20/09/2024 | 18:49 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nhìn nhận, giải quyết thỏa đáng

Vũ Thanh Vân
Nhìn nhận, giải quyết thỏa đáng Làng cổ Bukchon Hanok - một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc_Ảnh: P.N
Quá tải du lịch đang trở thành vấn nạn toàn cầu, nỗi trăn trở của các nhà quản lý du lịch và sự bức xúc của người dân địa phương, gây ra phản ứng tiêu cực, kích thích xung đột giữa các bên liên quan. Trong bối cảnh đó, tư duy du lịch bền vững cần thay thế tư duy thời vụ; những mâu thuẫn do quá tải du lịch gây ra cần được nhìn nhận và giải quyết thỏa đáng.

Vấn nạn toàn cầu

90% số người dân thành phố Kyoto (Nhật Bản) bày tỏ thái độ khó chịu với tình trạng đông đúc trên các phương tiện giao thông công cộng do khách du lịch. Đây là kết quả khảo sát với 2.465 người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên được lựa chọn ngẫu nhiên trong thời gian từ ngày 31-10 đến 27-11-2023. Do quá nhiều khách du lịch nước ngoài đến cố đô, người dân Kyoto có thể phải chờ đợi rất lâu, rất nhiều chuyến để lên được xe buýt. Nắm bắt được tâm lý này, ông Koji Matsui - ứng viên thị trưởng thành phố Kyoto - cam kết sẽ giải quyết tình trạng quá tải du lịch nếu thắng cử. Trở thành tân thị trưởng của thành phố vào tháng 2-2024, ông Koji Matsui triển khai hệ thống vé xe buýt mới với giá thấp hơn cho người dân và đắt hơn rất nhiều cho khách du lịch.

Làng cổ Bukchon Hanok - một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) - sẽ thực hiện hạn chế khách du lịch từ tháng 10-2024 trong khuôn khổ một dự luật du lịch mới của chính phủ. Theo đó, những người không phải cư dân sẽ không được phép đến khu vực này từ 5 giờ chiều cho đến 10 giờ sáng ngày hôm sau. Một số phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ được hạn chế đến khu vực này nhằm khuyến khích đi bộ. Đây là động thái của Chính phủ Hàn Quốc trước phản ứng của người dân địa phương nhằm giảm bớt xáo trộn, tác động tiêu cực của quá tải du lịch với đời sống cư dân như tiếng ồn, xả rác và xâm phạm sự riêng tư. Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, ước tính khoảng 6,6 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm làng Bukchon trong năm 2023.

Tháng 8-2023, người dân làng cổ Hallstatt (Áo) biểu tình chặn đường hầm chính dẫn vào thị trấn nhằm phản đối tình trạng quá tải du lịch. Người dân mang các biểu ngữ phản đối như “Hạn chế du khách, tái sinh môi trường”, “Hạn chế tối đa quá tải du lịch”, “Du lịch, có. Quá tải, không”... Là địa danh di sản thế giới của UNESCO, Hallstatt thu hút gần 10.000 du khách mỗi ngày trong mùa du lịch cao điểm, trong khi số dân sở tại chỉ đến 800 người. Vốn đã nổi tiếng, Hallstatt càng nổi tiếng hơn khi xuất hiện trong bộ phim “Công chúa tuyết” của Walt Disney năm 2013. Lượng khách du lịch quá lớn đảo lộn đời sống của người dân, gây quá tải rác thải và tiếng ồn.

Cùng cảnh ngộ như các địa danh nổi tiếng khác trên thế giới, thành phố Venice (Italia) đối mặt với tình trạng quá tải du lịch trong nhiều năm qua. Số khách du lịch đến thành phố năm 2023 khoảng 20 triệu người, gấp 4 lần số dân sở tại. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, số dân cư trú tại hòn đảo chính Centro Storico khoảng 175.000 người nhưng dần giảm xuống theo thời gian do không chịu nổi áp lực cuộc sống ngày càng tăng. Bắt đầu từ tháng 4-2024, Venice áp dụng mức phí 5 euro với những khách du lịch đến thành phố. Theo Luigi Brugnaro - thị trưởng thành phố Venice - khoản phí này là cần thiết “để không phải đóng cửa thành phố nhưng cũng không để nó bùng nổ”. Tuy nhiên, người dân không hài lòng với biện pháp này, cho rằng nó không hiệu quả khi du khách sẵn sàng trả tiền để đến tham quan.

Thành phố Kyoto, thành phố Venice, làng cổ Bukchon Hanok và làng cổ Hallstatt không phải trường hợp ngoại lệ trong bối cảnh quá tải du lịch toàn cầu. Sau đại dịch COVID-19, làn sóng du lịch quốc tế hồi phục, tạo động lực hồi sinh cho các ngành dịch vụ như vận tải, khách sạn, nhà hàng, lữ hành nhưng cũng thách thức giới hạn chịu đựng của người dân địa phương. Giáo sư Joseph Martin Cheer, Đại học Western Sydney (Australia) và Giáo sư Marina Novelli, Đại học Nottingham (Anh) trong bài viết đăng trên trang web Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng, quá tải du lịch trở thành một vấn nạn, đặc biệt khi du lịch quốc tế phục hồi sau đại dịch, gây ra phiền toái cho người dân địa phương.

Cần được giải quyết thỏa đáng

Tình trạng quá tải du lịch có thể gây ra phản ứng trái chiều từ các bên liên quan, ngay cả đối với người dân sở tại. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ mong muốn tối đa hóa dịch vụ, người dân địa phương cần sự bình ổn, không ô nhiễm tiếng ồn, không quá tải rác thải, không chen lấn ở các khu vực công cộng và phương tiện giao thông. Trong khi chính quyền thành phố muốn xúc tiến du lịch, các nhóm vận động bảo tồn kiến trúc, văn hóa và lịch sử muốn giảm tối đa tác động của con người đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa.

Ngay chính trong người dân sở tại cũng có sự phân hóa thái độ đối với du lịch. Có nhóm mong muốn thúc đẩy du lịch đến mức tối đa, đặc biệt ở những nơi hoạt động du lịch mang tính mùa vụ, thời điểm. Nhóm này mang tâm lý “tranh thủ”, mong muốn tối ưu hóa nguồn thu trước khi mùa cao điểm du lịch kết thúc. Có nhóm lại muốn giới hạn hoạt động du lịch ở mức độ vừa phải để có nguồn thu nhưng không gây đảo lộn đời sống hằng ngày. Họ cho rằng, với lưu lượng khách du lịch vừa phải, các dịch vụ du lịch sẽ được cung cấp với chất lượng tốt và trải nghiệm của du khách cũng được tối ưu.

Quá tải du lịch tuy mang lại lợi ích tài chính, nhưng làm giảm chất lượng dịch vụ và chất lượng cuộc sống của người dân. Ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng, người dân địa phương thậm chí phải tìm nơi ở khác để không bị phiền nhiễu bởi khách du lịch. Sự khó chịu của người dân có thể dẫn đến một số phản ứng quá khích như biểu tình, thậm chí hành vi “xua đuổi khách du lịch”. Tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), trong tháng 7-2024, hàng nghìn người dân xuống đường biểu tình chống tình trạng du lịch quá mức - vốn được cho là nguyên nhân khiến giá nhà lên cao trong khi chất lượng dịch vụ cuộc sống đi xuống.

Dalia Perkumiene và Rasa Pranskuniene trong bài viết Quá tải du lịch: Cân bằng quyền của du khách và quyền của người dân trên tạp chí Sustainability (Thụy Sĩ) cho rằng, quá tải du lịch cho thấy tầm quan trọng của du lịch bền vững, trong đó quyền lợi của các bên liên quan được giải quyết thỏa đáng. Quyền tự do đi lại và du lịch của du khách có thể xung đột với quyền riêng tư, quyền sở hữu không gian công cộng của người dân sở tại. Trong bối cảnh đó, chính quyền và các cơ quan quản lý du lịch phải cân bằng mục tiêu nguồn thu du lịch với mục tiêu bảo tồn văn hóa và ổn định xã hội. Nếu các địa điểm văn hóa, lịch sử bị khai thác quá mức đến mức biến dạng, biến chất, địa phương có thể mất dần nguồn thu về lâu dài.

Qua nghiên cứu tình trạng quá tải du lịch ở thành phố Shimla (Ấn Độ), 2 nhà nghiên cứu Vikas Gupta và Pranshu Chomplay chỉ ra hàng loạt hệ quả kinh tế, văn hóa và xã hội. Quá tải du lịch ở Shimla kéo theo tình trạng dùng quá nhiều nước, xả quá nhiều rác thải và ô nhiễm môi trường. Là thủ phủ và thành phố lớn nhất của bang Himachal Pradesh miền Bắc Ấn Độ, Shimla thu hút khách du lịch bởi khí hậu mát mẻ và hệ thống đền đài có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Dựa trên kết quả này, Vikas Gupta và Pranshu Chomplay đề xuất ngành du lịch Ấn Độ xây dựng chiến lược dài hạn để cân bằng việc quản lý, bảo tồn và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hướng tới du lịch bền vững.

Quá tải du lịch cần được nhìn nhận không chỉ ở sự hấp dẫn của điểm đến, tính chất mùa vụ của hoạt động du lịch mà còn cần được xem xét ở năng lực quản lý du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch. Những phản ứng tiêu cực, thậm chí quá khích của người dân địa phương với quá tải du lịch cho thấy, năng lực quản lý du lịch cần được cải thiện. Năng lực quản lý du lịch chỉ được cải thiện khi mục tiêu thu hút du khách, gia tăng nguồn thu được nhìn nhận lại và điều chỉnh. Những mâu thuẫn do quá tải du lịch gây ra cần được giải quyết một cách thỏa đáng để hướng tới phát triển du lịch bền vững hơn./.