20/09/2024 | 16:45 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thái Lan và cuộc khủng hoảng “quá tải du lịch” ngày càng leo thang

La Tuấn
Thái Lan và cuộc khủng hoảng “quá tải du lịch” ngày càng leo thang Khách du lịch tham quan Vịnh Maya trên đảo Phi-Phi, Thái Lan_Ảnh: AFP/TTXVN
Du lịch Thái Lan đang dần lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ như trước thời kỳ đại dịch COVID-19 khi đón tới hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, mang lại doanh thu hơn 825 tỷ baht (hơn 22,6 tỷ USD). Tuy nhiên, Thái Lan thực sự đang trải qua một cuộc khủng hoảng “quá tải du lịch”. Tình hình này đã leo thang đến mức các điểm đến phổ biến như Vịnh Maya và các thành phố như Pattaya và Phuket đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp môi trường và căng thẳng về cơ sở hạ tầng do lượng du khách quá đông.

Khái niệm “quá tải du lịch” đã xuất hiện trở lại cùng với sự hồi sinh của ngành du lịch trên toàn cầu. Nhưng ngay từ năm 2019, mối lo ngại về sự tăng trưởng du lịch quá tải đã trở nên rõ ràng đến mức Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc đã ủng hộ việc quản lý có trách nhiệm đối với sự tăng trưởng như vậy để tối đa hóa các cơ hội mà nó có thể tạo ra cho cộng đồng trên toàn thế giới. 

Tại các thành phố như Barcelona (Tây Ban Nha), tâm lý phản đối du lịch gia tăng do sự thất vọng về sự tăng trưởng du lịch nhanh chóng và không ngừng nghỉ. Sự thất vọng tương tự cũng xuất hiện ở các thành phố nổi tiếng khác như Amsterdam (Hà Lan), Venice (Italia), London (Anh), Kyoto (Nhật Bản) và Dubrovnik (Croatia).

Đất nước Thái Lan, nổi tiếng với di sản văn hóa phong phú, những bãi biển tuyệt đẹp và những thành phố sôi động, từ lâu là điểm đến hấp dẫn đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ngành du lịch đang bùng nổ của “xứ sở Chùa Vàng” đang phải đối mặt với một thách thức đáng kể: quá tải du lịch. 

Hiện tượng này, khi số lượng du khách vượt quá sức chịu tải của điểm đến, đã leo thang đến mức các điểm đến phổ biến như Vịnh Maya và các thành phố như Pattaya và Phuket đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường, pha tạp văn hóa và căng thẳng về cơ sở hạ tầng do lượng du khách quá đông.

Định hướng bền vững

Các chính sách và biện pháp kích thích du lịch tức thời của Chính phủ Thái Lan như chính sách miễn thị thực, tổ chức sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực, quốc tế,... đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Hàng trăm nghìn lượt du khách quốc tế nhập cảnh Thái Lan mỗi ngày, không chỉ để du lịch mà còn để tham gia lễ hội và các sự kiện trên nhiều lĩnh vực. Du lịch càng tăng trưởng mạnh mẽ, Thái Lan lại càng cần có một kế hoạch tổng thể để quản lý và phát triển lĩnh vực du lịch một cách bền vững.

Somradee Chitchong - Tổng Cục phó phụ trách tiếp thị nội địa tại Tổng cục Du lịch Thái Lan - thừa nhận rằng, Thái Lan đang thiếu một kế hoạch tổng thể để hỗ trợ ngành du lịch nói chung và các địa phương quản lý du khách đến tham quan nói riêng. Kế hoạch này sẽ giúp phân tích tiềm năng của mỗi địa phương về hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các điểm đến, tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng cơ bản, năng lực ứng dụng công nghệ mới..., làm cơ sở để phát triển du lịch bền vững ở quy mô lớn. 

Bà nói: “nếu Thái Lan đặt mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch, đặc biệt là phục vụ du lịch có trách nhiệm, điều quan trọng là phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với số lượng du khách”.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đầu tháng 7-2024 công bố chiến lược thu hút trên 40 triệu lượt khách nước ngoài và tạo ra doanh thu du lịch 3.400 tỷ baht (khoảng 113,3 tỷ USD) vào năm 2025.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan Kriengkrai Thiennukul cho rằng, nếu không có những kế hoạch và chiến lược bài bản, đặc biệt liên quan tới khâu tính toán năng lực đón khách, người dân các địa phương sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy do quá tải du lịch. 

Lấy dẫn chứng về tình trạng ùn tắc giao thông và người dân xếp hàng dài để mua hàng hóa, dịch vụ tại hòn đảo nghĩ dưỡng Phuket thời gian qua, ông Kriengkrai cảnh báo, các điểm đến du lịch này sẽ dần mất đi sức hút, dẫn đến lượng du khách giảm nếu thực trạng này còn tiếp diễn.

Cân bằng giữa bảo tồn và thịnh vượng

Vịnh Maya mang tính biểu tượng, được diễn viên Mỹ Leonardo DiCaprio bất tử hóa trong bộ phim “The Beach” (Bãi biển), là một ví dụ điển hình về cuộc khủng hoảng du lịch quá tải. Sau khi bộ phim được phát hành, bãi biển từng một thời nguyên sơ này chứng kiến lượng du khách tăng vọt, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về môi trường. 

Để ứng phó, chính quyền Thái Lan thực hiện bước đi quyết liệt là đóng cửa Vịnh Maya đối với khách du lịch để tạo điều kiện cho hệ sinh thái phục hồi.

Việc đóng cửa Vịnh Maya nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về du lịch bền vững. Chính phủ Thái Lan, hợp tác với các cộng đồng địa phương và các thực thể toàn cầu, đang nghiên cứu một loạt chiến lược để quản lý lượng khách du lịch. Các chiến lược này bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển hướng du khách đến những khu vực ít đông đúc hơn và áp dụng hệ thống vé kỹ thuật số để quản lý việc vào các địa điểm được săn đón.

Liên đoàn Hiệp hội Du lịch Thái Lan cũng nêu lên nhiều mối lo ngại, đồng thời cảnh báo rằng các điểm đến như Pattaya và Phuket đang trở thành điểm nóng quá tải. Với dự báo có 40 triệu du khách nước ngoài, tương tự như mức trước đại dịch, áp lực lên môi trường và trải nghiệm của khách du lịch đang gia tăng. 

Những thách thức của Thái Lan hiện là tìm ra sự cân bằng giữa việc bảo tồn các tài sản thiên nhiên và văn hóa của nước này, trong khi vẫn tiếp tục hưởng lợi từ lợi ích kinh tế của du lịch.

Thái Lan hiện có nhiều điểm du lịch hấp dẫn rải đều khắp 77 tỉnh, thành phố. Do đó, TAT đã sử dụng các chiến lược tiếp thị để thúc đẩy nhu cầu đi lại đến các khu vực ít tắc nghẽn hơn trong mùa thấp điểm, nhằm phân tán khách du lịch và tăng thu nhập du lịch ở những khu vực đó. Những chiến lược này bao gồm việc quảng bá 55 thành phố hạng hai là điểm đến tiềm năng, cũng như du lịch vào các ngày trong tuần. 

Bà Somradee khẳng định rằng, những kế hoạch chi tiết này có thể đóng vai trò là chỉ báo về tăng trưởng du lịch, đặc biệt liên quan đến sự liên kết với 5 trụ cột của chính phủ theo cam kết “Khơi ngòi Du lịch Thái Lan 2025” (Ignite Tourism Thailand 2025), nhằm biến quốc gia này thành trung tâm du lịch khu vực bằng cách thu hút nhiều sự kiện và lễ hội hơn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện