ra sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Họ có thể phải điều chỉnh lịch trình công việc, học tập, sinh hoạt để tránh những thời điểm du khách đông đúc. 

Những thay đổi này không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày mà còn tạo ra cảm giác không thoải mái, bất tiện cho cư dân địa phương.

Mặc dù du lịch có thể mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, nhưng quá tải du lịch cũng có thể tạo ra những áp lực kinh tế và xã hội đáng kể. Giá cả hàng hóa và dịch vụ có thể tăng cao, làm cho đời sống của người dân địa phương trở nên khó khăn hơn. 

Ngoài ra, sự chênh lệch về lợi ích kinh tế giữa những người làm việc trong ngành du lịch và những người không làm có thể dẫn đến sự chia rẽ và bất bình đẳng trong cộng đồng. Hơn nữa, sự phát triển du lịch ồ ạt có thể thu hút người dân địa phương vào các ngành nghề phục vụ du lịch, làm giảm sự đa dạng nghề nghiệp và phụ thuộc quá mức vào du lịch. 

Khi ngành du lịch gặp khó khăn (ví dụ như trong đại dịch COVID-19), những người này có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, bấp bênh kinh tế.

Cần sự hợp tác chặt chẽ

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá tải du lịch đến bản sắc văn hóa và lối sống của cộng đồng địa phương, nên thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, quản lý lượng khách du lịch một cách khoa học. Chính quyền địa phương và hệ thống dịch vụ du lịch có thể áp dụng các biện pháp điều tiết số lượng khách du lịch tại các điểm đến quá tải như phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Sa Pa,... bằng cách thực hiện hệ thống vé vào cửa hạn chế, hoặc điều chỉnh thời gian tham quan. 

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý du lịch có thể tạo ra các lịch trình tham quan đa dạng để phân tán lượng khách du lịch trong các mùa cao điểm, tránh tình trạng quá tải vào một số thời điểm nhất định.

Hai là, phát triển du lịch bền vững bằng cách phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, trong đó người dân địa phương trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Điều này giúp bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng. 

Hơn nữa, phát triển du lịch bền vững còn gắn với việc khuyến khích khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, chừng mực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch lên hệ sinh thái và góp phần bảo vệ môi trường.

Ba là, phát triển du lịch phải gắn chặt với quá trình đầu tư thích đáng để bảo tồn, phục hồi các di sản văn hóa, bao gồm các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, các lễ hội truyền thống. Các dự án này cần sự hợp tác của cơ quan chính quyền, tổ chức du lịch, cộng đồng địa phương. 

Ngoài ra, điều này cũng gắn với việc tạo điều kiện cho du khách tham gia vào các hoạt động du lịch có trách nhiệm, tôn trọng văn hóa và môi trường địa phương, được trải nghiệm trực tiếp các hoạt động văn hóa của địa phương như làm nón lá, thêu thùa, gặt lúa hay biểu diễn nghệ thuật truyền thống...

Có thể thấy, hiện tượng phát triển nóng du lịch là một thách thức lớn đối với ngành du lịch hiện nay. Nguy cơ mất đi những giá trị văn hóa truyền thống do sự bùng nổ của “ngành công nghiệp không khói” này đang hiện hữu. 

Vì vậy, việc quản lý, phát triển du lịch bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương mà còn bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài cho cư dân. 

Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và du khách để cùng hướng tới một nền du lịch bền vững, hài hòa và công bằng./.